11:00 08/11/2013

Cuộc 'tắm máu' trên bầu trời Crete

Khi những ánh sáng đầu tiên xuất hiện trong ngày 20/5/1941, hàng vô số máy bay vận tải Đức bất ngờ xuất hiện đen kịt trên bầu trời đảo Crete. Lính dù và lính tàu lượn đổ bộ xuống khắp nơi trên hòn đảo.

Khi những ánh sáng đầu tiên xuất hiện trong ngày 20/5/1941, hàng vô số máy bay vận tải Đức bất ngờ xuất hiện đen kịt trên bầu trời đảo Crete. Lính dù và lính tàu lượn đổ bộ xuống khắp nơi trên hòn đảo.


Lính dù Đức bị bắt giữ dưới sự canh gác của binh sĩ Anh.

Ba mục tiêu chủ chốt, gồm các khu vực Maleme - Canea, Retimo và Heraklion, nằm trên dải đất dài hơn 100 km dọc bờ biển phía bắc đảo Crete. Binh sĩ của Tướng Student đáp xuống mọi nơi, chủ yếu nhờ vào yếu tố bất ngờ của lực lượng không vận được cải trang kỹ lưỡng. Student gọi đó là “chiến thuật dầu loang”, theo đó những nhóm binh sĩ nhỏ tràn ra khắp hòn đảo, rồi tập hợp lại tạo thành một lực lượng lớn hơn. Một lần nữa, cũng giống như ở Đan Mạch và Na Uy, người Đức lại thể hiện khả năng điều quân vượt trội, tất cả những đợt thả quân đều diễn ra đúng giờ và đúng mục tiêu.


Nhưng, chiến dịch thả quân này lại biến thành một cuộc “tắm máu”. Vì làm vội, người Đức đã không thực sự chú ý đến việc che giấu các khí tài không quân của họ ở Hy Lạp. Do đó, các nhà hoạch định sách lược Thịnh vượng chung đã nắm rõ đến từng chi tiết kế hoạch không vận của Đức từ trước khi nó bắt đầu. Khi Sư đoàn dù số 7 đổ bộ thì lực lượng phòng thủ đã sẵn sàng, từng đợt thả quân đều vấp phải hỏa lực mạnh và hứng chịu tổn thất nặng nề. Hàng trăm lính dù sớm bị loại khỏi vòng chiến đấu trước khi có thể chạm chân xuống mặt đất.


Một tàu lượn của lính Đức.


Ở Maleme, lực lượng New Zealand triển khai súng máy và ụ pháo dày đặc trên các quả đồi dốc thoai thoải. Một biệt đội tàu lượn do Thiếu tá Walter Koch chỉ huy, làm nhiệm vụ tiên phong cho lính dù, là đơn vị đầu tiên hứng chịu thương vong. Các đội quân phòng ngự bắn hạ hết chiếc này đến chiếc khác trên bầu trời, và bản thân Thiếu tá Koch cũng chịu chung số phận với một vết thương ở đầu. Lực lượng New Zealand đã tiêu diệt gần như toàn bộ Tiểu đoàn số 3 của Trung đoàn dù Không quân Đức gồm 600 binh sĩ dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Otto Scherber ở phía đông Maleme. Như vậy ngay trong những giây phút đầu tiên của Chiến dịch Mercury, phía Đức đã mất gần 400 người, kể cả Scherber. Hơn nữa, tình hình thương vong của đội ngũ sĩ quan đặc biệt nghiêm trọng, khiến quân Đức gặp khó khăn trong việc kiểm soát và chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu.


Chỉ huy sư đoàn, Tướng Süssmann, thậm chí không bao giờ đến được đảo Crete. Cánh tàu lượn của ông bị gãy khi vẫn còn trong không phận Hy Lạp và ông đã thiệt mạng trên bầu trời đảo Aegina. Tương tự, chỉ huy Trung đoàn dù số 1, Chuẩn tướng Eugen Meindl, bị đạn găm vào ngực khiến vết thương rỉ máu và phải sơ tán khỏi Hy Lạp vào ngày 21/5, khiến ông không thể chỉ huy đơn vị của mình.


