01:23 08/01/2012

Cuộc săn lùng đao phủ Đức Quốc xã-Kỳ 1: Quyền lực và tội ác

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Ixraen đã thu thập tất cả các thông tin về những kẻ đứng đầu Đức Quốc xã đang lẩn trốn khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Adolf Eichmann – nhân vật được đề cập nhiều tại Tòa án tội phạm chiến tranh Nuremberg năm 1946.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Ixraen đã thu thập tất cả các thông tin về những kẻ đứng đầu Đức Quốc xã đang lẩn trốn khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Adolf Eichmann – nhân vật được đề cập nhiều tại Tòa án tội phạm chiến tranh Nuremberg năm 1946. Từ thông tin về việc vợ con Adolf Eichmann đột nhiên biến mất khỏi nhà tại Áo và nhiều khả năng đã đến Nam Mỹ, những người Ixraen đã lần ra tung tích kẻ đã tham gia sát hại 6 triệu người Do Thái trong Thế Chiến II đang lẩn trốn tại Buênốt Airết (Áchentina), bí mật bắt giữ và đưa về Ixraen xét xử.

Kỳ 1: Quyền lực và tội ác

Adolf Eichmann.

Adolf Eichmann sinh ngày 19/3/1906, tại thị trấn Solingen (Đức), một khu vực nổi tiếng về sản xuất các loại dao chuyên dụng và dụng cụ phẫu thuật. Sống trong gia đình có năm anh em nhưng ngay từ nhỏ Adolf đã sống rất khép kín, cô đơn. Khi Adolf còn nhỏ, cha Adolf đã đưa cả gia đình đến Áo sinh sống và Adolf phải rất vất vả mới hoàn thành được chương trình học tập. Ở trường, Adolf thường bị bạn cùng lớp trêu chọc bằng cách gọi là "cậu nhóc Do Thái", đó cũng là một trong những yếu tố khiến Adolf thù ghét người Do Thái.

Năm 1932, Eichmann đăng ký tham gia đảng Quốc xã. Mặc dù không thật sự quan tâm tới chính trị, song Eichmann đã hoàn toàn đắm mình trong lý tưởng phátxít. Eichmann ít được thông tin về tình hình, thậm chí không biết chương trình của đảng, không bao giờ đọc cuốn Cuộc chiến đấu của tôi của Quốc trưởng Hitler, song đảng Quốc xã đã mang lại cho Eichmann một cơ hội trở thành kẻ có quyền lực và Eichmann thèm khát điều này hơn bất cứ thứ gì khác. Năm 1933, Eichmann chính thức gia nhập lực lượng vũ trang của đảng Quốc xã (Schutzstaffel) với quân số 4.536 người và đã cố gắng hết mình để thăng tiến.

Eichmann luôn luôn tìm cách để làm hài lòng cấp trên. Hắn nhanh chóng được thăng hàm hạ sĩ, khi Heinrech Himmler thành lập lực lượng cảnh sát mật vụ (SS) trực thuộc Schutzstaffel và Eichmann được chuyển sang làm ở bộ phận này. Năm 1935, Eichmann được giao nhiệm vụ xử lý vấn đề người Do Thái, một bước ngoặt dẫn tới những tội ác khủng khiếp của hắn ta sau này.

Những người Do Thái bị đói trên tàu.


Eichmann đã đọc tất cả mọi thứ tìm thấy có liên quan đến người Do Thái và học tiếng Do Thái. Chẳng bao lâu sau, hắn ta trở thành một "chuyên gia" về vấn đề người Do Thái tại Đức và những người khác trong SS thường phải hỏi ý kiến của Eichamann về vấn đề này. Thậm chí, Eichmann đã đến Palextin và trở thành thành viên Đức Quốc xã am hiểu nhất về người Do Thái.

Năm 1939, Eichmann được thăng hàm trung tá và chuyển công tác tới thành phố Viên (Áo). Eichmann được giao phụ trách Trung tâm Di cư người Do Thái gốc Áo, với nhiệm vụ cụ thể là buộc toàn bộ người Do Thái phải rời khỏi Áo. Trong vòng 8 tháng, Eichmann đã buộc 45.000 người Do Thái rời bỏ nước Áo và con số này đã tăng lên mức 150.000 sau một năm. Hầu hết những người này phải chạy khỏi đất nước với chỉ một bộ quần áo trên người, trong khi những người khác bị đưa đến các trại hành quyết. Eichmann tự hào tuyên bố đã đuổi được khoảng 224.000 - 234.000 người Do Thái ra khỏi Áo. Khi chiến tranh nổ ra tháng 9/1939, Eichmann được đưa trở lại Béclin, nơi hắn tiếp tục điều hành một kế hoạch tổng thể tiêu diệt hàng triệu người Do Thái.

Hố chôn tập thể người Do Thái tại các trại tập trung.


Để thực thi kế hoạch tàn bạo này, Eichmann đã đưa người Do Thái từ tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào Ba Lan, dồn vào các khu ổ chuột ở Vácsava và giết hại họ một cách tàn bạo. Quân đội Đức Quốc xã đã niêm phong khu vực của người Do Thái, xây dựng tường rào dây thép gai và không cung cấp thức ăn, nước uống cho họ khiến hàng chục nghìn người Do Thái bị chết đói. Trong khi đó, hàng ngàn người Do Thái khác đã bị bắn hoặc làm ngạt bằng hơi độc trong các căn phòng hành quyết di động.

Eichmann còn sử dụng nhiều phương pháp giết người khác. Nhiều phòng hơi ngạt lớn được xây dựng tại Auschwitz, Dachau và Treblinka. Eichmann cũng nhồi nhét hàng ngàn người vào các toa tàu chở gia súc mà không cung cấp thức ăn, nước uống và đưa họ tới các trại hành quyết. Trong mỗi chuyến đi, hàng trăm tù nhân đã chết trên tàu trước khi đến nơi. Eichmann đã thực hiện công việc này với tất cả khả năng của bản thân và sự tận tâm với Adolf Hitler.

Tuy nhiên, tất cả quyền lực của Eichmann đã chấm dứt cùng với sự thất bại của Đức Quốc xã. Cuộc sống của Eichmann sau chiến tranh là những ngày dài lẩn trốn sự truy lùng gắt gao của những người Do Thái muốn đòi lại công lý.

Hoàng Yến

Đón đọc số tới: Đào tẩu