05:16 24/05/2014

Cuộc đấu đã được an bài

Trong hai ngày 26-27/5, cử tri Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống - chặng thứ hai có ý nghĩa quyết định đối với lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến vào mùa hè năm ngoái lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Trong hai ngày 26-27/5, cử tri Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống - chặng thứ hai có ý nghĩa quyết định đối với lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến vào mùa hè năm ngoái lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi .

 

Ứng cử viên Tổng thống Ai Cập Hamdeen Sabahy (giữa) gặp gỡ báo chí trong cuộc vận động tranh cử tại thủ đô Cairo ngày 19/4. AFP-TTXVN


Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai tại Ai Cập trong vòng chưa đầy hai năm qua và là lần thứ 7 cử tri nước này đi bỏ phiếu nếu tính từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ sau làn sóng biểu tình kéo dài 18 ngày hồi đầu năm 2011. Tuy nhiên, khác với cuộc chạy đua sôi động và đầy kịch tính vào giữa năm 2012 với 13 ứng cử viên đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị, cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra khá buồn tẻ do thiếu vắng bầu không khí cạnh tranh thực sự. Kết thúc giai đoạn đăng ký tranh cử kéo dài 3 tuần, chỉ duy nhất hai ứng cử viên nộp đơn tham gia và cùng lọt vào vòng đấu loại trực tiếp là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi và chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi, người từng về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây gần hai năm.


Cuộc bầu cử năm nay cũng chứng kiến khoảng cách khá chênh lệch giữa hai ứng cử viên. Ông Sabahi, vốn là thủ lĩnh phong trào sinh viên từng bị kết án 17 lần dưới thời các tổng thống Anwar Sadat và Hosni Mubarak, đã triển khai một chiến dịch vận động bầu cử không mệt mỏi trên khắp cả nước với cam kết bảo vệ các mục tiêu của cuộc cách mạng ngày 25/1/2011, đảm bảo các quyền tự do và đấu tranh chống tham nhũng. Nhằm thu hút sự ủng hộ của các lực lượng cách mạng, nhất là các phong trào thanh niên, vị chính khách lão luyện 60 tuổi này tuyên bố sẽ xóa bỏ Luật biểu tình gây tranh cãi một khi đắc cử tổng thống, cũng như phóng thích tất cả các nhà hoạt động hiện đang bị chính quyền giam giữ. Tuy nhiên, chiến thuật này có vẻ vẫn chưa đủ để thuyết phục và hiệu triệu thanh niên khi phần lớn lực lượng này tuyên bố tẩy chay bầu cử nhằm phản đối chính quyền quân sự và các chiến dịch gia tăng đàn áp biểu tình. Hơn nữa, giới trẻ, ước tính chiếm tới 70% trong số hơn 53 triệu người đủ tư cách đi bầu, cũng ngày càng có xu hướng không quan tâm đến chính trị do thất vọng trước những "thành quả cách mạng" trong suốt hơn 3 năm bất ổn vừa qua.


Trong khi đó, suốt 3 tuần lễ vận động tranh cử, Thống chế el-Sisi chưa từng một lần xuất hiện tại các cuộc míttinh, tuần hành trên đường phố do lo ngại an ninh, đồng thời khước từ lời thách đấu tranh luận trực tiếp trên truyền hình của đối thủ. Thay vào đó, vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng chỉ tham gia một vài cuộc phỏng vấn với các cơ quan truyền thông thân cận và tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với đại diện các giới để truyền thông điệp đến những người ủng hộ. Trái với nguồn ngân quỹ hết sức hạn hẹp và sự ủng hộ ít ỏi mà ông Sabahi nhận được, ứng cử viên el-Sisi đã mạnh tay chi tiền cho các hoạt động vận động bầu cử, quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông và tại hầu khắp các tuyến phố nhờ sự tài trợ của các doanh nhân giàu có và sự giúp sức của các cựu quan chức thời Mubarak.


Ngoài sự ủng hộ đông đảo của giới truyền thông và các cơ quan công quyền, ông el-Sisi còn giành được sự hậu thuẫn gián tiếp từ các nước vùng Vịnh qua các gói tài trợ hào phóng trong suốt 11 tháng qua, cũng như những tín hiệu ủng hộ ngầm từ Mỹ và Liên minh châu Âu trong mấy tháng gần đây. Đặc biệt, cương lĩnh tranh cử của cựu Tư lệnh quân đội el-Sisi tập trung vào việc đảm bảo an ninh, chống khủng bố, khôi phục vị thế quốc gia, phát triển kinh tế và giải quyết tình trạng thất nghiệp thông qua các dự án lớn cũng được cho là đánh trúng tâm lý và đáp ứng những kỳ vọng sát sườn của đại đa số cử tri Ai Cập. Hơn bao giờ hết, người dân xứ sở Kim tự tháp đang khao khát có một vị tổng thống mạnh mẽ, đủ năng lực cũng như phương tiện để đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh khó khăn trăm bề hiện nay.


Trong bối cảnh như vậy, có thể khẳng định ông Sabahi gần như không còn cơ may nào để tạo ra sự bất ngờ và kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới hoàn toàn đã được định đoạt. Uy tín của cựu Tư lệnh quân đội el-Sisi được thể hiện rất rõ trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cũng như qua kết quả cuộc bỏ phiếu ở nước ngoài được công bố hôm 21/5.


Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử tổng thống tại Ai Cập vào ngày 26-27/5 sẽ chứng kiến chiến thắng vang dội của ông el-Sisi và là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực kháng cự yếu ớt của phe Hồi giáo. Kết quả đó cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của quân đội Ai Cập sau khi để tuột mất chiếc ghế tổng thống mà họ từng nắm giữ liên tục 6 thập kỷ qua.

 

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairo)