04:07 30/04/2020

Cuộc chiến vì hòa bình giữa đầu não địch - Bài 1: Cánh quân thứ 6 cho ngày giải phóng

Từ ngày 28/1/1973 đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, nơi đặt trụ sở của phái đoàn Liên hợp quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B), gần một nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ ta đã trải qua 823 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù để thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa.

Chú thích ảnh
Một cuộc họp bốn bên tại trại Davis. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự bốn bên trong thời gian 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp quân sự hai bên, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28/1/1973 đến 30/4/1975. Đây là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng tại Sài Gòn. Đồng thời, đây cũng là vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thắng lợi của Hiệp định Paris và trở thành vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm giữa trung tâm đầu não của đối phương cho đến này giải phóng miền Nam. Có thể nói, cùng với 5 cánh quân chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc đấu trí đầy cam go của quân ta giữa lòng định tại Trại Davis cũng là một cánh quân đặc biệt quan trọng. 

Sự ra đời của Ban Liên hợp quân sự thực thi Hiệp định Paris 1973

Trại Davis được xây dựng vào khoảng giữa năm 1961 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ban đầu là nơi cư trú của một nhóm công tác An ninh Quân đội Mỹ, được đưa sang Việt Nam với danh nghĩa Tổ Viễn thám số 3. Ngày 22/12/1961, một thành viên của Tổ Viễn thám số 3 tên James Thomas Davis bị quân du kích phục kích và chết tại Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An). Bạn bè trong Tổ đã đặt tên trại cư trú theo tên của Davis và dựng một khu tưởng niệm Davis nhỏ ở trong trại.

Khuôn viên Trại Davis như hình thang, chiều rộng nhất khoảng 200m, cạnh ngắn nhất 100m. Trại được xây dựng kiểu dã chiến, gồm nhiều dãy nhà gỗ, nền đất nện và bê tông, lợp phi-brô xi măng, trang thiết bị bên trong từ giường, ghế, bàn, tủ đều bằng sắt, hàng rào vòng trong là lưới sắt.

Thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã chọn Trại Davis để làm nơi làm việc của Phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên cũng như nơi ở của hai phái Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B). Nguyên nhân là do nơi đây thuận tiện cho việc di chuyển của các phái đoàn bằng máy bay, đồng thời nơi này có sẵn một số cơ sở hạ tầng cần thiết.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), việc sắp xếp này của Việt Nam Cộng hòa chính là nhằm cô lập hai đoàn ta ở Trại Davis, ngăn không cho ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn. Đồng thời, chúng có thể dễ dàng kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện của ta.

Ban Liên hợp quân sự bốn bên Trung ương gồm Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Đoàn Chính phủ Hoa Kỳ; Đoàn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Sau đó, từ ngày 29/3/1973, Ban Liên hợp quân sự chỉ còn hai bên là Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các điều khoản về các vấn đề quân sự và trao trả nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt. Song song với đó, còn có Tổ Liên hợp quân sự bốn bên, chuyên lo vấn đề người Mỹ mất tích, mồ mả, hài cốt...

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bất chấp mọi khó khăn và thủ đoạn của địch, từ tháng 1/1973 đến ngày 30/4/1975, hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã kiên cường bám trụ tại Trại Davis để đấu tranh. Theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, Trại Davis được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, được pháp lý của Hiệp định Paris thừa nhận, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch. Hoạt động của hai phái đoàn ta đã góp phần đặc biệt xuất sắc phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi nước ta, đánh cho quân ngụy sụp đổ hoàn toàn, ngay trong sào huyệt của chúng.

Từ chiến trường khốc liệt với tiếng súng, tiếng bom, những người lính bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu về ngoại giao quân sự xung quanh những vấn đề quan trọng đầu tiên của Hiệp định Paris. Thứ nhất, vấn đề ngừng bắn và vấn đề quân Mỹ, quân chư hầu của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Thứ hai, trao trả nhân viên quân sự, thường dân nước ngoài, nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và bị giam giữ.

Cánh quân thứ 6 cho ngày giải phóng

Ông Lê Hùng, Trưởng ban Liên lạc truyền thống “Trại Davis” (sinh năm 1948 tại Bến Tre) vẫn còn nhớ những ngày tháng với muôn vàn khó khăn, thách thức giữa lòng địch. Khi đó, ông là Thiếu úy công tác tại Phòng Tác chiến Miền được cử tham gia đoàn Liên hợp B, làm nhiệm vụ Văn phòng, thư ký ghi chép các cuộc họp, liên lạc giữa các đoàn bốn bên và sau này là hai bên.

