03:06 16/03/2017

Cuộc sống mới ở làng chài trên núi

Làng Đăk Wơk Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum) là làng di dân, được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi san sát, đường vào khó khăn.

Người dân tập trung sống ven bờ hồ chứa thủy điện Plei Krông và sống nhờ vào việc đánh bắt cá, hình thành làng chài Đăk Wơk Yốp ngày nay.

Làng chài Đăk Wơk Yốp có gần 80 hộ với trên 300 khẩu, 100% dân số là dân tộc Ba Na -Rơ Ngao, thuộc diện di dân từ huyện Đăk Hà xuống xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.

Quanh làng chài, nhà nào cũng treo lủng lẳng vài ba tay lưới. Hộ nhiều có đến 6-7 tay lưới phục vụ cho việc đánh bắt. Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hơ Moong cho biết, từ khi thành lập khu tái định cư, tận dụng nguồn nước lòng hồ thủy điện Plei Krông, người dân xã Hơ Moong hành nghề khai thác thủy sản.

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong làng Đăk Wơk Yốp dựa vào việc đánh bắt cá lòng hồ thủy điện Plei Krông.

Già làng A Thum, làng Đăk Wơk Yốp, huyện Sa Thầy vui vẻ khoe: “Bà con dân làng kiếm được nhiều tiền từ đánh bắt cá, cuộc sống bây giờ đỡ hơn nhiều so với lúc mới di cư tới đây. Cây trồng chưa đến thời gian thu hoạch, do vậy, việc đánh bắt cá là nguồn thu chính của bà con trong làng. Nhờ chính quyền hướng dẫn cách đánh bắt và nhất là việc được hỗ trợ tiền mua lưới, bà con làng chài phấn khởi lắm.

Cứ khoảng tầm 15 giờ hằng ngày, đàn ông trong làng lại chuẩn bị chài lưới cho chuyến đánh bắt mới. Họ chèo thuyền đến các điểm đã định sẵn rồi giăng lưới đến 5 giờ ngày hôm sau sẽ chèo thuyền ra gỡ cá mang về.

Cá ở lòng hồ chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá mè, rô phi, thác lác, tôm, tép… được người dân làng chài Đăk Wơk Yốp khai thác về tập trung bán cho thương lái thu mua làm thức ăn trong các nhà hàng, quán ăn, chợ đầu mối của thành phố Kon Tum và các địa phương lân cận.

Ông Đức, thương lái chuyên thu mua cá tại làng chài cho biết, cứ tầm khoảng 6-7 giờ hằng ngày, như một thói quen, ông chạy xe thẳng vào làng đợi thuyền cập bến rồi thu mua khi những mẻ cá còn bật tanh tách trên khoang thuyền đem về thành phố Kon Tum bán lại cho các nhà hàng, quán ăn.

Có hôm, người dân đánh bắt được những con cá mè, cá trắm nặng vài chục kg, ông Đức cũng vui lây. Theo ông Đức, trung bình, mỗi ngày bà con làng chài bán cho ông từ 6-7 triệu đồng tiền cá.

Trong làng, những thanh niên trai tráng có sức khỏe, kinh nghiệm đi xa khơi hơn một chút thường đánh bắt được những mẻ cá to và nhiều hơn. Điển hình như A Phung, A Nủi, A Đôn, A Vai, A Vít, A Đum trung bình mỗi ngày có thu nhập từ đánh bắt cá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, những hộ còn lại cũng kiếm được vài ba trăm nghìn một ngày.

Chị Trần Thị Tuyết Sương, người thu mua cá tại làng chài Đăk Wơk Yốp cho biết: “Mỗi ngày bình quân tôi mua vào 5-6 triệu đồng tiền cá các loại, cá thác lác có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg; cá rô phi từ 30.000-35.000 đồng/kg; cá chép được thu mua với giá 35.000-40.000 đồng/kg, cá trắm từ 40.000-50.000 đồng/kg, cá mè từ 25.000-30.000 đồng/kg...”.

Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hơ Moong cho biết: “Bên cạnh việc giúp người dân biết cách thức đánh bắt cá, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 2 triệu đồng/lần cho 30 hộ mua lưới, công cụ đánh bắt cá xa bờ; hỗ trợ mỗi hộ một áo phao để đảm bảo an toàn khi tham gia khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, người dân đã tự tích góp tiền đầu tư mua lưới để phát huy hiệu quả việc đánh cá".

Ngoài việc đánh bắt cá, 80 hộ dân ở làng Đăk Wơk Yôp còn trồng 30 ha cà phê, 5 ha bời lời và 2 ha cao su. Bà con còn biết tận dụng vùng bán ngập để trồng sắn, đậu trong mùa nước rút đã đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Hồng Điệp (TTXVN)