08:15 13/08/2014

Cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế”

Cuộc nội chiến ở Ukraine và cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza rõ ràng là những bi kịch đẫm máu. Nhưng tệ hơn nữa, chúng có một điểm chung nếu nhìn từ góc độ tuyên truyền.

Cuộc nội chiến ở Ukraine và cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza rõ ràng là những bi kịch đẫm máu. Nhưng tệ hơn nữa, chúng có một điểm chung nếu nhìn từ góc độ tuyên truyền. Có thể nói cuộc chiến tuyên truyền giữa các phe đã phát triển thành một phiên bản “khổ nhục kế” quốc tế thời hiện đại.


Thậm chí ngay từ đầu, "cuộc cách mạng Ukraine" cũng có thể được cho là kết quả của một chiến dịch "khổ nhục kế”. Rất nhiều người biểu tình hòa bình đã bị bắn chết và các nguồn tin ban đầu cho rằng họ bị các tay súng bắn tỉa của Tổng thống Viktor Yanukovych hạ sát. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ mới ở Ukraine lên nắm quyền đến nay, thông tin liên quan tới các tay súng bắn tỉa kia vẫn còn là một bí ẩn không có lời giải. Không loại trừ khả năng phe biểu tình tự hại người của mình để đổ lỗi cho chính quyền.

 

Nhiều trẻ em Palestines vô tội là nạn nhân của cuộc xung đột ở Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ chiếc máy bay dân sự MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở khu vực do quân nổi dậy Ukraine kiểm soát, khiến gần 300 người vô tội thiệt mạng, đã trở thành cái cớ mới nhất cho cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế” của Washington. Ngay sau vụ việc, chính phủ Mỹ lập tức khẳng định: “Vụ bắn rơi máy bay này là do phe ly khai thực hiện, Tổng thống Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm trực tiếp”. Do các nạn nhân phần lớn là công dân châu Âu, nên EU cũng buộc phải tham gia vào cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế” của Washington. Họ cho rằng chí ít Nga phải chịu trách nhiệm gián tiếp về việc này. Trái lại, Nga cáo buộc chính phủ Ukraine đã thực hiện “khổ nhục kế” bằng cách cho phép một chiếc máy bay dân sự bị bắn hạ.


Phải thừa nhận rằng cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế” của Mỹ đã phát huy tác dụng nhất định. Tổng thống Putin đã bị dồn vào thế bị động trên trường quốc tế, quân đội Ukraine có thể “đường đường chính chính” tăng cường các cuộc tấn công quân nổi dậy, và EU không cần nhờ vào “áp lực của Mỹ” để tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt với Nga.


Tuy nhiên, trong khi Mỹ giành ưu thế trong cuộc chiến tuyên truyền về vụ MH17, thì cùng lúc cũng một cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế” liên quan đến xung đột ở Dải Gaza lại hoàn toàn là điều bất lợi đối với Washington.


Thứ nhất là sự chênh lệch về số thương vong của hai bên khiến cho luận điệu mà chính quyền Mỹ không ngừng tuyên truyền lâu nay về “quyền tự vệ của Israel” ngày càng thiếu sức thuyết phục. Thứ hai, con số thương vong phía Palestines chủ yếu là dân thường, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ. Ngay cả các quan chức Liên hợp quốc cũng buộc phải thông báo rằng Israel có thể phạm tội ác chiến tranh.


Vấn đề là ngay cả khi Mỹ xác định MH17 là do quân ly khai ở Ukraine bắn rơi, thì mọi người cũng đều đồng ý rằng đây là một sự nhầm lẫn, chứ không phải cố tình. Trong khi đó, việc Israel tiến hành các vụ đánh bom vào các cơ sở dân sự như trường học, bệnh viện đều là hành động có chủ ý, và do đó rất khó để có thể biện minh cho các hành động này.


Dưới áp lực của các thế lực Do thái trong chính quyền, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng luận điệu cũ là quy trách nhiệm cho Hamas. Tuy nhiên tác dụng của kiểu tuyên truyền này là rất hạn chế.Washington không thể lôi kéo EU vào cuộc để hình thành một “cộng đồng quốc tế” lên án Nga.


Tóm lại, trong khi Washington sử dụng vụ MH17 để nâng cao vấn đề đạo đức, thì họ lại rơi vào thế khá bị động trong cuộc chiến tuyên truyền “khổ nhục kế” liên quan đến xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza.


Lê Hải