11:00 04/11/2010

"Cuộc huy động xã hội lớn nhất trong thời bình"

Ngày 1/11, Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - bắt đầu thực hiện cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 2010.

Ngày 1/11, Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - bắt đầu thực hiện cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 2010. Với sự tham gia của 6 triệu người, cuộc tổng điều tra dân số lần này được xem là "cuộc huy động xã hội lớn nhất trong thời bình" của Trung Quốc.


Bầu không khí ở văn phòng hành chính khu vực An Trinh, thủ đô Bắc Kinh, những ngày này vô cùng nhiệt náo. Các nhân viên điều tra dân số tất bật vận chuyển phiếu điều tra lẫn những túi quà để phân phát cho các hộ gia đình. Họ cho biết: "Những chiếc túi có thể tái sử dụng này là quà tặng để các hộ gia đình nhiệt tình hợp tác trong công việc điều tra dân số".


Trên khắp cả nước Trung Quốc, 6 triệu người tham gia vào cuộc điều tra này đang và sẽ gõ cửa từng nhà để xác định có bao nhiêu người sinh sống tại đó, bất kể đến từ đâu. Cuộc điều tra toàn quốc trên có ngân sách được cấp lên đến 8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,2 tỷ USD).

"Cuộc huy động xã hội lớn nhất trong thời bình" này có hai điểm mới: Thống kê cả người nước ngoài và thống kê theo nơi sinh sống thay vì theo hộ khẩu đăng ký như 5 cuộc tổng điều tra dân số trước đây.


Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân ủng hộ cuộc tổng điều tra dân số lần này. Ông yêu cầu các điều tra viên triệt để tôn trọng nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, còn các hộ gia đình cần cung cấp số liệu chính xác và toàn diện.


Theo ông Phùng Nãi Lâm, Trưởng ban thống kê việc làm và dân số của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, nhóm lao động ngoại tỉnh là vấn đề đau đầu nhất cho các điều tra viên. "Phần dân số trôi nổi đang ngày càng tăng nhanh và trong số đó là nhóm lao động ngoại tỉnh. Họ không có một chỗ ở cố định, khiến việc điều tra thống kê rất khó khăn", ông Phùng cho biết


Giới chức Trung Quốc cho biết, hiện có khoảng 5 triệu cộng đồng dân cư trên khắp cả nước và mỗi điều tra viên sẽ chịu trách nhiệm thống kê một cộng đồng (thường có khoảng 80 - 100 hộ gia đình). Khoảng 1 triệu điều tra viên còn lại là đội ngũ hỗ trợ và dự bị.


Tính chính xác của cuộc điều tra lần này đang là một thử thách lớn. Theo tờ "Thời báo Bắc Kinh", chỉ tính riêng quận Tây Thành ở Bắc Kinh đã cho thấy 40% dân tại đây có hộ khẩu ở khắp mọi nơi. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình vi phạm chính sách "một con" cũng sẽ cố giấu giếm để tránh bị phạt nặng (ở các thành phố, mức phạt này có thể gấp 5-10 lần thu nhập cả năm).


Những lo ngại về tính riêng tư cũng dẫn đến tình trạng không mặn mà hợp tác với các điều tra viên. Đó là những vấn đề được rút ra từ các cuộc điều tra sơ bộ trong thời gian gần đây.


Bên cạnh đó, sự phức tạp của mẫu điều tra cũng gây ra nhiều ngại ngần. Trung bình 1/10 dân số phải điền một mẫu có tới 45 mục, trong khi số còn lại cũng phải điền mẫu 18 mục. Không giống các cuộc điều tra trước đây, mục về thu nhập đã được bỏ.


Leona Jin, một kỹ sư phần mềm tại Bắc Kinh, cho biết cô "hoảng hồn" khi thấy mẫu điều tra dài dằng dặc khi hai điều tra viên gõ cửa nhà mời tham gia điều tra sơ bộ: "Khi thấy giấy tờ của tôi không phải là hộ khẩu Bắc Kinh, họ rút ra mẫu dài hơn hẳn mà chính họ cũng không rõ khai cụ thể mẫu này thế nào".


Chất lượng điều tra viên cũng gây đôi chút phàn nàn. Cục Thống kê cho biết, phân nửa điều tra viên là từ các cơ quan thống kê của chính phủ trong khi phân nửa là mới tuyển mộ từ cộng đồng.

Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)