Ông Lê Hùng cho biết, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, Bộ Chỉ huy Miền đã cử cán bộ vào thông báo đã sẵn sàng phương án cử một đơn vị đặc công vào Trại Davis đưa đoàn ta ra nơi an toàn, khi quân ta bắt đầu cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn. Tuy nhiên, lãnh đạo Đoàn họp bàn, nhận định, lúc này ta vẫn có đủ yếu tố cần thiết để chiến đấu và bám trụ thắng lợi tại chỗ. Cuộc họp nhất trí đề nghị Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cho phép đoàn tự tổ chức chiến đấu tại chỗ và bảo đảm sẽ đủ sức bảo toàn lực lượng. Cấp trên đồng ý.

Và ngay trước ngày chiến thắng 30/4/1975, hai chiến sỹ ta đã hy sinh, 4 đồng chí khác bị thương ngay trong Trại Davis. “Đó cũng chỉ là những mất mát nhìn thấy được sát giờ chiến thắng. Ngoài ra, còn vô vàn những khó khăn, vất vả và hiểm nguy không dễ nhìn ra mà anh em đã phải nỗ lực vượt qua trong cuộc đấu tranh với địch suốt hơn 2 năm 3 tháng tại Trại Davis”, ông Lê Hùng nhấn mạnh.

Trong giai đoạn cuối năm 1973, quân ngụy muốn xóa bỏ Hiệp định Paris, giải quyết vấn đề miền Nam bằng quân sự. Chiến sự lan rộng và quyết liệt, tiếng súng lại nổ trên khắp miền Nam. Không thể thực hiện sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình theo Hiệp định Paris, ta không có con đường nào khác là buộc phải dùng bạo lực cách mạng để hoàn thành mục tiêu. Tình hình đó khiến từ tháng 6/1974, hoạt động Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương đi vào bế tắc và tê liệt, không còn khả năng đạt được bất cứ kết quả tích cực nào trong đàm phán nữa.

Ngày 22/6/1974, Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố đình chỉ vô thời hạn các cuộc họp Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương. Ngày 8/10/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào công việc của miền Nam Việt Nam; lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, lập ra ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, thi hành Hiệp định Paris; tuyên bố chính thức đình chỉ mọi cuộc họp Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên về người mất tích. Ngày 11/10/1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra Tuyên bố tương tự về vấn đề này.

Kể từ đây, cuộc đấu tranh với địch tại Trại Davis chuyển từ trực diện đấu tranh đòi thi hành Hiệp định sang đấu tranh dư luận hỗ trợ chiến trường. Về mặt pháp lý công khai, ta vẫn duy trì hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ở Trại Davis; giữ mối quan hệ bình thường với Ủy ban quốc tế.

Không những vậy, trong giai đoạn này, ta đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động và đấu tranh cách mạng thông qua giới báo chí truyền thông. Các buổi họp báo vẫn được tổ chức hàng tuần ngay tại Trại Davis, thông qua đó để giới thiệu về tính chính nghĩa trong cuộc đấu tranh cách mạng của ta; tố cáo hành động chiến tranh - phá hoại Hiệp định của Mỹ - ngụy, kêu gọi sự ủng hộ của dư luận thế giới đối với việc ta buộc phải sử dụng biện pháp quân sự đánh trả để bảo vệ Hiệp định Paris.

Trại Davis cũng là nơi ta tiến hành các biện pháp tình báo phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị và chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mùa Xuân 1975. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên lãnh đạo Đoàn A, tại Trại Davis có một tổ trinh sát kỹ thuật của ta được trang bị phương tiện hiện đại, để theo dõi các mạng thông tin của địch và hỗ trợ các nhiệm vụ tình báo kỹ thuật. Các thông tin về hoạt động luân chuyển khí tài, quân lực của địch, tình hình nội bộ chính quyền Sài Gòn và đánh giá khả năng tham chiến trở lại của Mỹ khi chế độ Sài Gòn nguy cấp là những tài liệu quý góp phần làm nên chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 3/5/1975, Tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng Miền (B2), Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là người từng giữ chức Trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn B đã vào thăm lại Trại Davis và tuyên bố Quân ủy Miền công nhận đơn vị Trại Davis "là một tiền tiêu của Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Ngày 12/9/2011, Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho hai đoàn Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên, khẳng định những đóng góp to lớn của hai đoàn trong giai đoạn ở Trại Davis.

Bài 2: Lá cờ báo tin chiến thắng

Xuân Khu - Tiến Lực (TTXVN)