03:20 19/03/2015

Cuộc đối đầu giữa Al Qaeda và IS - Kỳ 4

Al-Qaeda không bao giờ quá quan tâm tới việc chiếm và giữ lãnh thổ để thành lập một nhà nước Hồi giáo hay chính phủ, mặc dù mạng lưới này có đặt ra một mục tiêu như vậy.

NHỮNG KHÁC BIỆT CƠ BẢN GIỮA IS VÀ AL-QAEDA

Từ lâu, để thực hiện được các chiến lược của mình, Al-Qaeda sử dụng một chiến lược hỗn hợp. Để chống Mỹ, mạng lưới này lên các kế hoạch tấn công khủng bố tinh vi và quy mô để gây ấn tượng với thế giới Hồi giáo (hòng thu hút họ đứng vào hàng ngũ của chúng) và buộc Mỹ phải rút khỏi thế giới Hồi giáo.

Mô hình mà chúng theo đuổi đó là kịch bản Mỹ đã phải rút quân khỏi Liban sau khi Hezbollah đánh bom các căn cứ Thủy quân lục chiến và đại sứ quán Mỹ ở quốc gia này hồi những năm 1980.

Ngoài ra, Al Qaeda ủng hộ các phiến quân chống lại chính quyền do Mỹ hậu thuẫn. Cuối cùng, Al-Qaeda sử dụng chiến thuật tuyên truyền quy mô lớn nhằm thuyết phục người Hồi giáo trên thế giới rằng thánh chiến là nghĩa vụ của mỗi con chiên của Thánh Ala và để làm được điều đó, cần đi theo tổ chức khủng bố này.

Trong số các chiến thuật kể trên của Al-Qaeda, IS tiếp nhận một số nhưng ngay cả khi chấp nhận về nguyên tắc, cách thức triển khai của “người em” này lại khá khác biệt. IS tìm cách xây dựng một Nhà nước Hồi giáo, đúng như tên gọi của nó. Do vậy, chiến lược mà chúng đi theo đó là kiểm soát lãnh thổ, củng cố và bành trướng thế đứng chân. Tư tưởng xuyên suốt đó là: chúng muốn thành lập một chính phủ nơi người Hồi giáo sống dưới luật của Đạo Hồi.

Các tay súng của nhóm khủng bố Al-Qaeda.


Nhà nước Hồi giáo, mục tiêu mà IS theo đuổi, cũng là công cụ để truyền cảm hứng cho rất nhiều người Hồi giáo đổ dồn về gia nhập nhóm khủng bố này. Chiến lược cơ bản mà IS thực hiện mục tiêu của mình là kiểm soát lãnh thổ, qua đó, xây dựng một quân đội và sử dụng đội quân này để kiểm soát thêm lãnh thổ.

Về lý thuyết, Al-Qaeda ủng hộ Caliphate nhưng Zawahiri xem đây là mục tiêu dài hơi. Trở lại những ngày khi còn trùm khủng bố Bin Laden, tên này và Zawahiri ủng hộ công khai AQI, nhưng về cá nhân chúng không thông qua tuyên bố về việc thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Đặc biệt Zawahiri lo sợ rằng AQI cầm đèn chạy trước ô tô, tức là AQI cần phải kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ và có được sự ủng hộ của người dân trước khi tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Al-Qaeda không bao giờ quá quan tâm tới việc chiếm và giữ lãnh thổ để thành lập một nhà nước Hồi giáo hay chính phủ, mặc dù mạng lưới này có đặt ra một mục tiêu như vậy. Lý do duy nhất mà Al-Qaeda hứng thú đối với việc chiếm đóng một khu vực là để có một thánh địa an toàn, một nơi để xây dựng các trại huấn luyện. Chẳng hạn, mặc dù Al-Qaeda tuyên bố thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar là Khalíp của Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, giới lãnh đạo của tổ chức này không bao giờ quan tâm tới việc trở thành một phần của bộ máy chính quyền của Taliban. Thay vào đó, chúng sử dụng thánh địa an toàn trong lãnh thổ của Taliban như một căn cứ để lên kế hoạch tấn công chống Mỹ và hậu thuẫn các chiến binh thánh chiến trong cuộc chiến chống lại các chính phủ.

