05:18 30/05/2020

Cuộc chiến chống sạt lở ở Cần Thơ - Bài cuối: Cuộc sống hồi sinh

Trong số hàng trăm điểm sạt lở tại Cần Thơ thì điểm sạt lở ở vàm Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn) có thể nói là đặc biệt nhất bởi bờ sông ở khu vực này bị sạt lở liên tiếp hai lần trong 2 năm.

Hai trận sạt lở này đã ảnh hưởng trực tiếp tới 44 căn nhà ven sông Ô Môn, gây thiệt hại tài sản hơn 30 tỷ đồng. Trở lại vàm Thới An trong một buổi chiều cuối tháng Năm, chúng tôi chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu ở nơi từng tan hoang vì cơn giận của “hà bá” hai năm trước. Tuyến kè kiên cố dài 430 m với kinh phí hơn 50 tỷ đồng hoàn thành vào cuối năm 2019 đã đem lại cuộc sống mới cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở trên tuyến sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, ngày 21/5/2018. 

Cuộc sống mới

Gặp ông Trần Văn Phong (74 tuổi, ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn) khi ông đang đứng trò chuyện với người bạn hàng xóm trên bờ kè. Ông Phong chia sẻ, dù đối mặt hai lần sạt lở nhưng ông cũng như người dân ở vàm Thới An đều muốn tiếp tục được sống ở mảnh đất mà họ đã gắn bó hàng chục năm. Ông bày tỏ sự cảm kích với lãnh đạo thành phố Cần Thơ cùng chính quyền địa phương đã kịp thời khắc phục hậu quả sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất khi căn nhà tường mới xây hơn nửa tỷ đồng bị cuốn xuống sông, ông Nguyễn Chí Đức (khu vực Thới Lợi, phường Thới An) cho biết, sau khi bờ kè hoàn thành, ông đã xây dựng lại xưởng may của gia đình như trước. Nhà cửa, công việc ổn định trở lại, giờ đây cứ mỗi chiều chiều, ông Đức lại thong thả chở cháu ngoại trên chiếc xe máy chạy dọc bờ ké hóng gió.

“Tôi cũng như bà con ở đây rất biết ơn Nhà nước đã cho xây dựng bờ kè này. An cư là điều ai cũng mong muốn, nếu không có công trình này thì cuộc sống của người dân không biết phải làm sao”, ông Đức cảm kích nói. 

Hiện tại, các hộ dân ở vàm Thới An đã có thể yên tâm sinh sống như trước kia. Bờ kè không chỉ bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân mà còn trở thành nơi vui chơi, thư giãn cho cả trẻ em và người lớn khu vực này. 

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, vụ sạt lở ở vàm Thới An là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất tại thành phố Cần Thơ trong những năm gần đây, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.

Trung ương sau đó đã hỗ trợ thành phố Cần Thơ thi công tuyến kè chống sạt lở ở đoạn này, khởi công đầu năm 2019 và hoàn thành vào tháng 12 cùng năm. Theo ông Ninh, công trình đã góp phần rất lớn vào hiệu quả mục tiêu của dự án là chống sạt lở, kết hợp thêm một số hạng mục của địa phương đã tạo nên bộ mặt mới khang trang hơn, góp phần bố trí ổn định lại dân cư ở các vùng sạt lở. Người dân được di dời đến nơi an toàn và được hưởng các chính sách hỗ trợ đền bù, tái định cư theo đúng quy định.

Chung tay phòng chống

Bên cạnh tuyến kè sông Ô Môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ còn đang được UBND thành phố giao 2 dự án kè chống sạt lở là kè sông Bình Thủy (đoạn chợ Rạch Cam) dài 1,3 km với kinh phí hơn 94 tỉ đồng và kè rạch Cái Sơn thuộc hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy dài 2,8 km với kinh phí 288 tỉ đồng. Cả hai công trình đều được dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Chỉ huy thi công gói thầu số 3 Dự án kè rạch Cái Sơn, ông Đặng Trung Dũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị thi công đã sắp xếp đội ngũ công nhân, thời gian làm việc một cách hợp lý, thi công cả ngày lẫn đêm. Nhờ vậy, đến nay đã hoàn thành được hơn 52% khối lượng của gói thầu. 

Theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, đơn vị đang tăng cường giám sát, đôn đốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án xây dựng hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, tập trung các nhà thầu cùng phương tiện, nhân lực triển khai thi công các hạng mục quan trọng trong thời điểm mùa khô năm 2020. 

Bên cạnh giải pháp công trình, để chủ động phòng, chống sạt lở trên địa bàn trong thời điểm này, nhất là khi chuẩn bị bắt đầu mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ xác định phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, phòng là chính nên đã ban hành các văn bản đề nghị các quận, huyện luôn nắm chắc tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực địa để nắm các điểm có nguy cơ sạt lở, nhanh chóng thông tin, tổ chức di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. 

Đối với các điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, không thể xử lý bằng các giải pháp truyền thống, phi công trình thì Ban sẽ kiến nghị với UBND thành phố thực hiện giải pháp công trình. Còn các vụ sạt lở bình thường, tại các tuyến kênh rạch nhỏ thì sẽ áp dụng hình thức nhà nước, nhân dân cùng làm, chung tay phòng, chống sạt lở.

Với các điểm đã sạt lở, để tìm hướng khắc phục, UBND thành phố Cần Thơ đã mời đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tiến hành đo đạc, khảo sát chi tiết từng nơi để tìm phương án khả thi. 

Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, các vụ sạt lở ở Cần Thơ có nhiều điểm chung. Trước hết vì áp lực đất đai ở đô thị nên người dân sinh sống rất gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn nên tạo điều kiện cho sạt lở xảy ra. Đặc điểm thứ hai là phần lớn những khu vực này có nền đất rất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất mà người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Yếu tố thứ ba là do điều kiện tự nhiên, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.

“Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân không xây dựng nhà cửa hoặc công trình kiên cố lên bờ sông, khai thác cát không theo quy hoạch sẽ dễ gây sạt lở. Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp dân gian với những vật liệu có sẵn ở địa phương để phòng ngừa sạt lở trên diện rộng với kinh phí ít tốn kém nhất”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ Nguyễn Quí Ninh cho biết.

Bài và ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)