11:14 26/11/2015

Cuộc gặp mặt cảm động của Chủ tịch nước với kiều bào ở Đức

Sau 40 năm Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao và là lần đầu tiên kể từ năm 1957 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm nước Đức (CHDC Đức trước đây), cộng đồng người Việt tại Đức giờ đây mới được đón chào nhà Lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, thăm cấp Nhà nước tại Đức.


Cán bộ Đại Sứ quán, kiều bào đón Chủ tịch nước tại sân bay quân sự Berlin. Ảnh: Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)

Tin vui Chủ tịch nước sang thăm cấp Nhà nước và vinh dự hơn nữa là được đại diện cho gần 130.000 người Việt trên khắp mọi miền nước Đức về thủ đô Berlin dự cuộc gặp của kiều bào với Chủ tịch nước đã khiến trên 180 bà con cộng đồng tiêu biểu ở Đức hết sức phấn khởi và nóng lòng chờ đón sự kiện đặc biệt quan trọng này.

Từ miền Bắc, miền Tây và cả miền Nam xa xôi của nước Đức, các gương mặt tiêu biểu khi được nhận giấy mời, dù là ngày làm việc, vẫn bố trí để về Berlin dự cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước. Dù nghị trình làm việc của người đứng đầu Nhà nước rất bận rộn, song ngay khi vừa đặt chân xuống Berlin, Chủ tịch nước đã mong muốn được gặp gỡ nói chuyện với bà con kiều bào ở Đức.

Trong không khí ấm cúng của buổi gặp, Đại sứ Đào Xuân Hưng đã phát biểu chào mừng Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Đại sứ cũng đã báo cáo vắn tắt với Chủ tịch nước về tình hình bà con kiều bào tại Đức, trong đó nhấn mạnh rằng trong các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo, cơ quan hữu quan Đức, họ đều đánh giá rất cao cộng đồng người Việt, một trong những cộng đồng hội nhập thành công nhất ở Đức.

Cờ Việt Nam tung bay tại Quảng trường Paris ở Berlin.

Sau bài phát biểu của Đại sứ, một số đại diện kiều bào cũng đã tranh thủ phát biểu nói lên tâm tư, tình cảm của mình với Chủ tịch nước và với quê hương. Nếu như Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức báo cáo với Chủ tịch nước về Hội cùng những gì mà Hội đã làm được và chắc chắn sẽ làm trong thời gian tới thì đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức lại mang tới một không khí tươi trẻ, năng động.

Thành tích thời gian qua của Hội Sinh viên trong nghiên cứu khoa học, các phong trào hướng về quê hương, văn hóa-thể thao, đặc biệt là việc lần đầu tiên tổ chức thành công Hội trại sinh viên Việt Nam toàn châu Âu, là những kết quả rất có ý nghĩa để báo cáo Chủ tịch nước nhân dịp này.

Đáng chú ý trong số các ý kiến phát biểu với Chủ tịch nước có những lời rất tâm huyết và đau đáu về nền giáo dục Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, hiện đang giảng dạy tại Đại học Potsdam. Các ý kiến phát biểu tại buổi gặp mặt đều bày tỏ vui vừng vì lần đầu tiên được đón nhà Lãnh đạo cấp cao nhất của quê hương, được dự và phát biểu những điều tâm huyết với quê hương, đất nước.

Kiều bào cũng hết sức vui mừng vì Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đi vào cuộc sống, giúp kiều bào ở xa nhưng thấy rất gần Tổ quốc. Nhiều ý kiến cũng nêu những mong muốn, kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch nước.

Trên bàn chủ tọa bên cạnh Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Chủ tịch nước lắng nghe và ghi chép từng ý kiến đóng góp, kiến nghị của bà con cộng đồng. Sau các ý kiến phát biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vui mừng thông báo với bà con về tình hình trong nước và nói chuyện vời bà con về vấn đề Biển Đông, vốn được kiều bào hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua.

Theo Chủ tịch, đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới với nhiều giai đoạn hết sức khó khăn. Đến nay, diện mạo đất nước đã thay đổi, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển, đang đi vào giai đoạn nước có thu nhập trung bình và đã đạt được trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong lĩnh vực đối ngoại, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nhấn mạnh đây là vấn đề hết sức hệ trọng với đất nước. Chủ tịch dẫn lại câu nói của vua Lê Thánh Tông với các triều thần, rằng "nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”, để thấy ý chí sắt đá của người đứng đầu Nhà nước thời bấy giờ.

Cờ Việt Nam tại Tượng đài chiến thắng ở Berlin.

Chủ tịch khẳng định "ông cha ta như thế, thì đến đời chúng ta cũng phải như vậy" và đây là chức trách thiêng liêng của mỗi thành viên dân tộc. Chủ tịch nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này trước sau như một là giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình, đối thoại và luật pháp quốc tế - chủ trương cũng phù hợp với xu thế thời đại.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao tình cảm của kiều bào ở Đức đã có hành động quyên góp đóng chiếc "tàu chủ quyền" gửi tặng các chiến sĩ bảo vệ biển đảo.

Một vấn đề cũng được Chủ tịch nước nói chuyện với bà con là quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức, trong đó CHDC Đức từng giúp đào tạo sinh viên, cán bộ cũng như tạo công ăn việc làm cho trên dưới 70.000 lao động Việt Nam.

Sau gần một giờ được lắng nghe những tâm sự của Chủ tịch nước, tất cả bà con kiều bào đều mong muốn được chụp ảnh chung với người Lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước mình. Cuộc gặp mặt đã diễn ra quá thời gian dự định, song ai cũng muốn nán lại thêm một chút.

Họ vui mừng vì được biết về sự thay da đổi thịt ở quê hương, họ cũng vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ Việt - Đức, nhưng có lẽ điều vui mừng nhất là lần đầu tiên được nghe Chủ tịch nước nói chuyện ở giữa thủ đô nước Đức. Chưa bao giờ ở các địa điểm chính ở Berlin lại rợp trời cờ đỏ sao vàng như vậy. Xúc động và tự hào lắm chứ!

Tin, ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)