05:11 12/05/2011

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez - Kỳ 3: Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez được Pháp và Anh đặt tên là "Chiến dịch Ngự lâm quân", bắt đầu ngày 29/10/1956 với việc quân đội Ixraen tiến vào Dải Gaza và bán đảo Sinai. Quân đội Ixraen đã nhanh chóng tiến tới kênh đào Suez.

Kỳ 3: Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez được Pháp và Anh đặt tên là "Chiến dịch Ngự lâm quân", bắt đầu ngày 29/10/1956 với việc quân đội Ixraen tiến vào Dải Gaza và bán đảo Sinai. Quân đội Ixraen đã nhanh chóng tiến tới kênh đào Suez. Trước đó, Pháp đã tăng cường sức chiến đấu của Ixraen với việc cung cấp máy bay chiến đấu và xe tải. Ngày 30/10, theo kịch bản được soạn sẵn, Anh và Pháp đưa ra tối hậu thư đòi hai bên phải ngưng chiến sau 12 giờ đồng hồ và lui quân cách kênh đào 16 km về phía Đông và phía Tây.

Quân đội Anh, Pháp tấn công các vị trí của Ai Cập.


Sự việc cũng diễn ra theo đúng kế hoạch với việc Nasser bác bỏ tối hậu thư, một quyết định được sự hậu thuẫn của nhân dân Ai Cập, những người đã hoan nghênh việc quốc hữu hóa kênh đào này. Sau đó, ngày 31/10/1956, máy bay Anh, Pháp bắt đầu oanh kích khu vực kênh đào và các sân bay Ai Cập. Ngày 5/11, khoảng 7.000 lính dù Anh và Pháp đã đổ bộ xuống sân bay Gamil. Ngày hôm sau, các đơn vị hải quân Hoàng gia Anh đổ bộ lên bờ biển Ai Cập. Thành phố Port Said hầu như bị cháy trụi. Ai Cập phong tỏa lối ra của kênh đào bằng việc đánh đắm ở đó 50 con tàu. Người Anh và người Pháp đã tới gần một chiến thắng quân sự, nhưng các chiến lược gia của họ không tính tới sự phản đối quyết liệt của Tổng thống Mỹ Eisenhower, người đã tỏ ra có khả năng hành động mạnh mẽ hơn dự kiến, bất chấp cuộc vận động tranh cử đang diễn ra gay gắt.

Binh sĩ Ixraen tại Suez năm 1956.

Ngày 2/11, chỉ 4 ngày trước ngày bầu cử tổng thống, phía Mỹ đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo nghị quyết đòi chấm dứt chiến sự ngay lập tức. Trong những ngày sau đó, đồng bảng Anh bị chao đảo tới mức nguy hiểm trên thị trường tài chính New York và chính quyền Mỹ đã gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Anh Eden. Ông ta không chỉ phớt lờ việc nước Anh bị phụ thuộc về tài chính vào nước Mỹ do hậu quả của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mà cũng đánh giá sai lập trường của Mỹ trong vấn đề phi thực dân hóa. Trong ngữ cảnh thù địch với Liên Xô, người Mỹ rất quan tâm tới mối quan hệ hữu hảo với các nước "Thế giới thứ ba", ngoài ra, đây còn là vì lợi ích kinh tế. Thảm bại hiển hiện đã phá hoại danh tiếng của Eden tới mức cuối năm 1956, ông đã bị Harold Macmillan thúc ép phải từ chức. Sau này, Eden nhớ lại đã bị Eisenhower la mắng thậm tệ qua điện thoại "như một đứa trẻ ngốc nghếch".

Người Anh và người Pháp cũng đánh giá quá thấp vai trò của Liên Xô. Ngày 6/11, Liên Xô đã đưa ra tối hậu thư, đe dọa sẽ có một sự tàn phá khủng khiếp, nếu cuộc chiến ở kênh đào Suez không bị đình chỉ. Cuối cùng, Pháp, Anh và Ixraen đã phải khuất phục trước sức ép của Mỹ, Liên Xô và LHQ. Ngày 6/11, lệnh ngừng bắn được đưa ra. Ngày 3/12, ba nước này tuyên bố sẵn sàng rút quân khỏi khu vực chiến sự để lính “Mũ nồi Xanh” của LHQ vào thay thế. Việc rút quân được tiến hành tới ngày 22/12 thì hoàn tất.

Kênh đào Suez bị phong tỏa trong cuộc chiến.

Cuộc chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả. Việc đi lại qua kênh đào còn bị phong tỏa cho tới năm 1957 vì những con tàu bị Ai Cập đánh đắm. Vai trò của Mỹ và Liên Xô gia tăng tại Trung Cận Đông, thay thế vị trí trước đây của các cường quốc thực dân là Anh và Pháp. Eisenhower cam kết viện trợ tài chính và vật chất cho những nước quyết định chống lại mô hình xã hội XHCN. Mátxcơva ký kết một hiệp định với Nasser, trong đó cam kết viện trợ tài chính cho việc xây dựng đập nước Assuan. Với thỏa thuận này, Ai Cập đã trở thành đồng minh chính của Liên Xô trong thế giới Arập trong hơn 20 năm sau đó.

Đối với Anh và Pháp, hoạt động quân sự ở kênh đào Suez đã kết thúc với sự bẽ mặt về ngoại giao. Hai nước đau đớn nhận thấy rằng họ không còn là cường quốc thế giới nữa. Năm 1957, Anh đặt lực lượng vũ trang hạt nhân của họ dưới sự kiểm soát của Mỹ. Ngược lại, Pháp tăng cường thúc đẩy việc xây dựng một lực lượng vũ trang hạt nhân độc lập. Quyết định này được giải thích một mặt với nhận thức của Pháp sau năm 1945 là không muốn giới hạn lĩnh vực hoạt động chính trị của họ ở Tây Bán cầu nữa, mặt khác là tình huống khó khăn của quân đội sau khi phải rút khỏi Đông Dương hai năm trước đó và "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" tiếp tục kéo dài ở Angiêri, khiến họ cần cấp thiết có một thành công. Lực lượng vũ trang được rút khỏi Angiêri đã phải quay về, trước khi tới được kênh đào Suez để tham chiến. Thất bại ở Đông Dương và cuộc chiến ở Angiêri đã cho người Pháp thấy tinh thần kháng chiến mạnh mẽ của các nước "Thế giới thứ ba" chống lại các cường quốc thực dân, kết cục của hoạt động quân sự tại kênh đào Suez cho thấy vai trò của Pháp với tư cách là cường quốc thực dân đã đến hồi kết. Với tinh thần này, cuộc khủng hoảng Suez đã kết thúc thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ 19.

Vũ Long (tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc khủng hoảng Suez và mầm mống của EU