05:17 14/05/2014

Cuộc đụng độ của các nền văn hóa - Kỳ cuối: Latvia và nhân tố Trung Quốc

Điều đáng tiếc là quan hệ của Washington và Moskva đang xấu đi một cách nghiêm trọng trong khi khi đối thủ lâu dài thực sự của Mỹ là Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đang tranh thủ sự "bận rộn" của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, liên tiếp có những hành động ngang ngược khiến căng thẳng ở Biển Đông gia tăng.

Gác lại những căng thẳng không cần thiết trong quan hệ Mỹ - Nga gần đây, cách tiếp cận của phương Tây do Mỹ đứng đầu đã làm mất ổn định và sự cân bằng tương đối trong văn hóa Ukraine, dẫn đến việc quốc gia này rơi vào một cuộc xung đột đẫm máu và nguy cơ nổ ra một cuộc nội chiến. Văn hóa của một quốc gia luôn là một nền tảng quan trọng và đó là lý do tại sao các quốc gia lớn nên tìm cách tránh khuấy động tình cảm văn hóa của bất cứ dân tộc nào.

Ukraine rơi vào một cuộc xung đột đẫm máu. Ảnh: N.I


Robert W. Merry, chuyên gia phân tích chính trị, bình luận trên trang mạng National Interest rằng giống như Ukraine, Latvia cũng là một quốc gia bị chia rẽ về văn hóa, với dân tộc Nga chiếm gần 30% và tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của gần 40% dân số nước này.

Với những diễn biến phúc tạp ở khu vực phía đông Ukraine, lãnh đạo Latvia đang lo ngại những cuộc biểu tình tương tự ở đất nước mình và sự lo lắng này là hợp lý.

Theo một bài bình luận mới được đăng tải trên tờ Wall Street Journal, nhiều lãnh đạo của Latvia dường như đang lan truyền một thông điệp trong chính phủ thể hiện tình cảm ủng hộ Nga mạnh mẽ và có thể được thể hiện trong các cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu tới.

Như vậy, sự chia rẽ về văn hóa của Latvia cũng tương tự như Ukraine và không còn nghi ngờ gì rằng Moskva đã có ảnh hưởng đối với các nước Vùng Baltic kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Nhưng cũng có một sự khác biệt lớn giữa Latvia và Ukraine. Mặc dù Latvia sau này nằm trong "hình cầu ảnh hưởng" của Moskva trong nhiều thế kỷ nhưng trước đó tình cảm dân tộc, tôn giáo, văn hóa và lịch sử của Latvia chủ yếu là theo phương Tây. Tôn giáo chính ở Latvia là Lutheran, ngoại trừ khu vực đông nam, nơi phần lớn theo Công giáo.

Phương Tây quan tâm rất lớn đến việc đảm bảo rằng Latvia vẫn còn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình và do đó, nước này đã gia nhập EU và là thành viên của NATO. Tuy nhiên, nước này cũng phải vật lộn với những "xung đột về văn hóa" giống như ở Ukraine.

Có thể là quá muộn đối với phương Tây trong việc cứu Ukraine thoát khỏi nguy cơ nổ ra một cuộc nội chiến, nhưng vẫn còn thời gian để kéo Latvia ra khỏi một cuộc xung đột về văn hóa tương tự. Đây là một mớ hỗn độn của phương Tây, đòi hỏi cần rất nhiều thời gian, công sức và nỗ lực để gỡ mớ bòng bong do chính mình tạo ra.

Ông Merry cho rằng, thật đáng tiếc là phương Tây đã khuấy động hận thù văn hóa không chỉ ở Ukraine mà còn ở một số quốc gia khác dọc theo biên giới với Nga. Một điều đáng xấu hổ là Mỹ lại đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng chống Moskva trong khi lờ đi những chính sách ngoại giao sáng tạo để giải quyết tình hình nhạy cảm này.

"Thừa nước đục thả câu"


Điều đáng tiếc nữa là quan hệ của Washington và Moskva đang xấu đi một cách nghiêm trọng trong khi khi đối thủ lâu dài thực sự của Mỹ là Trung Quốc. Hiện tại Bắc Kinh đang tranh thủ sự "bận rộn" của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, liên tiếp có những hành động ngang ngược khiến căng thẳng ở Biển Đông gia tăng.

Người Việt tại Đức phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hùng - Phóng viên TTXVN thường trú tại Đức.


Sự thực là Trung Quốc đã ráo riết triển khai nhiều hành động gây hấn ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng nhiều công trình trên các bãi đá ở Biển Đông và chặn tàu thuyền của những nước có tuyên bố chủ quyền. Máy bay và tàu chiến của Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn việc Nhật Bản thực thi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. Mới đây nhất, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cách thức mà Mỹ nhìn nhận đối với một Trung Quốc trỗi dậy rất phức tạp, tức là không muốn bỏ qua những lợi ích có được từ sự phát triển của Trung Quốc, song cũng lo lắng rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa lợi ích của mình, vì vậy có sự phòng bị nhiều mặt. Khi cuộc cạnh tranh nóng lên, Mỹ sẽ cần tất cả sự ủng hộ, đặc biệt là những nước có thể gây áp lực với Bắc Kinh. Tiếc là các nhà hoạch định chính sách phương Tây dường như không thể đưa vào suy nghĩ của họ những khái niệm cơ bản đó như một sự cân bằng quyền lực.

Nhà chính trị học Nga Grigory Lokshin cho rằng nguyên nhân chính mà phía Trung Quốc có những hành động "vi phạm nguy hiểm và nghiêm trọng" tại Biển Đông mới đây là nhằm kiểm tra sự sẵn sàng của Washington bảo vệ lợi ích không chỉ các đồng minh, mà còn các quốc gia khác, bao gồm các nước Đông Á. Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Đông Á.

Theo ông Grigory Lokshin, hiện cuộc khủng hoảng Ukraina đã tạo môi trường “thuận lợi” cho các hành động mới ở Trung Quốc. Cả Mỹ và châu Âu đang tập trung vào cuộc khủng hoảng này và không thể tìm cách thoát khỏi nó. Có lẽ, Bắc Kinh hy vọng rằng trong điều kiện này, Washington không muốn có thêm "những cơn đau đầu" do tình hình ở Biển Đông.


Công Thuận (N.I/V.O.R)