Đợt thả quân thứ hai còn tồi tệ hơn. Lính dù đổ bộ xuống Retimo và Heraklion vào đúng các cứ điểm phòng thủ được đặt trong sự cảnh giác cao độ. Một màn bắn vịt trời trong trò chơi điện tử được tái hiện đầy sinh động trên bầu trời Crete. Ở Retimo, hỏa lực phòng không của Trung đội Australia 2/1 tiêu diệt gần như toàn bộ hai trung đội thuộc Trung đoàn dù số 2 của Đại tá Alfred Sturm.


Lực lượng dân quân trên đảo Crete.


Điều tương tự cũng diễn ra ở Heraklion. “Vật tế thần” lần này là Trung đoàn dù số 3 của Đại tá Bruno Bräuer. Tại đây, nhiều giờ oanh tạc liên tiếp của Không quân Đức chẳng những không gây ra bất cứ thương vong nào cho lực lượng phòng thủ nấp sâu trong lòng đất mà còn là động thái báo hiệu sự xuất hiện của lính dù sau đó. Hệ quả là từng chiếc máy bay vận tải một đã bị loại khỏi cuộc chơi. Người Australia thậm chí còn triển khai một số xe tăng ở Heraklion và thỏa sức bắn phá những lính dù đen đủi đáp xuống đúng tầm bắn của họ.


Những lính dù sống sót sau hai đợt thả quân này chẳng thể làm được gì ngoài việc bò thục mạng ra khỏi khu vực đổ bộ và tìm kiếm những nơi an toàn trên núi chờ giải nguy. Trong khi đó, những binh sĩ may mắn thoát chết trong các cuộc thả quân sau cũng chẳng khá khẩm hơn. Các sai lầm trong công tác tình báo của Đức đã khiến họ phải trả giá. Hầu hết các thông tin đều sai lệch, từ số lượng và thành phần các lực lượng Thịnh vượng chung đến thái độ của dân chúng địa phương. Những chốt bố trí hỏa lực mạnh của kẻ thù xuất hiện trên bản đồ của Đức là “những giếng phun nước ngầm”. Một vị trí được đánh dấu là “kho lương thực của Anh” trên con đường giữa Alikianou và Canea, đáng lẽ sẽ là một mục tiêu lý tưởng để thả quân, thì hóa ra lại là một nhà tù lớn và kiên cố.


Dù hiếm khi là nhân tố gây bận tâm trong kế hoạch của người Đức, nhưng giờ đây lực lượng Hy Lạp đã chiến đấu hiệu quả như những gì họ đã thể hiện trong cuộc chiến chống Italy từ tháng 10/1940. Tại Kastelli, Trung đoàn Hy Lạp số 1 đã đánh tan một biệt đội lính dù và tiêu diệt chỉ huy, Trung tá Peter Mürbe. Trong khi đó người dân trên đảo Crete dù mang nặng tâm lý chống Anh cũng hăng hái tham gia bảo vệ quê hương, bằng bất cứ thứ vũ khí nào họ có trong tay dù là súng ống hay giáo mác (sau chiến dịch này, nhiều người dân đảo Crete đã phải trả giá bằng tính mạng của mình do bị quân Đức trả thù).


Hơn nữa, do bị tấn công rát mặt, lính dù Đức không có đủ thời gian để tập hợp lực lượng và củng cố vị trí. Họ phải di chuyển ra khỏi nơi đổ bộ và chiếm lấy một sân bay. Do chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, chủ yếu là một súng lục, bốn lựu đạn và một con dao để tăng tính cơ động, lính dù Đức đã không thể kéo dài cuộc giao tranh với bộ binh thông thường. Các loại vũ khí cầm tay khác được thả xuống trong các hộp sắt riêng để lính dù đến lấy sau khi đổ bộ, nhưng do vấp phải hỏa lực dữ dội nên lính dù Đức đã không bao giờ thu lại được phần lớn số vũ khí đó. Đến cuối ngày đầu tiên của chiến dịch, không một sân bay nào trong số ba sân bay trên đảo Crete có nguy cơ rơi vào tay người Đức.

 

Huy Lê


Đón đọc kỳ cuối: Tấm biển báo nguy hiểm