06:20 22/06/2022

Cuộc gặp mặt rộn rã của những cựu binh tháng Tư năm ấy...

Ngày 22/6, những cựu lính xe tăng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2) từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp mặt tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam, đúng ngày kỷ niệm Lữ đoàn 203 thành lập (22/6/1965).

Chú thích ảnh
Cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2) và các cựu chiến sĩ Trung đoàn 9 bộ binh (Sư đoàn 304).

Cuộc gặp còn có các cựu chiến sĩ Trung đoàn 9 bộ binh (Sư đoàn 304) và Lữ đoàn Phòng không 673, những đơn vị tham gia cùng Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, đơn vị đánh mũi thọc sâu vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Các nhà báo Trần Mai Hưởng, Ngô Hà Thái, Vũ Công Định, Quang Trường… thuộc TTXVN, báo Công an Nhân Dân cũng đã tham dự cuộc gặp mặt và giao lưu với các cựu cán bộ, chiến sĩ.

Đây có lẽ là cuộc gặp mặt hiếm hoi hội tụ được cả cựu chiến binh thiết giáp và bộ binh, đến từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng… do chính các cựu chiến binh tự tổ chức.

Từ sáng sớm, như đã hẹn gặp qua Facebook, Zalo, các cựu chiến binh tề tựu về ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của bác Trần Bình Yên ở thị trấn Ba Sao. Bác Yên là cựu lính lái xe tăng 846, chiếc xe trong bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng. 

Ngôi nhà tựa lưng vào núi, trong khu vườn na xanh tốt, là công sức của cả gia đình bác Yên, nhất là bàn tay cần cù lao động của người cựu lái xe tăng từ ngày xuất ngũ. Bác Yên cũng chính là người kết nối, “lo hậu cần”, sắp xếp, tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay. Đáng quý và trân trọng hơn nữa, bác Yên cũng đang cố gắng tìm lại đồng đội, là ba chiến sĩ bộ binh ngồi trên tháp xe tăng 846 do mình lái. Với những người lính, tìm lại đồng đội luôn là khát khao cháy bỏng, là cuộc hành trình không khi nào biết mệt.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng (thứ 2, từ trái sang), cựu lái xe tăng Trần Bình Yên (bìa trái) và các cựu chiến binh sáng 22/6.

Trong ký ức của bác Yên, ông không khi nào quên khoảng thời gian cả đêm đi lạc trong rừng cao su, trời mờ sương nhưng để đảm bảo an toàn nên xe tăng không bật đèn pha mà để đèn ngầm để đi; những giây phút lái tăng dọc xa lộ Biên Hoà tiến về cầu Sài Gòn hay giây phút tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 lịch sử.

Nhiều câu chuyện cảm động đã được các cựu chiến binh chia sẻ để nhớ về những năm tháng không quên của một thời lửa đạn. Nhiều người cả đêm qua thao thức không ngủ, sáng dậy từ sớm, khoác trên mình bộ quân phục truyền thống và lên đường. 

Chú thích ảnh
Niềm vui ngày gặp mặt của các cựu chiến binh.
Chú thích ảnh
Những cái bắt tay, những vòng ôm thật chặt của các cựu chiến binh.

Những cái bắt tay, những vòng ôm thật chặt. Những câu chuyện từ những năm tháng cùng nhau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc được kể lại.

“Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đội hình thọc sâu khi tiến vào Sài Gòn, gặp xe tăng nào chưa có bộ binh thì sẽ chúng tôi sẽ lên xe tăng đó để phối hợp tác chiến. Tôi lên một chiếc xe tăng vào khoảng ba giờ sáng ngày 29/4/1975. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao chiến đấu để chiến thắng”, cựu chiến binh Trung đoàn 9 bộ binh Chử Đức Hải (quê ở Hải Dương) nhớ lại.

Đặc biệt hơn nữa, những cựu chiến binh đã chia sẻ về những vui buồn trong cuộc sống, những nỗ lực sau khi rời quân ngũ. Nhiều người trở về cuộc sống đời thường làm những công việc hết sức bình thường: Từ cấy ruộng, lái xe tải, đến làm thợ cắt tóc, người thì khai phá đất hoang trồng na, nuôi bò… 

Tại cuộc gặp mặt, các cựu chiến binh không gọi nhau bằng tên mà bằng “mật hiệu” như thời còn trong quân ngũ, như những khi cùng nhau chiến đấu ở Lữ đoàn tăng 203: “Quê ơi, ông khoẻ không?”; “Quê ơi, ông nhớ tôi không”; “Chúng ta sẽ gặp lại nhau, quê nhé”.

“Chúng tôi vẫn gọi nhau như thế từ xưa, hễ ai nghe thấy mật hiệu này lập tức nhận ra cùng đơn vị. Trên chiến trường, tất cả anh em chúng tôi là một, như một gia đình, không phân biệt quê quán. Gọi nhau bằng “quê” để thấy gần gũi, thân thương hơn, một cựu chiến binh kể.

Giờ đây, tất cả các chiến sĩ năm xưa đã đều lên chức ông bà, có người do tuổi cao, ốm đau, cũng đã mất, nên bây giờ những ai có thể gặp nhau ở đây đều hết sức vui mừng, phấn khởi. “Còn sống trở về sau cuộc chiến, giờ vẫn có thể gặp lại nhau, thì không còn gì có thể vui hơn, cô ạ”, cựu chiến binh Lữ đoàn 203 Lê Văn Kiểm, quê ở Nho Quan, Ninh Bình, nói vui vẻ.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Lê Văn Thanh (bìa trái) và Lê Văn Khoát (bìa phải) trong ngày gặp mặt.

“Cả đêm qua chú bồn chồn không ngủ được. Có cuộc gặp này phải rất cảm ơn bác Yên. Anh em chúng tôi có những lúc bảo là, qua mạng, qua Zalo thấy nhau cứ mờ mờ, giờ gặp lại không biết có phải ông này ông kia không. Hay như cuộc gặp mặt ngày 18/6 vừa rồi của Lữ đoàn 203 ở Hà Nội, các bác năm nay bảy mươi tám, tám mươi, tám hai tuổi, gặp nhau cứ khóc, bữa cơm gần như còn nguyên, không ai ăn. Các bác bảo con đánh xe đến chỉ để gặp nhau”, bác Lê Văn Thanh (ở Cầu Đất, Hải Phòng) kể lại.

Cựu chiến binh Lê Văn Khoát, quê ở Hải Phòng, cũng không giấu được xúc động, nói: “Không biết chúng tôi còn gặp được nhau bao nhiêu lần nữa đây cô ạ”.

Chia tay các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2) và Trung đoàn 9 bộ binh (Sư đoàn 304), trong cái nắng như đổ lửa của trưa tháng 6, chúng tôi cảm thấy rất vui và cảm động và thầm cầu mong các bác luôn mạnh khoẻ, để lại có nhiều cuộc gặp gỡ ấm tình đồng đội như thế này nữa.

Vừa kịp chia tay, các bác cũng đã hẹn nhau thời gian tới sẽ lần lượt đi Hà Nội, Hoà Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hà Giang để thăm đồng đội năm xưa.

Đó chắc chắn sẽ là những cuộc gặp mặt đầy xúc động và thân tình của những người lính!

Hoàng Linh/Báo Tin tức