08:08 24/08/2018

Cuộc chiến định hình lại bàn cờ

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc đang leo thang chóng mặt và chưa thấy tín hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tin rằng cuộc chiến này chỉ là bề nổi trong cuộc đối đầu giữa “Rồng” Trung Quốc và “Đại bàng” Mỹ.

Suy cho cùng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực chất vẫn là một cuộc chiến chính trị, một cuộc so găng không khoan nhượng của hai “người khổng lồ” để khẳng định vị thế và qua đó định hình lại mối quan hệ song phương. Tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ, mà nó đã diễn ra trong gần 1 thập kỷ. Vậy tại sao trước đây chiến tranh thương mại giữa hai nước không nổ ra?     

Hơn 4 thập kỷ trước, vào tháng 2/1972, một sự kiện chấn động đã làm thay đổi bàn cờ địa chính trị thế giới, đó là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc. Giữa lúc đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, chuyến đi này của ông Nixon đã thiết lập một liên minh ngấm ngầm giữa Washington và Bắc Kinh nhằm kiềm chế Liên Xô/Nga. Hơn 40 năm qua, Mỹ mải miết lo đối phó với Điện Kremlin, theo đuổi chiến lược “Đại Trung Đông” và cuộc chiến chống khủng bố hao tiền tốn của. Trong khi đó, nhờ không phải đương đầu với bất kỳ rào cản lớn nào từ bên ngoài, “người khổng lồ” Trung Quốc dường như đã tỉnh giấc và trỗi dậy trở thành một trong những đối thủ tiềm tàng của chính nước Mỹ. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.    

Tổng thống thứ 45 của “xứ sở cờ hoa” Donald Trump, với con mắt tinh đời của một doanh nhân tỷ phú, ông đã cảm nhận được áp lực và hơi nóng mà Trung Quốc phả vào gáy Mỹ. Tổng thống Trump có lẽ nhận thấy giờ là thời điểm để có những bước đi mới nhằm kiềm chế Trung Quốc và định hình lại bàn cờ địa chính trị vì lợi ích lâu dài của chính nước Mỹ. Ông chủ trương hòa hoãn và cải thiện quan hệ với Nga, mà Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Vladimir Putin-Donald Trump thành công ngoài mong đợi ngày 16/7 tại Helsinki (Phần Lan) là một minh chứng. Song song với đó, Tổng thống Trump mở một mặt trận mới đó là cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc.     

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để nắm giữ vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới cả thập kỷ với Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) hơn 12.000 tỷ USD năm 2017 và chỉ đứng sau Mỹ (GPD hơn 20.000 tỷ USD). Theo Nhật báo Phố Uôn, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 1 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc sẽ soán ngôi nền kinh tế số một thế giới của Mỹ trước năm 2030. Với qui mô kinh tế lớn như vậy, không khó để thấy rằng các quyết định “ăn miếng trả miếng” áp thuế suất trừng phạt trị giá vài trăm tỷ USD giữa Washington và Bắc Kinh chỉ là “nghi binh”, là màn khởi động trong cuộc chiến chính trị của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, cuộc chiến chính trị núp bóng xung đột thương mại của Nhà Trắng không nhằm mục tiêu gì khác ngoài việc muốn củng cố vững chắc hơn trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Không phải trật tự thế giới hiện nay không đem lại lợi ích cho nước Mỹ, mà vấn đề ở chỗ là trật tự thế giới đó mang lại lợi ích cho một số nước khác nhiều hơn là cho Mỹ, mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Để đối phó với “Rồng”, “Đại bàng” triển khai bước đi đầu tiên là áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Đây là cú đấm trực diện vào "Made in China 2025", một kế hoạch tầm chiến lược được Trung Quốc công bố tháng 5/2015 nhằm “lên đời” toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là một mối đe dọa thực sự đối với vị thế dẫn đầu về công nghệ cao của Mỹ. Theo kế hoạch này, tới năm 2025 Trung Quốc sẽ là nhà sản xuất số 1 thế giới về hàng loạt sản phẩm công nghệ cao như hàng không vũ trụ, thiết bị tối tân dành cho quốc phòng. Do vậy, nhiều sản phẩm mà Mỹ tập trung đánh thuế cao nằm trong danh sách các ngành nghề được nhắm tới trong “Made in China 2025”. Mỹ thực sự đã thức tỉnh và nhìn thấy nguy cơ bị hạ bệ khi “Bắc Kinh không giấu tham vọng biến công xưởng thế giới thành trung tâm thế giới về công nghệ”, vị trí mấy thập kỷ qua thuộc về Mỹ.     

Cú ra đòn thứ hai của “Đại bàng” là nhằm vào kế hoạch “Vành đai, con đường” - chiếc thòng lọng cho vay tài chính và được giới chuyên gia coi là “cái bẫy nợ” của Trung Quốc. Đây là dự án giàu tham vọng nhằm thế chân Mỹ trở thành “nhà lãnh đạo” tại khu vực và thế giới. Để ứng phó với tham vọng của Bắc Kinh, Mỹ đã đưa ra kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực mang tên "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Chủ trương của Chính quyền Tổng thống Trump đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới nghị sĩ Đồi Capitol.

Một số người trong giới tinh hoa Trung Quốc nói rằng Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong hơn 40 năm qua tấn công Trung Quốc đồng thời trên cả 3 mặt trận: kinh tế, chính trị và ngoại giao. Cuộc chiến thương mại mới chỉ bắt đầu, hai bên có lẽ vẫn còn nhiều “đòn chí mạng” chưa xuất chiêu. Mỹ đang chiếm ưu thế, song còn quá sớm để khẳng định Mỹ hay Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Tuy vậy, có một điều chắc chắn là cuộc chiến đang và sẽ định hình lại quan hệ không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà có có thể định hình lại bàn cờ địa chính trị khu vực cũng như thế giới.

Thanh Tuấn