09:11 11/09/2016

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục lan rộng với quy mô lớn và hình thức hoạt động ngày càng tinh vi và khó lường.

Máy bay do không tặc điều khiển lao vào một trong hai tòa nhà tháp đôi.

15 năm kể từ sau sự kiện kinh hoàng 11/9/2001, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, người dân ở nhiều nơi trên thế giới ngày càng cảm thấy không an toàn.

Trong khi nước Mỹ vẫn đang loay hoay với cuộc chiến chống khủng bố, thì châu Âu đã trở thành mục tiêu chính với hàng loạt vụ tấn công quy mô lớn và bất ngờ. Trung Đông càng trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết và trở thành môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, lật đổ chế độ Taliban,… nhưng Mỹ và phương Tây vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối đe dọa này, thậm chí một nhóm khủng bố mới nguy hiểm và tàn bạo hơn đã xuất hiện, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song mức độ tàn bạo và tư tưởng cực đoan của IS còn nguy hiểm hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận rằng IS là mối đe dọa chưa từng có, nhất là khi tổ chức này đã chiêu mộ được hàng chục nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy ngoài sự tham gia của các nhóm chiến binh bản địa, các tổ chức khủng bố còn thu hút hơn 30.000 chiến binh nước ngoài đến từ 100 quốc gia trên thế giới. IS đã nhanh chóng vươn “vòi bạch tuộc” ra nhiều khu vực trên thế giới, từ Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh, cho tới châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á… Đáng chú ý là những quốc gia vốn được xem là khá an toàn như Đức, Pháp, Bỉ,… thì nay cũng trở thành tâm điểm của nhiều kẻ khủng bố.

IS gieo rắc nỗi sợ hãi cho toàn nhân loại.

Nếu như vụ tấn công 15 năm trước vào nước Mỹ có sự chỉ đạo và được lên kế hoạch tinh vi với nhiều đối tượng tham gia, mục tiêu là những địa điểm mang tính biểu, thì hiện nay khủng bố xuất hiện tại bất kỳ nơi nào, từ quán cafe, tòa soạn báo, siêu thị, bến tàu điện ngầm và ngay cả trên đường phố... Các vụ tấn công ngày càng mang tính bột phát và hình thức tấn công ngày càng đa dạng, có thể là đánh bom, nổ súng, đâm bằng dao và thậm chí là sử dụng xe tải để lao vào đám đông. Số lượng những “con sói đơn độc” đang gia tăng đáng kể. Đây là những kẻ không nằm trong danh sách thành viên của tổ chức khủng bố nào, nhưng lại là những phần tử có tư tưởng chính trị cực đoan, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ phân biệt chủng tộc… Thêm vào đó, sự bùng nổ của mạng xã hội và Internet đã khiến tư tưởng cực đoan ngày càng lan rộng.

Trong khi đó, mặc dù đã suy yếu phần nào, song Al-Qaeda vẫn là mối đe dọa lớn với nhiều “chân rết” ở khắp nơi. Al-Qaeda ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan là bộ phận định hướng tư tưởng cho tổ chức này. Al-Qaeda tại bán đảo Arab là nhánh mạnh nhất, hoạt động chủ yếu ở Yemen với những thủ lĩnh và chiến binh thế hệ mới. Al-Qaeda ở Bắc Phi có chi nhánh ở Algeria, Tunisia và Lybia. Al-Qaeda ở Iraq có mối liên hệ với các chiến binh thánh chiến ở Syria. Ngoài ra, còn một số nhóm khác hoạt động độc lập, nhưng vẫn kêu gọi thánh chiến và “dựa hơi” Al-Qaeda như các nhóm ở Nigeria, Somalia, vùng Caucasus. Tại châu Á, Al- Qaeda đã gây dựng cơ sở để thực hiện âm mưu tấn công các mục tiêu của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. "Bàn tay đen" Al- Qaeda đã vươn đến nhiều nước ở Nam Á, Đông Nam Á và Trung Á, đặc biệt ở các nước có tín đồ Hồi giáo cuồng tín.

Để đối phó IS, kể từ tháng 8/2014, liên minh quốc tế chống IS (với sự tham gia của khoảng 60 nước) do Mỹ đứng đầu đã được thành lập. Nga cũng đã tham gia hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống IS. Hàng tỷ USD đã được phương Tây chi cho những chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Iraq và Syria, hay hỗ trợ cho quân đội chính phủ Iraq và quân nổi dậy Syria trong cuộc chiến chống IS… nhưng cuộc chiến nhằm tiêu diệt tận gốc IS vẫn chưa mang lại kết quả. Vì vậy, dư luận thế giới luôn đặt ra những dấu hỏi lớn về tính hiệu quả thực sự của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động. Sự trỗi dậy của IS cho thấy khủng bố chưa bị đánh bại và cuộc chiến chống khủng bố đã khoác thêm "áo mới”...

Rõ ràng, mối đe dọa khủng bố đang ngày càng phức tạp và khó lường, một số địa bàn trọng điểm của chủ nghĩa khủng bố đang dần rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Nếu như Al Qeada muốn hòa mình vào các phong trào địa phương và giúp những kẻ đó tấn công những "kẻ thù" ở phương Tây thì IS đang thể hiện rõ tham vọng nguy hiểm là thành lập một nhà nước Hồi giáo và giành lấy quyền lực.

Thực tế cho thấy những xung đột, mâu thuẫn về hệ giá trị và lợi ích giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo vẫn rất sâu sắc, chưa có dấu hiệu về sự hòa giải. Cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ và phương Tây đang theo đuổi sẽ tiếp tục tạo ra các nhóm khủng bố mới. Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ thù hận, từ tư tưởng cực đoan, mà nguồn gốc là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần có những giải pháp bền vững hơn, xóa bỏ bất công, bình đẳng, khi đó mới có thể xóa bỏ được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố.

Trần Thanh Bình