04:08 11/04/2012

Cuộc khủng hoảng Mali có thể gây hiệu ứng đôminô

Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Azouad (MNLA) của người Touareg tuyên bố độc lập cho vùng Azouad, Mali dường như dấn sâu hơn vào cuộc khủng hoảng.

Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Azouad (MNLA) của người Touareg tuyên bố độc lập cho vùng Azouad, Mali dường như dấn sâu hơn vào cuộc khủng hoảng. Với các nhóm nổi dậy và phong trào Hồi giáo cực đoan đan xen nhau trong cuộc nổi dậy, liệu Mali có kéo các nước khác ở vùng Sahel vào vòng bất ổn hay không? Nhà nghiên cứu Alain Antil - giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Chính trị Lille và Viện Công nghệ cao cấp hải ngoại (ISTOM), đồng thời là người phụ trách chương trình "Châu Phi hạ Xahara" thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp (IRIS) - đã giải đáp vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí "Đại Tây Dương" mới đây.

Tranh cướp đồ cứu trợ tại Nigiê, quốc gia thuộc vùng Sahel đang chìm trong khủng hoảng lương thực. Ảnh: internet


Theo ông Antil, cuộc khủng hoảng ở Mali trước hết là một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia, mặc dù cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ một số yếu tố khu vực không thể phủ nhận, ví dụ như tác động của cuộc khủng hoảng Libi, sự có mặt của Al-Qaeda tại Bắc Phi (Aqmi) ở Mali, sự hỗ trợ của một nước láng giềng đối với lực lượng nổi dậy, nạn buôn lậu xuyên lãnh thổ Mali…. Người Touareg đã tiến hành 4 cuộc nổi dậy kể từ khi Mali giành được độc lập. Đây là cuộc khủng hoảng Nhà nước Mali do nhà nước này không bảo đảm được an ninh, cũng như không cung cấp được dịch vụ tối thiểu cho một bộ phận dân chúng bị gạt ra ngoài lề ở miền bắc và miền nam. Cuối cùng là sự đổ vỡ trong quân đội Mali - một thể chế không vững chắc và không thể bảo đảm kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn này, trong đó các binh lính và hạ sĩ quan đôi khi cảm thấy sĩ quan cấp trên quá xa cách họ, và một số sĩ quan tham nhũng nặng.

Khi được hỏi về hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tại Mali đối với sự ổn định của các nước láng giềng, liệu có gây ra hiệu ứng đôminô đối với Nigiê, Angiêri, Môritani, Buốckina Phaxô, Xênêgan, thậm chí là Libi, hay không, ông Antil cho rằng quốc gia dường như dễ bị "tổn thương" hơn cả là Nigiê. Theo ông Antil, lý do là bởi lãnh thổ Nigiê nằm giữa ba vùng có tình hình căng thẳng cao độ là Bắc Mali, Nam Libi và Bắc Nigiêria, cho dù chính quyền nước này vững vàng hơn do có tính hợp pháp (kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới đây không vấp phải sự phản đối). Cộng hòa Sát cũng trong tình trạng rất mong manh và có thể chịu tác động lớn hơn do căng thẳng ở Nam Libi. Đối với các nước khác, cho dù không xảy ra hiệu ứng đôminô, song an ninh trong lãnh thổ của những nước này có thể bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại về lâu dài của một vùng Bắc Mali mà cả chính quyền Mali lẫn MNLA đều không kiểm soát được. Hoạt động của các phong trào Hồi giáo cực đoan (như Aqmi, Ancar Dine và MUJAO) cộng với của các nhóm buôn lậu có vũ trang và lực lượng tự vệ của các bộ tộc hay sắc tộc, là một thứ "hổ lốn" chắc chắn chỉ làm cho các nước láng giềng thêm lo ngại.

Trước câu hỏi liệu Pháp - nước từng ủng hộ mạnh mẽ nhiều nước trong khu vực Sahel trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang và phong trào Hồi giáo cực đoan trong vùng - có trách nhiệm và vai trò trong việc tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Mali hay không, ông Antil cho rằng đến lúc này, không ai trong số các tác nhân (quốc gia và vùng) trong cuộc khủng hoảng kêu gọi Pháp can thiệp một cách rõ ràng. Pari thông báo sẽ hỗ trợ về hậu cần và trong trường hợp cần thiết, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ can thiệp. Dù con đường ngoại giao hay biện pháp quân sự được sử dụng, Pháp sẽ là một bên quan trọng trong việc giải quyết hoặc kiềm chế cuộc khủng hoảng đó.

Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)