Chiến thuật ưa thích của hai lực lượng cũng phản ánh sự khác biệt về tầm nhìn của chúng. Al-Qaeda thích tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn, gây hậu quả thảm khốc nhắm vào các mục tiêu chiến lược hoặc có tính biểu tượng cao của Phương Tây. Vụ tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới, Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001 là ví dụ điển hình. Ngoài ra, các vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania, hay vụ đánh bom tàu USS Cole ở cảng Aden năm 2000, cùng các âm mưu như nỗ lực bắn hạ 10 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương năm 2005 là các minh chứng cho nỗ lực gây ấn tượng trên quy mô toàn cầu của Al-Qaeda. Bên cạnh đó, Al Qaeda cũng ủng hộ việc tiến hành một loạt các vụ khủng bố nhỏ hơn vào các mục tiêu Phương Tây, Do Thái, huấn luyện các lực lượng nổi dậy xây dựng quân đội du kích.

Mặc dù Al-Qaeda liên tục kêu gọi tấn công người dân Phương Tây, nhất là Mỹ, nhưng tổ chức này vẫn kiềm chế trong việc sát hại họ khi đã đạt mục đích. Ví dụ đáng chú ý nhất cho nhận định này là quyết định nhiều lần cho phép các nhà báo Phương Tây xâm nhập vào các thánh địa an toàn của chúng và phỏng vấn trực tiếp Bin Laden. Chúng cho rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ không phát huy hiệu quả nếu không có ai dõi theo, do vậy, trong thời điểm trước khi có Youtube hay mạng xã hội, Al Qaeda cần có nhà báo để truyền thông điệp của chúng tới công luận.

IS ra đời trong hoàn cảnh khác, chúng trưởng thành từ các cuộc nội chiến tại Iraq và Syria, chiến thuật chúng áp dụng phản ánh hoàn cảnh này. IS tìm cách chinh phục, rồi triển khai pháo binh, quân và thậm chí là cả xe tăng để càn quét các vùng lãnh thổ mới hoặc bảo vệ các thành trì đã chiếm đóng. Chủ nghĩa khủng bố, trong bối cảnh đó, là một phần của cuộc chiến tranh. Chúng dùng biện pháp khủng bố để làm nhụt nhuệ khí quân đội, cảnh sát của đối phương, tạo ra xung đột giáo phái hay tạo động lực để chinh phục lãnh thổ. Chủ nghĩa khủng bố lúc này chỉ là một gia vị mạnh cho một cuộc chiến tranh quy ước.

Tại các vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát, chúng thực hiện các vụ hành quyết số đông, chặt đầu công khai, cưỡng hiếp và đóng đinh nạn nhân để khủng bố người dân, buộc họ khuất phục và “thanh tẩy” cộng đồng. Song song với đó, chúng vẫn cung cấp các dịch vụ hết sức tối thiểu để người dân duy trì cuộc sống. Gói biện pháp tổng hợp này đem lại cho chúng một sự ủng hộ nào đó, hoặc ít nhất là sự phục tùng của người dân.

Trái lại, Al-Qaeda ưa thích cách tiếp cận có phần thận trọng hơn. Một thập kỷ trước, Zawahiri đã từng trừng phạt các chiến binh thánh chiến Iraq vì sự tàn bạo của chúng vì cho rằng điều đó sẽ khiến người dân quay lưng lại với Al-Qaeda. Ngày nay, tên này vẫn có quan điểm như vậy trong các cuộc xung đột. Al-Qaeda yêu cầu người dân tại một số vùng ở Syria, nơi Mặt trận Al Nusra đang kiểm soát, cải đạo. Chúng cố thuyết phục người Hồi giáo địa phương thuận theo quan điểm của Al-Qaeda hơn là ép buộc họ.


Thái Nguyễn
(Theo Reuters, CFR)

(còn tiếp)