09:06 23/09/2017

Cuộc chiến chống 'cát tặc' chưa hết nóng

Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên toàn quốc. Với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, vấn nạn này chỉ tạm thời lắng xuống rồi lại “bùng lên”. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu những quy định pháp luật và chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe?

Nhiều vụ "cát tặc" 

Cuộc chiến chống “cát tặc” dường như chưa bao giờ hết nóng. Những dòng sông khắp cả nước bị moi ruột từng ngày từng giờ, từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên cho đến đồng bằng sông Cửu Long, nạn khai thác cát trái phép đã gây rất nhiều hệ lụy, nhiều gia đình sau một đêm đã mất trắng ruộng vườn, nhà cửa...

Hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, câu chuyện tại Hải Dương là một ví dụ, tình trạng “cát tặc” hoành hành trên xã Thái Tân, Nam Sách (Hải Dương) đã diễn ra từ nhiều năm. Dù bị công an đuổi, tịch thu tàu, xử phạt hành chính xong các đối tượng này lại tiếp tục khai thác cát trái phép. Việc này đã gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân vô cùng bức xúc, bất an.

Người dân nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh, nhưng nạn “cát tặc” vẫn diễn ra, không còn cách nào khác, người dân tại đây phải lập chòi canh, góp tiền mua thuyền, cắt cử người ứng trực để giữ đất, giữ đê, góp sức cùng công an xã. Việc này đã phần nào ngăn chặn việc khai thác cát trái phép, thế nhưng sau khi một vài tàu bị bắt, một nhóm đối tượng xăm trổ, xã hội đen vào làng đe dọa người dân, thậm chí còn đổ xăng đốt cửa...

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Bắc Ninh, khi vào tháng 3/2017, sau khi đề nghị tạm dừng các dự án khai thác cát trên sông Cầu vì lo ngại việc này dẫn đến bờ bãi sông đã bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và khiến phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng một số cán bộ đã bị gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. Việc này khiến tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Công khai các đơn vị khai thác cát để người dân giám sát

Thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4, Cục Cảnh môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, trong gần 1 năm trở lại đây, toàn bộ lực lượng công an phát hiện 2.789 trường hợp khai thác cát trái phép, thu giữ trên 1.000 tàu, gần 7.000m3 cát nộp ngân sách nhà nước 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xử lý thì một số nơi các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại.

Nguyên nhân của vấn đề này theo ông Thao là do quy định của pháp luật hiện hành, xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép là không thể. Vi phạm trong khai thác cát trái phép chỉ có thể xử lý hành chính, chuyển sang khởi tố là điều hết sức khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn.

Cùng đó, việc xử lý tàu vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, xử lý tang vật là phải tịch thu nhưng thực tế thông thường cả gia đình, vợ chồng con cái đều sinh sống ở trên thuyền nên gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, dù có tiến hành thu các phương tiện như máy bơm, vòi hút nhưng chỉ một thời gian sau các đối tượng lại hoạt động trở lại. 

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, hệ thống pháp luật của ta có lỗ hổng rất lớn. Theo Luật khoáng sản, việc cấp phép thuộc cấp tỉnh nhưng ngành giao thông lại có quyền cho nạo vét luồng lạch, một lúc nào đó lấn sang đi lấy cát và thực tế đã xảy ra.

GS Đặng Hùng Võ cho biết thêm, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra gần như ở khắp nơi bởi có thể cát mang lại nguồn lợi khá lớn.

“Vậy liệu đứng đằng sau khai thác trái phép này có nhóm lợi ích không, nói cách khác liệu chính quyền địa phương có đứng sau không? Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi này, bởi tình trạng khai thác diễn ra nhưng nhiều nơi chính quyền làm ngơ”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.

Còn ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, khai thác trái phép do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính xuất phát từ nội tại. Cát sỏi lòng sông có nơi giáp ranh 2 hay nhiều tỉnh. Việc khai thác cát, sỏi lòng sông cũng đơn giản, có thể hoạt động bất kỳ lúc nào, đặc biệt là ban đêm, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác nên nếu không có cơ chế phối hợp thì khó xử lý. 

“Việc xử lý người đứng đầu còn nhẹ chưa kiên quyết, đặc biệt là cấp xã. Khai thác cát không chỉ là ở lòng sông mà thuyền phải cập tại bến bãi, mà bến bãi do xã quản lý”, ông Thanh cho biết.

Đề xuất giải quyết vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần công khai doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại trụ sở UBND xã. Cùng đó, lực lượng giám sát, nên giao cho ngành tài nguyên và môi trường từ cấp bộ đến cấp sở và tăng cường vai trò giám sát của người dân.

Một số chuyên gia bày tỏ ý kiến nên học tập kinh nghiệm nước ngoài, nhiều nước đã khoanh vùng để quản lý. Hiện có khoảng có 50 quốc gia áp dụng hình thức này.
Trung Hiếu/Báo Tin Tức