08:17 05/08/2022

Cuộc săn lùng virus bí ẩn phòng bệnh đậu mùa khỉ - Kỳ 1

Loại vaccine đang được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ được điều chế từ một loại virus đã biến mất chưa ai có thể xác định được.

Chú thích ảnh
Ảnh: Getty Images

Kỳ 1: Căn bệnh kỳ lạ

Theo đài BBC (Anh), vào đầu thế kỷ 19, một cơn hoảng loạn y tế đã bao trùm thủ đô London của Anh. Các tờ rơi thông tin được phát đi khắp nơi, những cuốn sách gieo rắc nỗi sợ hãi xuất bản rộng rãi, nhiều phương pháp điều trị mơ hồ cũng bắt đầu xuất hiện. Người dân được cảnh báo họ đang gặp nguy hiểm trước căn bệnh kỳ lạ có nguy cơ … biến người thành bò.

Một nhóm nhỏ các bác sĩ gây tranh cãi đã làm dịu đi những lo ngại này bằng một phương pháp y tế đột phá khi đó. Đó là lấy một loại virus lây nhiễm cho gia súc và sử dụng nó để bảo vệ con người khỏi họ hàng của nó – virus đậu mùa. Kỹ thuật này được đặt tên là “vaccination” (tiêm chủng). Bằng chứng ban đầu cho thấy phương pháp tiêm chủng có hiệu quả đáng kinh ngạc, có thể bảo vệ con người khoảng 95% trước căn bệnh lây nhiễm thường khiến khoảng 30% nạn nhân tử vong và gây biến dạng vĩnh viễn hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Thậm chí, nhiều chuyên gia hy vọng phương pháp này có thể vĩnh viễn ngăn chặn bệnh đậu mùa.

Nhưng không lâu sau, những hoài nghi về vaccine đã xuất hiện. Đặc biệt, một số bác sĩ tin chắc rằng virus đậu bò không thể tồn tại trong cơ thể con người. Một số tin đồn gây hoang mang cho rằng những đứa trẻ được tiêm chủng bắt đầu hình thành các đặc điểm của bò, chẳng hạn xuất hiện những đốm trên người như bò sữa, hoặc có những suy nghĩ giống bò. Một số người còn nói rằng phụ nữ được tiêm phòng có thể yêu bò đực. Song tất cả chỉ là những giả thuyết vô căn cứ. 

Trên thực tế, cho đến ngày nay, không ai biết loại virus được dùng để điều chế vaccine phòng bệnh đậu mùa đến từ đâu. Giờ đây, loại virus bí ẩn này vẫn được sử dụng trong các loại vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ - căn bệnh đã được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Chú thích ảnh
Các mẫu vaccine đậu mùa cổ xưa có thể được tìm thấy trong các bảo tàng trên toàn cầu. Ảnh: Bảo tàng Khoa học, London

Sau khi được phát hiện ở châu Phi vào 5 thập kỷ trước, vào tháng 5/2022, virus đậu mùa khỉ đã bắt đầu tái lây lan trên toàn cầu. Các nhà khoa học đã sử dụng 2 loại vaccine phòng bệnh đậu mùa - ACAM2000 và JYNNEOS – để đối phó với loại virus mới này. Đây là 2 phiên bản duy nhất được cấp phép ở Mỹ để ngăn virus đậu mùa khỉ bùng phát. Cả hai đều đặc biệt an toàn và có hiệu quả cao, nhưng nguồn gốc của chúng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trong hơn một thế kỷ, giới khoa học cho rằng vaccine đậu mùa được sản xuất từ ​​ virus đậu bò - đây là lời giải thích vẫn được tìm thấy trong nhiều trang web và giáo trình trên toàn thế giới. Nhưng vào năm 1939, gần 150 năm sau khi phát minh ra phương tiêm chủng, các thử nghiệm phân tử cho thấy giả thuyết này không chính xác. Gần đây hơn, kết quả giải trình tự gien đã làm rõ những phát hiện này. Thay vào đó, các loại vaccine được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa - gồm những loại đang được sử dụng để ngăn bệnh đậu mùa khỉ - được bào chế dựa trên một loại virus chưa ai có thể xác định. Nó được biết đến là “mầm bệnh ma” chỉ được tìm thấy ở dạng vaccine.

Bất chấp nỗ lực tìm kiếm kéo dài 83 năm, chưa nhà khoa học nào biết rõ bằng cách nào, tại sao hoặc chính xác khi nào loại virus này xuất hiện trong vaccine đậu mùa. Cũng không chắc loại virus này có còn tồn tại trong tự nhiên hay không. Chỉ có một điều rõ ràng rằng nhờ có vaccine, hàng triệu người đã sống sốt qua thời kỳ thống trị của bệnh đậu mùa. Và nếu không có vaccine, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại của chúng ta có thể còn lan nhanh hơn nữa.

Chú thích ảnh
Họ Poxvirus gồm hàng chục loại virus, mỗi loại đều có thể thích nghi trong nhiều loài vật chủ. Ảnh: Alamy

Vào năm 1939, các nhà khoa học đã thử nghiệm kháng thể đậu bò có trong vaccine đậu mùa. Họ phát hiện ra rằng đây là hai loại virus hoàn toàn khác nhau. José Esparza, nhà virus học và là thành viên của Viện Robert Koch (Đức) cho biết: “Trong nhiều năm, mọi người đều nghĩ rằng bệnh đậu mùa cũng giống như bệnh đậu bò. Cho đến năm 1939, người ta phát hiện ra rằng chúng không giống nhau. Kể từ đó, chúng tôi xác định rằng bệnh đậu mùa ở bò là do một loại virus gây ra, còn bệnh đậu mùa ở người gây ra bởi một loại virus khác không rõ nguồn gốc”.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxvirus có họ hàng với bệnh đậu mùa gây ra. Không chỉ tồn tại trong cơ thể con người, họ Poxvirus gồm hàng chục loại virus, mỗi loại đều có thể thích nghi trong nhiều loài vật chủ, gồm cả bọ hung. Trong đó, chi Orthopoxvirus gồm bệnh đậu mùa ở người, bệnh đậu mùa ở ngựa, bệnh đậu mùa ở lạc đà, bệnh đậu mùa thỏ, bệnh đậu mùa chuột, bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa gấu trúc. Nhưng việc tìm ra tổ tiên của vaccine đậu mùa trong chi Orthopoxvirus rộng lớn được chứng minh là rất khó.

Qua một số nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học ban đầu nhận định rằng “ứng viên” tiềm năng nhất là virus đậu mùa ngựa. Trong tài liệu của bác sĩ Edward Jenner, người đã phát minh ra vaccine đậu mùa, ông cũng nghi ngờ bệnh đậu bò có thể bắt nguồn từ loài ngựa.

Đón đọc kỳ cuối: Bước ngoặt bất ngờ

Hải Vân/Báo Tin tức