04:09 24/04/2015

Cuộc đổi đời với đồng bào Tây Nguyên

Sau 40 năm giải phóng, nhất là sau gần 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tập trung chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội toàn diện và bảo vệ vững chắc an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.

Sau 40 năm giải phóng, nhất là sau gần 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tập trung chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội toàn diện và bảo vệ vững chắc an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.

Đời sống người dân khởi sắc

Các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, trong các vùng đồng bào DTTS hiện nay không còn tình trạng đói cơm, nhạt muối, ốm đau, bệnh tật như trước năm 1975, thay vào đó là ăn cơm no, ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp, vững tin theo Đảng cùng nhau giữ vững ổn định chính trị, xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng trên địa bàn vững chắc.

Diện mạo mới của thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau 40 năm giải phóng. Ảnh: Dương Giang  - TTXVN



Các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng, tạo đà cho khu vực Tây Nguyên phát triển. Cơ sở hạ tầng được đầu tư ở các xã, thôn, buôn, bon, làng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chính sách đầu tư hỗ trợ định canh định cư, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững các huyện nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Anh Y Hiền Niê ở buôn Adơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) hồ hởi cho biết: Gia đình anh cũng như hàng trăm hộ gia đình đồng bào vùng sâu Adơng Điết trước ngày giải phóng sống du canh du cư, đói cơm, nhạt muối quanh năm. Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đưa đồng bào vào định canh, định cư, cấp đất sản xuất, đất ở, hướng dẫn thâm canh cây trồng nên đời sống của đồng bào ngày có của ăn, của để. Riêng gia đình anh Y Hiền Niê đã chuyển trên 4 ha lúa rẫy sang trồng cà phê, hồ tiêu nên mỗi năm đã có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

Theo già làng Ama Ngâm, buôn Cróa, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) thì trước đây buôn Cróa nghèo lắm. Cái nghèo mà già làng Ma Ngâm ví như cơn lốc cuốn qua làm cho hơn 180 hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê ở đây quanh năm làm quần quật nhưng không đủ cái ăn, cái mặc, nhà cửa trống huơ, trống hoác, con cái không được học hành… Thế rồi, Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi liên kết với buôn, để thật sự trở thành “bà đỡ” giúp đồng bào đổi đời. Công ty đã đưa cán bộ kỹ thuật về khảo sát, quy hoạch, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời, đầu tư phân bón, nước tưới, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hiện nay, ngoài 130 ha cà phê liên kết với công ty, các hộ gia đình đồng bào Êđê ở buôn Cróa còn tận dụng đất vườn, đất nương rẫy làm thêm cà phê, bình quân mỗi hộ có từ 1 ha cà phê, tiêu trở lên. Đặc biệt, vườn cà phê ở đây được trồng xen các loại cây ăn quả như sầu riêng cơm vàng hạt lép, tiêu nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trên từng đơn vị diện tích nên đời sống của đồng bào không ngừng được nâng cao, buôn không còn hộ đói, nghèo, tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng. Buôn Cróa đã được công nhận là buôn văn hóa…

Nhiều công trình phúc lợi được đầu tư

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được trên 12.277 km đường giao thông nông thôn phục vụ tốt cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Trong đó, 100% xã có đường xe ô tô về đến trung tâm xã, 98,3% xã có đường ô tô đi lại thuận lợi quanh năm, 86,5% số xã có đường nhựa, bê tông hóa đến trụ sở UBND xã, trục đường thôn, buôn hầu hết có đường ô tô đi lại thuận tiện. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng trên 2.261 công trình thủy lợi, gần 5.000 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, 100% số xã có điện lưới quốc gia, 98,3% thôn, buôn, bon, làng có điện, trên 96% số hộ được dùng điện, 70,75% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 125.981 hộ, diện tích 51.022 ha, làm mới, sửa chữa 58.249 căn nhà, cấp nước sinh hoạt cho 78.000 hộ, xây dựng 1.552 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.


Chất lượng giáo dục, điều kiện chăm sóc sức khỏe, mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện… Tỷ lệ học sinh ra lớp luôn duy trì ở mức cao, đã mở rộng hệ thống trường lớp đến khắp các buôn, làng, với phương châm có dân sinh là có trường lớp và cơ bản đảm bảo giáo viên, sách vở và đồ dùng dạy học cho học sinh. Toàn vùng cũng đã hình thành 484 trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng, nâng cấp 54 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút trên 13.495 học sinh DTTS vào học... Việc dạy tiếng DTTS cho học sinh được quan tâm, các tỉnh Tây Nguyên đều có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS bằng nguồn kinh phí địa phương tạo điều kiện cho các em được theo học các cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương.

Mạng lưới y tế toàn vùng được phát triển, gần 98% số xã đã có trạm y tế, trên 66% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 91% số thôn, buôn, bon, làng có nhân viên y tế. Đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh kịp thời, các loại dịch bệnh như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch… đã được khống chế. Công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai liên tục, rộng khắp và bằng nhiều giải pháp có hiệu quả. Trong những năm qua, toàn vùng đã đào tạo nghề cho 168.000 người, giải quyết việc làm cho 826.000 lao động, trong đó có 182.000 lao động là đồng bào DTTS. Nhiều vùng DTTS đã xây dựng mô hình liên kết làm ăn với doanh nghiệp có hiệu quả, hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm hoạt động ở các buôn, bon, làng. Giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên được tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát triển, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng các dân tộc trong khu vực đã được củng cố…

Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chính sách về dân tộc, miền núi nói chung, Tây Nguyên nói riêng mang tính tập trung, có nhiều nội dung, giải quyết nhiều mục tiêu với nguồn lực đủ mạnh cho từng vùng, không nên dàn trải, giảm bớt các đầu mối quản lý, tránh tình trạng có nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo như hiện nay. Nhất là ưu tiên giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng DTTS quản lý để phát triển trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ phát triển sản xuất (kỹ thuật và vốn) các sản phẩm nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới hồ chứa, công trình thủy lợi, hỗ trợ khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất để góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở vùng Tây Nguyên…

Quang Huy