04:00 28/04/2011

Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương : Kỳ cuối: Những tổn thất nặng nề

Trái với tàu ngầm của Đức được nghiên cứu, chế tạo để hoạt động trong cuộc chiến tranh thương mại ở đại dương, hầu hết các tàu ngầm của quân đồng minh chỉ có tầm hoạt động ngắn. Chúng chủ yếu được sử dụng để giám sát hải cảng và căn cứ hải quân dưới sự kiểm soát của Đức.

Trái với tàu ngầm của Đức được nghiên cứu, chế tạo để hoạt động trong cuộc chiến tranh thương mại ở đại dương, hầu hết các tàu ngầm của quân đồng minh chỉ có tầm hoạt động ngắn. Chúng chủ yếu được sử dụng để giám sát hải cảng và căn cứ hải quân dưới sự kiểm soát của Đức. Bên cạnh những tàu ngầm Anh, các tàu ngầm Pháp, ví dụ như tàu Doris, tàu Hà Lan như tàu O21 và thậm chí tàu Ba Lan như ORP Wilk đã đảm nhận nhiệm vụ này, là những tàu đã rút về các căn cứ của Anh, sau khi đất nước họ bị phát xít Đức chiếm đóng. Trong giai đoạn sau của cuộc chiến, tàu ngầm Anh cũng được chuyển giao cho hải quân của các nước đồng minh, nên thủy thủ đoàn tàu ngầm của Na Uy cũng được huy động tham chiến.

Peter Eustace, nguyên kỹ thuật viên radar tàu "HMS Starling".

Hoạt động có ý nghĩa nhất về mặt quân sự của tàu ngầm quân đồng minh là những biện pháp trong khuôn khổ Đức đánh chiếm Na Uy. Tàu ngầm quân đồng minh đã gây thiệt hại nặng nề cho các tàu chiến trên mặt nước của hải quân Đức, trong đó đánh đắm tàu tuần dương hạng nhẹ Karlsruhe, tàu huấn luyện cao xạ Brummer cũng như một loạt tàu thương mại và làm hư hại tàu bọc thép Deutschland.

Ngoài ra, tàu ngầm của quân đồng minh cũng được sử dụng làm tàu hộ tống và tàu thả thủy lôi. Tàu ngầm có nhiều chiến tích nhất của quân đồng minh trong Thế chiến II là tàu ngầm thả thủy lôi Rubis của Pháp, chủ yếu hoạt động ngoài khơi Na Uy.

Sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, cũng có lúc tàu ngầm Anh và tàu ngầm Pháp lại quay sang đánh nhau, nhất là những tàu ngầm còn lại của chính phủ Vichy thân Đức. Trong khi những đơn vị hải quân khác tập hợp nhau lại mang cờ "Nước Pháp Tự do" hoặc liên kết với Hải quân Hoàng gia Anh. Mối quan hệ thù địch giữa chính phủ Vichy và nước Anh được thể hiện rõ nhất trong cuộc hải chiến từ 20 tới 25/9/1940, được biết đến dưới cái tên "Sự cố Đaca" với việc đổ bộ bất thành lên Đaca.

Một tàu bị đánh đắm.


Trong chiến dịch Menace này, tàu chiến Anh đã bắn phá hải cảng Đaca, thủ đô của Xênêgan, sau khi lực lượng vũ trang Pháp tại Tây Phi đứng về phía chính phủ Vichy. Như vậy, những tàu chiến Pháp neo đậu tại cảng Đaca bị coi là mối đe dọa đối với tuyến đường giao thông của quân đồng minh ở Đại Tây Dương, vì vậy quân đồng minh đã quyết định một đòn đánh phủ đầu để phòng trước. Trong cuộc hải chiến, tàu ngầm Beveziers của Pháp đã phóng ngư lôi vào tàu chiến HMS Resolution. Chiếc tàu ngầm Pháp Ajax thì bị tàu khu trục HMS Fortune đánh đắm.

Ngày 4/5/1945, Đại đô đốc Doenitz ra lệnh cho toàn bộ tàu ngầm Đức đang trên biển ngừng chiến đấu. Trong chiến dịch "Cầu vồng" có 216 trong tổng số 376 tàu còn lại đã tự đánh đắm. Quân đồng minh chiếm được 154 tàu ngầm làm chiến lợi phẩm, trong đó họ tiếp quản một số cho mục đích nghiên cứu hoặc thay thế cho những chiếc tàu bị đắm. 115 chiếc đã bị đánh đắm ở Đại Tây Dương trong chiến dịch Deadlight. Một số tàu đang hoạt động ở Đông Á được bàn giao cho người Nhật. Hai tàu ngầm U 530 và U 977 đã quyết định ra đầu hàng ở nước Áchentina trung lập.

Trong cuộc chiến tàu ngầm, tổng cộng 863 trong 1.162 tàu ngầm do Đức chế tạo được đưa vào hoạt động, trong đó 784 chiếc bị đánh đắm. Trên 30.000 trong tổng số trên 40.000 lính thủy trên tàu ngầm Đức đã bỏ mạng. Cũng trên 55.000 người thiệt mạng trên 2.882 tàu thương mại và 175 tàu chiến của quân đồng minh bị tàu ngầm Đức đánh đắm.

Lothar - Guenter Buchheim, phóng viên chiến tranh trên tàu ngầm U 96.

Lothar - Guenter Buchheim, một phóng viên chiến tranh trên tàu ngầm U 96 sau này nhận xét: Các tàu ngầm được gọi là "Quan tài sắt". Nhiều thủy thủ trên tàu vẫn còn là những đứa trẻ. Có đứa mới 16 tuổi. Khi chiến tranh kết thúc có kỹ sư trưởng trên tàu mới 19 tuổi, tư lệnh mới 20 tuổi. Vì thiếu người, nên họ phải đào tạo gấp để đưa ra chiến trường, tới chỗ chết. Ông cho biết vẫn luôn luôn phản đối khi tin tức về những lính thủy bị chết trên tàu ngầm nói là họ "hy sinh". Ông cho rằng không phải vậy, họ chết đuối một cách tang thương trong những con tàu đắm như những con mèo hoang bị nhốt vào túi và ném xuống sông.

Peter Eustace, nguyên kỹ thuật viên radar tàu HMS Starling của Anh kể lại, sau khi đánh đắm tàu ngầm Đức, chỉ những lính thủy Đức chịu khai tên vị tự lệnh chỉ huy con tàu và số hiệu con tàu thì mới được cứu. Có lần, ông đã nắm lấy tay một lính thủy Đức trẻ măng, chắc chưa đầy 16 tuổi, nhưng khi hỏi, y không chịu trả lời nên ông đành tuân lệnh chỉ huy bỏ tay cho hắn rơi xuống biển. Hình ảnh đó còn ám ảnh ông cho tới ngày nay.

Vũ Long (Tổng hợp từ truyền hình và báo chí Đức)