10:15 21/10/2015

Cuộc mặc cả khó khăn

Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Liên minh châu Âu (EU) trước cuộc khủng hoảng người di cư trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm thay đổi đáng kể cục diện quan hệ vốn khá căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.


Người di cư chờ đăng ký vào trung tâm tị nạn tại thị trấn Presevo, miền nam Serbia ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN

EU đang cố thuyết phục Ankara “giữ chân” người tị nạn Syria ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn không để họ tiếp tục vào châu Âu.

Vị trí địa chiến lược đặc biệt và vai trò quan trọng trong khu vực khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia láng giềng tiếp nhận người tị nạn Syria nhiều nhất kể từ khi bùng phát xung đột tại nước này năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điểm quá cảnh chính của người tị nạn trên hành trình tới EU, hầu hết trong số hơn 600.000 người di cư đã đến EU bằng đường biển trong năm nay là thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. EU phải thừa nhận nếu không hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng di cư sẽ không thành công.

Những đề xuất trợ giúp tài chính, xem xét miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, thúc đẩy tiến trình Ankara gia nhập EU... là sự nhượng bộ lớn của EU. Đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều cam kết hấp dẫn, dù chỉ hai năm trước, Đức là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc kết nạp Ankara. Thậm chí, EU sẵn sàng chi 63 tỷ euro để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận thêm người tị nạn, dù từ lâu các khu trại ở nước này dành cho người Syria đã quá tải, buộc người tị nạn tại đây phải sống trong cảnh cùng cực, ô nhiễm, dịch bệnh, đói khát...

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hợp tác với Đức để ngăn dòng người di cư bất hợp pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi EU tính tới việc chi tiền để ngăn dòng người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách gây sức ép đòi thêm lợi ích, khi cho rằng số tiền hỗ trợ mà EU đề xuất là "vô nghĩa" và “không thể chấp nhận” nếu so với hơn 9 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu tốn cho 2,2 triệu người Syria lánh nạn tại quốc gia này cho tới nay. Ankara cũng sẽ không chấp nhận kịch bản bị biến thành khu "trại tập trung" vĩnh viễn cho người di cư để làm EU hài lòng. Trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn được xem là thử thách lớn đối với đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, chủ đề này còn được Ankara đưa ra “mặc cả” và phần nào có thể làm nóng chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thách thức an ninh khu vực đang làm cho tính chiến lược trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU ngày càng tăng. Thế nhưng, những toan tính từ cả hai phía cũng khiến tiến trình xích lại gần nhau để hợp tác trở nên khó khăn và phức tạp. Trong khi hai bên tiếp tục mặc cả lợi ích, vẫn có tới khoảng 3 triệu người Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới, bởi những toan tính của Ankara và Brussels chỉ để nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, chứ không phải để giải quyết tận gốc cuộc xung đột vốn là nguyên nhân đẩy người dân Syria phải chạy đi lánh nạn.
 
Thanh Mai (TTXVN)