02:15 02/02/2015

Cuộc 'thử lửa ngoại giao' đầu tiên của ông Kim Jong Un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhận lời mời của Tổng thống Putin tới thăm nước Nga nhân lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Đây sẽ là cuộc "thử lửa ngoại giao" đầu tiên của ông Kim Jong-un sau 3 năm cầm quyền nên được giới phân tích quan sát từng chi tiết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhận lời mời của Tổng thống Vladimir Putin tới thăm nước Nga nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đây sẽ là cuộc "thử lửa ngoại giao" đầu tiên của ông Kim Jong Un sau 3 năm cầm quyền nên được giới phân tích quan sát từng chi tiết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự một sự kiện vào ngày 28/7/2014. Ảnh: AFP-TTXVN


Nếu vào ngày 9/5 tới đây ông Kim Jong Un tham dự lễ duyệt binh tại thủ đô Moskva của nước Nga nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức thì đây sẽ là một sự kiện quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Vào thời điểm đó, nhiều nhân vật quan trọng của thế giới sẽ có mặt tại Moskva, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 28/1 vừa qua, Điện Kremlin xác nhận ông Kim Jong Un đã nhận lời mời sang Moskva. Trong số khách mời còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tuy nhiên, theo giới phân tích trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga vì vấn đề Ukraine, Tổng thống Mỹ có thể sẽ từ chối, còn lãnh đạo Hàn Quốc vẫn chưa trả lời dứt khoát.

Theo hãng tin AFP, mọi cuộc gặp gỡ giữa ông Kim Jong Un với một nhà lãnh đạo quốc tế sẽ có ý nghĩa biểu tượng. Hội đàm Kim-Putin sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên thế hệ thứ ba. Đối với Trung Quốc, quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh có vẻ lạnh nhạt. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc đã đi thăm Seoul (Hàn Quốc) thay vì sang Bình Nhưỡng như thông lệ.

Theo nghi lễ ngoại giao, Tổng thống Nga sẽ tiếp ông Kim Jong Un; nhưng chưa rõ nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có muốn diện kiến Chủ tịch Trung Quốc, hoặc ông Tập Cận Bình có muốn gặp cháu nội của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tại thủ đô nước Nga hay không.

Giới phân tích cũng có những nhận định khác nhau về lý do thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhận lời mời sang thăm Nga năm 2015 này trong khi suốt 3 năm qua không đi nước ngoài. Một số nhà bình luận đưa ra giả thuyết rằng ông Kim Jong Un tự thấy chưa đủ bản lĩnh trên trường quốc tế nên tập trung xử lý tình hình nội bộ trước. Một số khác thì nghĩ rằng ông Kim Jong Un để tang ba năm nên không đi công du. Thật sự thì các lãnh đạo Triều Tiên ít đi nước ngoài. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ quanh quẩn các nước trong khối xã hội chủ nghĩa còn ông Kim Jong-il lại sợ đi máy bay.

Chuyến công du Liên bang Nga vào tháng 5 tới có thể xem là một động thái của Bình Nhưỡng muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi Moskva liên tục bắn tín hiệu muốn trợ giúp Triều Tiên thông qua dự án xây dựng đường xe lửa để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên trị giá 20 tỷ USD.

Về phần Nga, do căng thẳng giữa Moskva và Tây phương sẽ kéo dài nên Tổng thống Putin tìm bạn mới, kể cả những nước bị cô lập. 

Một yếu tố khác, quan trọng không kém nhưng ít được để ý đó là: Quyết tâm thống nhất bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc bằng "vũ khí" kinh tế, thương mại và văn hóa.

Ngày 19/1 vừa qua, Seoul công bố chính sách 3 điểm mà năm 2015 là năm mở đầu "kỷ nguyên": Đào tạo nhân lực chuẩn bị thống nhất, đề nghị mở tuyến tàu hỏa nối liền hai miền Nam Bắc theo đề án "Đường sắt xuyên Siberia" của Nga, cải thiện đời sống nông thôn miền Bắc, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, bảo vệ môi trường và hợp tác nghệ thuật văn hóa với miền Bắc. Hơn ai hết, Bình Nhưỡng thấy rõ "chiến lược công tâm" này muốn nhằm vào đâu. 


TTK