04:08 27/04/2011

Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương - Kỳ III: Bước ngoặt

Việc hơn 12.000 chuyên gia Anh dưới sự lãnh đạo của nhà toán học Alan Turing giải được mật mã của hải quân Đức năm 1942 đã dẫn tới bước ngoặt trong cuộc chiến tàu ngầm ở Đại Tây Dương.

Việc hơn 12.000 chuyên gia Anh dưới sự lãnh đạo của nhà toán học Alan Turing giải được mật mã của hải quân Đức năm 1942 đã dẫn tới bước ngoặt trong cuộc chiến tàu ngầm ở Đại Tây Dương. Ngay từ năm 1934, các nhà toán học Ba Lan, thông qua việc kết nối 6 máy mật mã Enigma, đã giải được một phần mật mã và những kết quả bước đầu này được cung cấp cho cơ quan tình báo vô tuyến Anh. Dưới sự lãnh đạo của nhà toán học Anh Alan Turing, một máy giải mã cơ điện có tên là "Bom Turing" đã được chế tạo.

Shaun Wylie, chuyên gia góp phần phá mật mã của hải quân Đức.


Cuối cùng vào tháng 6/1941, người ta đã tìm ra chìa khóa mật mã của hải quân Đức. Đạt được tiến bộ có tính quyết định này là nhờ tàu khu trục HMS Bulldog của Anh đã trục vớt được tàu ngầm U 110 của Đức ngày 9/5/1941 và lấy được "Chìa khóa M" cùng với hai máy mật mã "VI" và "VII" mà chỉ hải quân Đức mới sử dụng và "Sổ tay vô tuyến trong lãnh hải Đức" cũng như "Bảng trao đổi chữ cái kép", chìa khóa đặc biệt cho sĩ quan và bản đồ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải sử dụng cho hải quân Đức. Với chìa khóa mật mã có được, Hải quân Hoàng gia Anh có thể theo dõi toàn bộ điện tín giữa Doenitz và các tàu ngầm. Từ tháng 11/1941, người Anh thường xuyên đọc được điện mật để biết được kế hoạch của Đức. Sau đó có một thời gian gián đoạn, khi Bộ chỉ huy hải quân Đức đưa vào sử dụng một chìa khóa mật mã hoàn toàn mới, được gọi là Triton và mở rộng máy mật mã thành máy Enigma-M4. Từ cuối năm 1942, Anh lại tìm ra chìa khóa mới cho loại mật mã này.

Với việc giải được mật mã điện tín của Đức, quân đồng minh đã có thể điều tàu hộ tống và tàu hàng tránh vị trí của tàu ngầm Đức, cũng như chủ động điều tàu khu trục, tàu sân bay hộ tống, trong cái gọi là "Nhóm tìm, diệt" tìm kiếm tàu ngầm Đức để phá hủy.

Thêm vào đó, từ năm 1943, quân đồng minh có thêm máy định vị sóng ngắn được gọi là "HF/DF", lần đầu tiên cho phép định vị những tàu ngầm có phát tín hiệu từ một con tàu duy nhất. Các "Nhóm tìm, diệt" sẽ tìm tới con tàu ngầm đã bị định vị, tìm cách phá hủy chúng bằng thủy lôi, hoặc buộc chúng phải nổi lên mặt nước do thiếu dưỡng khí hoặc ắc quy hết điện, để có thể tiêu diệt chúng trên mặt nước.

Một biện pháp phòng chống tàu ngầm nữa là sử dụng tàu sân bay đi hộ tống cho đoàn tàu buôn, nhất là từ năm 1942, khi Mỹ sản xuất hàng loạt tàu sân bay cỡ nhỏ lớp Bogue chuyên dùng cho việc săn đuổi tàu ngầm. Những máy bay hoạt động từ tàu sân bay hộ tống có nhiệm vụ trinh sát và tấn công những tàu ngầm phát hiện được. Từ năm 1940, máy bay đã được lắp radar và trong thời gian chiến tranh, radar luôn được cải tiến cho có hiệu quả hơn.
Từ giữa năm 1942, máy bay của quân đồng minh được lắp thêm đèn pha mạnh "Leigh Light", tạo điều kiện tấn công tàu ngầm một cách hiệu quả vào ban đêm. Trước đó, tàu ngầm luôn cảm thấy an toàn về đêm trước các cuộc không kích. Khi một chiếc tàu ngầm bị radar phát hiện và bị đèn pha chiếu sáng thì thông thường không còn thời gian lặn xuống sâu để tránh các cuộc tấn công nữa.

Tấn công tàu ngầm U 66 và U 177 năm 1943.

