02:15 13/02/2025

Cuộc chiến tiêu hao đang đẩy quân đội Ukraine vào tình trạng căng thẳng

Gần 3 năm xung đột với Liên bang Nga đang làm căng thẳng quân đội Ukraine, đặt ra những thách thức lớn về nhân sự, chỉ huy và tinh thần chiến đấu. Trong khi đó, áp lực chiến trường ngày càng nặng nề, buộc Ukraine phải tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ để tiếp tục cuộc chiến. 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine bắn pháo nhằm vào các lực lượng Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo Politico (Mỹ) ngày 12/2, sau gần 3 năm giao tranh khốc liệt với Nga, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân sự, trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump để tiếp tục cuộc chiến.

Cụ thể, cuộc chiến tiêu hao kéo dài giữa Ukraine và Nga đang đẩy quân đội Ukraine vào tình thế ngày càng khó khăn. Với hàng ngàn thương vong và tình trạng đào ngũ gia tăng, Ukraine đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân sự và chỉ huy, trong khi vẫn cố gắng duy trì sức chiến đấu trước sự tiến công không ngừng của Nga.

Thiếu hụt nhân sự và áp lực chiến trường

Hiện quân đội Ukraine đang phải vật lộn để bù đắp những tổn thất nặng nề. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tính đến tháng 12/2023, Ukraine đã mất hơn 43.000 binh sĩ tử trận và hơn 370.000 người bị thương. Những con số này phản ánh mức độ khốc liệt của cuộc chiến, đặc biệt là ở các khu vực như Donetsk và Kharkov, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất.

Tình trạng thiếu hụt nhân sự đã buộc Ukraine phải điều chuyển hàng nghìn nhân viên từ các lĩnh vực khác sang lực lượng trên bộ. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 11/1 vừa qua đã ra lệnh chuyển hơn 5.000 nhân viên không quân sang lực lượng chiến đấu trên bộ, một quyết định gây tranh cãi vì nó làm giảm nguồn lực cho các lĩnh vực chuyên môn khác. Tướng Syrskyi khẳng định rằng ông sẽ không điều chuyển những nhân sự “không thể thay thế”, nhưng điều này vẫn làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì chiến đấu lâu dài của Ukraine.

"Vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt không phải là họ hết tiền, mà là họ đang hết người Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhận định trong một phiên điều trần.

Olena Tregub, Giám đốc điều hành của Ủy ban Chống tham nhũng Độc lập Ukraine, phân tích: "Giống như trong bất kỳ cuộc xung đột nào kéo dài hơn một năm, giao tranh càng kéo dài thì càng ít quân nhân chuyên nghiệp ở tuyến đầu. Đồng thời, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo những người từ lĩnh vực dân sự không có kinh nghiệm quân sự trước đó ngày càng tăng".

Câu chuyện của Anastasia, một bác sĩ quân y tình nguyện, phản ánh thực trạng này. Cô gia nhập quân đội Ukaine năm 2022 mà không có kinh nghiệm quân sự hay y tế, dự định làm việc ở bệnh viện hậu phương. Tuy nhiên, mùa thu năm ngoái, cô bất ngờ được điều động đến một trong những điểm nóng nhất ở khu vực Donetsk mà không được huấn luyện quân sự cơ bản.

Vấn đề chỉ huy và đào ngũ

Các vấn đề về chỉ huy cũng đang trở thành điểm nóng. Quân đội Ukraine đang cố gắng chuyển đổi từ mô hình chỉ huy theo kiểu Liên Xô sang phương pháp hiện đại hơn, phù hợp với tiêu chuẩn phương Tây. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn do sự thiếu hụt các sĩ quan có kinh nghiệm và và khả năng lãnh đạo.

Glen Grant, cựu sĩ quan Quân đội Anh và chuyên gia quốc phòng của Quỹ An ninh Baltic, nhận định rằng chiến tranh hiện đại đòi hỏi các chỉ huy phải linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có khả năng đối phó với những tình huống phức tạp. Tuy nhiên, nhiều chỉ huy Ukraine vẫn bám vào tư duy cũ, điều này làm giảm hiệu quả chiến đấu.

Tình trạng đào ngũ cũng đang gia tăng. Nhiều binh sĩ, đặc biệt là những người mới được tuyển dụng, cảm thấy kiệt sức và thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng và đang nỗ lực giải quyết thông qua các biện pháp quản lý và hỗ trợ tâm lý.

Chiến trường đẫm máu đang đặt ra những thách thức lớn cho Ukraine. Kể từ tháng 5/2023, Nga đã kiểm soát thêm một phần lãnh thổ ở vùng Kharkov. Sự tiến công của Nga đã làm gia tăng áp lực lên các đơn vị Ukraine, đặc biệt là ở khu vực Pokrovsk, nơi được coi là trung tâm hậu cần quan trọng.

Serhii Filimonov, chỉ huy tiểu đoàn biệt kích Da Vinci Wolves, đã chỉ rõ: "Lý do chính dẫn đến thảm họa ở hướng Pokrovsk là do chỉ huy cấp cao hơn đặt ra những nhiệm vụ không thực tế. Các vị tướng đó không hiểu được năng lực của các đơn vị và không định hướng được tình hình ở tiền tuyến". 

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia và cựu chiến binh Ukraine đang kêu gọi cải cách mạnh mẽ hơn trong quân đội. Taras Chmut, người đứng đầu quỹ Come Back Alive, nhấn mạnh rằng sự rối loạn trong chỉ huy là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại gần đây. Ông kêu gọi tăng cường đào tạo và hỗ trợ cho các tân binh, đồng thời cải thiện hệ thống chỉ huy để đảm bảo hiệu quả chiến đấu.

Các cải cách theo hướng hiện đại hóa cũng đang được triển khai. Theo Giám đốc Ủy ban Chống tham nhũng Ukraine Tregub, quân đội Ukraine đang chuyển sang mô hình chỉ huy linh hoạt hơn, số hóa các quy trình và giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian và nguồn lực, trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn ác liệt và thách thức lớn nhất vẫn là việc duy trì tinh thần chiến đấu trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài với cái giá phải trả ngày càng cao về người.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico)