04:15 18/04/2014

Cuộc chiến gián điệp Mỹ-Nga ở Ukraine

Cùng với cuộc đấu công khai trong lĩnh vực ngoại giao về vấn đề Ukraine, giữa Mỹ và Nga hiện nay còn diễn ra một cuộc đấu bí mật trên phương diện hoạt động gián điệp tại Ukraine. Xem ra trong trận chiến lặng lẽ này, Nga tuy hành động sau, nhưng lại đang chiếm ưu thế.

Cùng với cuộc đấu công khai trong lĩnh vực ngoại giao về vấn đề Ukraine, giữa Mỹ và Nga hiện nay còn diễn ra một cuộc đấu bí mật trên phương diện hoạt động gián điệp tại Ukraine. Xem ra trong trận chiến lặng lẽ này, Nga tuy hành động sau, nhưng lại đang chiếm ưu thế.

 

Ngày 14/4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc phương Tây "đạo đức giả" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời yêu cầu Washington giải thích về chuyến thăm bí mật của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan tới Kiev vào cuối tuần rồi. Theo truyền thông Nga, ông Brennan tới Kiev hôm 12/4 bằng tên giả và đã tiến hành một số cuộc họp với ban lãnh đạo và các quan chức quân sự cấp cao của Ukraine. Sự việc tưởng chừng “thần không biết, quỷ không hay”, nhưng trên thực tế, nhất cử nhất động của ông Brennan tại Ukraine đều nằm trong tầm quan sát của tình báo Nga.

 

Điều đáng chú ý là sau khi ông Brennan tới Kiev, chính quyền Ukraine mới ra lệnh thực hiện chiến dịch “chống khủng bố” ở khu vực Đông Nam nước này. Sự việc khiến phía Nga cho rằng hành động của Ukraine đều do CIA chỉ huy và trên thực tế Kiev đã trở thành “con rối” trong tay Mỹ, hoàn toàn mất đi tính hợp pháp của sự cầm quyền.


Về phía CIA, họ chỉ trích cơ quan tình báo quân sự Nga đang tiến hành xâm nhập quy mô lớn vào khu vực Đông Nam Ukraine và cái gọi là “dân quân” đang tấn công đánh chiếm một số cơ quan chính quyền ở đây thực chất là nhân viên tình báo Nga. Ngoài ra, nhân viên tình báo Nga còn không ngừng xúi bẩy các cơ quan, tổ chức quyền lực của Ukraine như lực lượng đặc nhiệm Berkut hay đơn vị lính dù tinh nhuệ nhất của quân đội Ukraine quay sang ủng hộ người biểu tình thân Nga, không nghe theo mệnh lệnh của Kiev.




Một tay súng canh gác tại tòa nhà chính quyền thành phố miền đông Donetsk ngày 10/4. Ảnh: AFP


Trên thực tế, trước khi Ukraine lâm vào khủng hoảng, cuộc đấu giữa cơ quan tình báo Nga-Mỹ đã khai màn. Theo truyền thông Hong Kong, khi đó Mỹ ở thế công còn Nga trong thế thủ. Mỗi ngày, CIA ngầm trợ giúp cho một người tham gia biểu tình mấy chục USD và sử dụng các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiến hành động viên chính trị, khiến chính quyền của ông Yanukovych bị tê liệt. Còn phía Nga đã nghe lén điện thoại của các chính trị gia chủ chốt của Mỹ, đẩy băng ghi âm lên internet cho thấy Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã dùng một từ thô tục tỏ ý chê trách lập trường của Liên minh châu Âu (EU) khi nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt, khiến Mỹ rơi vào tình trạng khó xử.

 

Sau khi ông Yanukovych phải chạy sang Nga lưu vong, cuộc đấu Nga-Mỹ trong lĩnh vực tình báo gián điệp cũng xuất hiện sự thay đổi. Hoạt động lót ổ chuẩn bị của tình báo Nga trong các cơ quan quyền lực Ukraine, nhất là an ninh và quân đội, bắt đầu phát huy tác dụng, đẩy Kiev vào thế có quân mà không thể điều động được. Nguyên nhân là do trước đây, CIA chỉ coi trọng việc lôi kéo sự ủng hộ của các NGO và các chính khách Ukraine, cho nên, đã rơi vào cảnh bị động khi Crimea tiến hành trưng cầu ý kiến sáp nhập vào Nga và phong trào tự trị ở khu vực Đông Nam Ukraine bùng phát. Đương nhiên, CIA sẽ không ngồi đó mà nhìn, tình hình Ukraine vẫn còn phát triển và CIA vẫn còn cơ hội để “phục thù”.

 

Trong một bài viết đăng trên tờ “Thái Dương” ngày 18/4, cây bút Lưu Đại Khả cho biết thời Chiến tranh lạnh, những trận chiến ngầm giữa CIA và Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) cũng thường xuyên diễn ra. Tuy KGB giành được ưu thế rõ rệt trong các cuộc xung đột cục bộ, nhưng do giới lãnh đạo Liên Xô khi đó tham nhũng lại có năng lực kém, cho nên, cuối cùng KGB đã thua CIA và bị giải thể.


Tuy nhiên, tuyệt đại đa số những người cầm quyền ở Nga hiện nay xuất thân từ KGB, họ không quên thất bại năm xưa, luôn muốn có ngày “trả hận”. Thủ pháp và sự tự tin của họ cao hơn nhiều so với KGB thời Gorbachev. Ở chiều ngược lại, quốc lực của Mỹ ngày càng suy yếu, khó có thể bành trướng ra khắp nơi. Lịch sử dường như đang luân hồi, nhưng chưa chắc đã mang tới kết cục giống nhau.

 

 

Huyền Linh