Ngày 11/12/1941, bốn ngày sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Hitler tuyên chiến với Mỹ. Ngay sau đó, Đô đốc Doenitz sửa đổi mục tiêu chiến tranh: Tàu ngầm Đức không tập trung vào việc phong tỏa nước Anh nữa mà chuyển sang tiêu diệt tàu đối phương càng nhiều càng tốt, ưu tiên cho những nơi có cơ hội đánh đắm tàu đối phương nhiều nhất. Những tàu ngầm đường trường Typ IX được điều sang Mỹ để thực hiện chiến dịch Đánh trống (Paukenschlag) và chúng sang tới nơi vào đầu tháng 1/1942. Do tổ chức tồi, lực lượng phòng thủ bờ biển ban đầu đã bất lực trước các đòn tấn công của tàu ngầm Đức vào các tàu thương mại. Trong thời gian này, nhiều tàu bị đạn pháo của tàu ngầm Đức đánh đắm hơn bao giờ hết. Sau đó, khi việc phòng thủ được tăng cường thì tàu ngầm Đức lại mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng biển Caribê và Nam Đại Tây Dương. Loại tàu ngầm Typ VII có cự li ngắn hơn cũng đồng thời hoạt động theo chiến thuật "bầy đàn" ở Bắc Đại Tây Dương và như vậy duy trì được áp lực đối với các đoàn tàu chở hàng. Trong năm đó đã xảy ra nhiều trận hải chiến lớn với nhiều đoàn tàu hộ tống.

Thông qua việc sử dụng tàu ngầm tiếp tế dầu và các nhu yếu phẩm khác, chẳng bao lâu sau, loại tàu ngầm Typ VII cũng có khả năng hoạt động ở ngoài khơi nước Mỹ.

Số lượng tàu ngầm Đức có khả năng hoạt động đường dài trong Đại Tây Dương ngày càng gia tăng. Vào thời điểm cuối năm 1942 có khoảng 210 chiếc và năm này đã trở thành năm thành công nhất của tàu ngầm Đức.

Năm 1943 là năm bước ngoặt trong cuộc chiến tàu ngầm. Vào đầu năm, tàu ngầm Đức đã giành được thành công lớn cuối cùng, khi vào giữa tháng 3, ba "đàn sói" gồm tổng cộng 43 chiếc tàu ngầm đã đánh đắm 22 chiếc tàu với tải trọng 142.000 tấn trong đoàn tàu SC-122 và HX-229 ở phía nam đảo Greenland và phóng ngư lôi vào 9 chiếc khác với tải trọng 45.000 tấn. Họ được hưởng lợi là ở khu vực này vẫn còn khoảng trống trong giám sát trên không của quân đồng minh.

Đèn pha Leigh Light.

Sau khi quân đồng minh khép lại khoảng trống ở phía nam đảo Greenland với việc triển khai máy bay ném bom đường đài trên đảo Greenland và Iceland, toàn bộ không phận trên Bắc Đại Tây Dương đã nằm trong sự kiểm soát của quân đồng minh. Thêm vào đó là việc tăng cường bảo vệ các đoàn tàu hàng. Đô đốc người Anh Max Horton, Tư lệnh cái gọi là Western Approaches từ tháng 11/1942, một chỉ huy tàu ngầm thành công trong Thế Chiến I đã đưa vào áp dụng một loạt sửa đổi chiến thuật trong việc bảo vệ an toàn cho các đoàn tàu hàng khiến tàu ngầm Đức từ người đi săn trở thành kẻ bị săn đuổi. Riêng trong tháng 5/1943 đã có 43 tàu ngầm Đức bị đánh đắm. Sau đó, Doenitz đã phải tạm đình chỉ cuộc chiến tàu ngầm chống lại các đoàn tàu hàng và rút về hầu hết các tàu ngầm từ các chiến dịch tấn công này.

Mặc dù nhận thức được rằng tàu ngầm Đức hầu như không còn triển vọng giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Đại Tây Dương nữa, nhưng cho tới cuối cuộc chiến tranh, người Đức vẫn tiếp tục đưa tàu ngầm vào hoạt động để bắt buộc một số lượng lớn tàu chiến, máy bay và binh lính của quân đồng minh bị điều động vào hoạt động chống tàu ngầm. Sau khi quân đồng minh đổ bộ lên miền bắc nước Pháp, căn cứ tàu ngầm ở Pháp bị mất, Đức phải chuyển tàu ngầm sang đóng tại Na Uy. Nhằm đáp lại việc cải tiến kỹ thuật của quân đồng minh, Đức cũng nghiên cứu cải tiến một loạt vấn đề kỹ thuật như lắp đặt thêm ống thông hơi, ngư lôi tự tìm kiếm mục tiêu, máy gây nhiễu, máy định vị ngầm dưới nước và trên mặt nước cũng như nhiều loại tàu ngầm khác. Tuy nhiên, nhưng nỗ lực cải tiến này quá muộn, nên cuộc chiến tàu ngầm được coi là đã được quyết định: Riêng năm 1943 phía Đức đã mất đi 287 tàu ngầm, gần gấp đôi tổng số của ba năm trước đó, trong khi số lượng tàu hàng của quân đồng minh bị đánh đắm giảm xuống. Năm 1943, số lượng tàu bị đánh đắm chỉ có thể tích 3,5 triệu BRT, ít hơn số lượng tàu được chế tạo theo tiêu chuẩn hóa và đưa vào sử dụng. Xu hướng này được tiếp tục cho tới khi chiến tranh kết thúc: Trong hai năm 1944 và 1945 chỉ có 1,5 triệu BRT thể tích tàu bị đánh đắm. Trong khi đó, năm 1944, phía Đức bị mất thêm 241 tàu ngầm và năm 1945 thêm 153 tàu ngầm nữa chỉ riêng từ tháng 1 tới tháng 5/1945.

Vũ Long (Tổng hợp từ truyền hình và báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Những tổn thất nặng nề