08:05 18/08/2011

Cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức: “Quả bom” nợ công chưa được tháo ngòi

Trong cuộc gặp tại Pari (Pháp) ngày 16/8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định sẽ đưa ra đề xuất tăng thuế giao dịch tài chính, tăng cường quản lý kinh tế, nhưng bác bỏ ý tưởng về một trái phiếu cho cả Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong cuộc gặp tại Pari (Pháp) ngày 16/8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định sẽ đưa ra đề xuất tăng thuế giao dịch tài chính, tăng cường quản lý kinh tế, nhưng bác bỏ ý tưởng về một trái phiếu cho cả Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh được thị trường tài chính thế giới nóng lòng chờ đợi này không đủ để tháo ngòi "quả bom" khủng hoảng nợ công đang treo lơ lửng trên đầu Eurozone.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh.


Phát biểu trong cuộc họp báo tại văn phòng tổng thống, ông Sarkozy nhấn mạnh, Pháp và Đức sẵn sàng bảo vệ và phát triển đồng tiền chung euro. Nói về thuế giao dịch tài chính, ông Sarkozy phát biểu: "Các bộ trưởng tài chính sẽ trình một đề xuất chung cấp Liên minh châu Âu vào tháng 9 tới để đánh thuế giao dịch tài chính". Ông Sarkozy cho biết đây là một ưu tiên của Pháp và Đức.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đề nghị cả 17 quốc gia dùng đồng euro sẽ phải cam kết cân đối tài chính và mục tiêu này sẽ trở thành một phần trong hiến pháp vào mùa hè năm 2012. Pháp và Đức còn tuyên bố sẽ tăng cường công tác quản lý kinh tế của Eurozone bằng cách thành lập một hội đồng quản lý kinh tế. Hội đồng này sẽ tổ chức họp hai lần mỗi năm và do Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đứng đầu.

Về vấn đề trái phiếu chung của Eurozone (Eurobond), Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel có chung quan điểm rằng, đây không phải là thời điểm phù hợp để phát hành. Theo bà Merkel, trái phiếu Eurozone không giúp khu vực này giải quyết ngay lập tức cuộc khủng hoảng nợ công và lấy lại lòng tin của thị trường. Còn ông Sarkozy khẳng định, trái phiếu Eurozone sẽ đẩy các nền kinh tế lớn ở châu Âu vào cảnh khốn cùng và có thể chỉ được áp dụng trong giai đoạn cuối của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định Quỹ cứu trợ ngắn hạn trị giá 634 tỷ USD hiện nay đủ để giải cứu các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn về tài chính và do đó, không cần tăng quy mô quỹ.

Theo Tân Hoa xã, các nhà phân tích lại tỏ ra hoài nghi và cho rằng cuộc gặp không có kết quả gì mới hoặc hữu ích. Theo các nhà phân tích, cuộc gặp này hầu như không đưa ra một biện pháp cụ thể nào mà dường như chỉ nhằm tăng cường lòng tin của các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, giới đầu tư không phản ứng tích cực với kết quả cuộc gặp mà họ vốn đặt nhiều kỳ vọng, thậm chí thất vọng với việc hai nhà lãnh đạo châu Âu không ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu Eurozone. Lena Komileva, Phó Chủ tịch Công ty Brown Brothers Harriman nhận định, kết quả cuộc họp là điều đáng thất vọng vì thị trường mong chờ nhiều hơn thế.

Khi “quả bom” nợ công không được tháo ngòi như kỳ vọng, giới đầu tư lại tìm đến “nơi trú ẩn an toàn” là vàng, khiến giá kim loại quý này trên thị trường thế giới tiếp tục tăng. Trên sàn giao dịch điện tử New York lúc 22 giờ ngày 17/8 (giờ Việt Nam), giá vàng tăng 9,4 USD lên 1.794,4 USD/ounce. Tại thị trường Hồng Công lúc đóng cửa phiên 17/8, giá vàng tăng 15,08 USD lên 1.792,60 USD/ounce.

Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ châu Á, đồng euro giảm giá khá mạnh. Tại Tôkyô, đồng euro có thời điểm giảm sâu xuống 1,4352 USD/euro, so với mức 1,4406 USD/euro lúc đóng cửa phiên trước tại New York, trước khi phục hồi lên 1,4405 USD/euro vào cuối phiên. So với yên Nhật, đồng euro cũng giảm xuống 110,49 yên/euro, so với 110,67 yen/euro cuối phiên trước tại New York.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Pháp – Đức đã khiến chứng khoán Mỹ phiên 16/8 đồng loạt quay đầu giảm điểm với các chỉ số Dow Jones giảm 0,67%; S&P 500 giảm 0,97% và Nasdaq giảm 1,24%. Sang đầu phiên 17/8, chứng khoán Mỹ đảo chiều, nhờ thông tin tích cực về doanh thu của một số hãng bán lẻ hàng đầu. Trong khi đó chứng khoán châu Âu và châu Á diễn biến không đồng nhất.

Minh Hải