01:08 09/01/2014

Cuộc giải cứu tuyệt vọng ở Benghazi - Kỳ I

Những lời chỉ trích mạnh mẽ bùng nổ trong lòng dư luận Mỹ và quốc tế khi Đại sứ Mỹ tại Lybia J.Christopher Stevens bị sát hại ở thành phố Benghazi ngày 11/9/2012. Ông Stevens đã chết và rất ít người biết chính xác những gì đã xảy ra vào đêm định mệnh ấy.

Cuộc tấn công bất ngờ


Những lời chỉ trích mạnh mẽ bùng nổ trong lòng dư luận Mỹ và quốc tế khi Đại sứ Mỹ tại Libya J.Christopher Stevens bị sát hại ở thành phố Benghazi ngày 11/9/2012. Ông Stevens đã chết và rất ít người biết chính xác những gì đã xảy ra vào đêm định mệnh ấy. Chỉ biết rằng các đặc vụ đã trải qua những giây phút tuyệt vọng khi nỗ lực cứu ngài đại sứ.

 

Kỳ I: Cuộc tấn công bất ngờ


Sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi sụp đổ từ năm 2011, Libya trở thành vùng đất màu mỡ cho các phần tử của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tranh giành.

 

Đại sứ Christopher Stevens.


Tới Benghazi, thành phố phía đông bắc và lớn thứ hai Libya, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh những người đàn ông kiểu điệp viên mặc áo khoác đen, đeo kính đen, tay xách vali đầy tiền, và luôn mang theo những khẩu súng. Những phi vụ mua bán tên lửa diễn ra công khai trong các nhà hàng, quán cà phê.


Ở thành phố này, các vụ giết người, thanh trừng xảy ra thường xuyên. Cảnh sát chỉ trung thực với món tiền hối lộ họ được nhận. Phần lớn các cơ quan ngoại giao nước ngoài đều muốn rời khỏi nơi đầy rẫy sự nguy hiểm và âm mưu đen tối. Tháng 9/2012, nhiều tổ chức quốc tế đã rời khỏi nơi đây, đặc biệt là sau vụ bắt cóc 7 thành viên tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại Benghazi.

 

Phản ứng của một người biểu tình khi lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi bị cháy.


Thế nhưng, đối với Mỹ, Libya lại là vùng đất giàu lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự. Vì vậy, Mỹ vẫn quyết định duy trì quan hệ ngoại giao và sự hiện diện của cơ quan tình báo tại Libya - bao gồm đại sứ quán ở thủ đô Tripoli và một lãnh sự quán ở Benghazi.


Christopher Stevens là quan chức đối ngoại có khả năng thực hiện thành công chính sách ngoại giao của Mỹ ở Libya. Ông là người gốc Arab, sinh năm 1960 ở Grass Valley, bang California. Trong Stevens có một tình yêu lớn đối với thế giới Arab kể từ khi ông làm việc cho các tổ chức hòa bình ở Morocco vào giữa những năm 1980. Khi Mỹ một lần nữa nhúng tay vào chính trị ở Libya, ông Stevens đã có cơ hội làm việc cho ngành ngoại giao Mỹ.


Stevens là một nhà ngoại giao được ngưỡng mộ. Ông đã mang về Mỹ những thỏa thuận và hợp tác thông qua mối quan hệ cá nhân. Ông cũng nổi tiếng khi ký được các thỏa thuận nhiên liệu tên lửa chỉ bằng những tách cà phê, chứ không phải tốn công sức với hàng đống giấy tờ hay hàng nghìn bức thư điện tử.


Tháng 4/2011, Stevens được Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton cử đến Benghazi với tư cách là đặc phái viên. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Kadhafi, ông Stevens hiển nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu cho chức vụ đại sứ, người đại diện cho Tổng thống Barack Obama ở Libya. Trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli cũng là nơi ở của Stevens.


Tuy nhiên, Tripoli không phải là tiền đồn ngoại giao duy nhất của Mỹ ở Libya. Phái đoàn đặc biệt của Mỹ ở Benghazi đã được thành lập vội vã trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Libya vẫn còn nhiều bất ổn.


Vào ngày kỉ niệm 11 năm vụ khủng bố 11/9/2001, năm đặc vụ DS (có nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ Mỹ) được điều đến Benghazi để bảo vệ Phái đoàn đặc biệt và Đại sứ Christopher Stevens trong một tuần ở đây. Bí danh của họ lần lượt là R, một quan chức an ninh khu vực tạm thời là trưởng nhóm, đã có thời gian dài ở Libya; A và B là hai đặc vụ cấp dưới được giao nhiệm vụ tạm thời ở Benghazi; C và D là hai đặc vụ trẻ chịu trách nhiệm thành lập kế hoạch chi tiết bảo vệ đại sứ Stevens. Hai người này đã bay cùng với đại sứ từ Tripoli đến Benghazi.


Buổi tối hôm đó, mọi thứ đều có vẻ yên tĩnh và an toàn. Binh sĩ gác cổng dường như cũng lơ là mất cảnh giác, một số người ngủ quên trong lúc làm nhiệm vụ. Tất cả họ đều không cầm vũ khí.


Cảm giác an toàn càng tăng khi xuất hiện xe tuần tra của Hội đồng An Ninh Tối cao (SSC) - liên minh của lực lượng dân quân Libya. Tuy nhiên, những người trong xe không bước xuống để tham gia câu chuyện cùng lính gác cổng hoặc cùng hút thuốc lá giống như mọi khi. Chiếc xe của SSC đột nhiên khởi động và tiến về hướng tây.


Một nhân viên SSC đã yêu cầu chiếc xe phải được rời đi để tránh thương vong cho dân thường. Điều này cho thấy SSC đã biết về cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng họ đã không cảnh báo cho đội bảo vệ của Phái đoàn đặc biệt.


Người gác cổng bị một khẩu AK-47 gí vào đầu và buộc phải mở cổng. Ngay khi cánh cổng mở ra, rất nhiều tay súng trang bị vũ khí xuất hiện. Tiếng bước chân dồn dập, tiếng va đập của những khẩu AK-47 và RPG-7 xé tan màn đêm yên tĩnh.


Sau khi vào được bên trong tòa nhà, những kẻ tấn công lập tức mở cửa phía đông bắc để những kẻ còn lại vào được bên trong. Bốn chiếc xe đã trực sẵn trước cổng tòa nhà của Phái đoàn đặc biệt. Ngay lập tức, hơn 12 tay súng bước xuống. Bốn chiếc xe này đều là những loại xe kiên cố, hiện đại, có khả năng chống đạn, không có biển số hay bất kì thứ gì có thể nhận dạng được, là những loại phương tiện mà bọn tội phạm và thế giới ngầm ở Benghazi thường sử dụng. Các tay súng được trang bị súng đơn nòng, thậm chí cả súng bốn nòng 12,7mm và súng máy hạng nặng 14,5mm. Chúng chia nhau cố thủ sẵn ở các vị trí ngắm bắn chiến lược phía đông và phía tây của con đường để chống lại bất kỳ sự can thiệp không mong muốn nào. Trên mỗi chiếc xe có một lá cờ đen của cuộc thánh chiến.


Lúc đó, Sean Smith, nhân viên quản lý thông tin, đang ở trong phòng riêng tán gẫu và chơi game trên mạng. Đột nhiên kết nối Internet bị gián đoạn. Một tràng dài súng nổi lên, tiếp đó là tiếng nổ của lựu đạn. Phái đoàn đặc biệt của Mỹ bị tấn công.



Tố Quỳnh


Đón đọc kỳ tới: Đêm kinh hoàng