12:08 16/12/2013

Cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí của Đế quốc Anh - Kỳ I: Súng trong quan tài

Quân đội Anh làm đủ mọi cách để chặn đứng dòng vũ khí chảy vào Afghanistan - một thế giới ngầm nơi các lái buôn vũ khí thỏa sức cung cấp hàng chợ đen cho quân nổi dậy.

Quân đội Anh làm đủ mọi cách để chặn đứng dòng vũ khí chảy vào Afghanistan - một thế giới ngầm nơi các lái buôn vũ khí thỏa sức cung cấp hàng chợ đen cho quân nổi dậy. Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện của thời điểm hiện tại mà là những gì đã diễn ra từ một thế kỷ trước ở cùng khu vực biên giới vô chính phủ của quốc gia Tây Nam Á ngày nay.


Kỳ I: Súng trong quan tài


Vùng đất hiểm trở cung cấp nơi ẩn náu cho phiến quân Hồi giáo ngày nay ở biên giới giữa Afghanistan và Pakistan chính là khu vực đồi núi khét tiếng mang tên North-West Frontier của 100 năm trước. Trong suốt thế kỷ thứ 19, cuộc xung đột dai dẳng ở North-West Frontier là một phần trong “Ván cờ Lớn” chứng kiến cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa đế chế Nga và đế quốc Anh, trong đó người Anh lo ngại Nga xâm lược Ấn Độ qua ngả Afghanistan.

 

Các chiến binh bộ lạc Pathan


Trên thực tế, người Nga đã chiếm được các nhà nước Hồi giáo ở Trung Á và sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ lợi dụng cuộc xung đột đang tiếp diễn ở North-West Frontier để đoạt lấy “quân cờ” chủ chốt từ tay Nữ hoàng Victoria. Nhưng đó chỉ là điều huyễn hoặc mà phần nhiều sẽ được một số nhân vật bên trong các câu lạc bộ ở London lấy làm cái cớ để gia tăng chi tiêu mua sắm vũ khí ở Ấn Độ, bởi thực chất ảnh hưởng của Nga đối với người dân trong khu vực này là không đáng kể. Khu vực biên giới bất ổn là do chính các bộ lạc và sự thèm khát vũ khí của họ gây ra, và đến đầu thế kỷ thứ 20, họ lại lấn lướt người Anh nhờ việc nhập khẩu các loại súng trường hiện đại có độ chính xác cao.


Các nhóm bộ lạc ở khu vực chìm trong xung đột mà ngày nay là Afghanistan này, trên thực tế chủ yếu là người Pathan, bên cạnh các nhóm thiểu số Afridi, Wazir và Mahsud. Sống ở vùng rìa của Đế chế Anh, họ định cư trên một khu vực núi non khô cằn và phải dựa vào sự lanh lợi cùng với vũ khí để kiếm ăn. Từ nhiều thế kỷ qua, họ chủ yếu làm sơn tặc, cướp phá những người láng giềng của mình. Đến năm 1900, trời ban cho họ một lợi thế lớn khi địa bàn của họ nằm ngay sát biên giới của một thuộc địa của Đế quốc Anh, tức là, họ có thể làm lợi từ việc buôn lậu vũ khí đến và ra khỏi Ấn Độ.


Người Pathan không phải lúc nào cũng trút sự giận giữ của mình lên những kẻ ngoại đạo, mà chủ yếu là nhằm vào nhau khi các bộ lạc và gia tộc thù địch tranh giành quyền thống trị khu vực và tìm cách vơ vét tận lực từ hoạt động cướp phá. Tuy nhiên, như một viên Cao ủy Anh từng lưu ý “đối với một người Pathan thì một khẩu súng trường giống như là hơi thở của anh ta theo đúng nghĩa đen. Ví dụ, nếu tôi có một khẩu súng và kẻ thù của tôi không có gì trong tay, thì anh ta buộc phải trang bị một khẩu nếu không anh ta sẽ phải tự đào hố chôn mình. Anh ta không có sự lựa chọn nào khác”. Chính nhu cầu vũ khí đó đã khiến hầu hết người Pathan luôn sống trong cảnh bần cùng, bởi tiền thừa họ dùng để mua súng đạn.


Nhu cầu mua súng trường hiện đại do châu Âu sản xuất của người Pathan được đáp ứng trước hết bởi một mạng lưới buôn lậu xuyên biên giới từ Ấn Độ hoặc những kẻ lấy cắp từ các kho vũ khí của Quân đội Ấn Độ. Và theo một phóng viên thực địa thì “quan tài là phương tiện hữu hiệu để vận chuyển súng qua biên giới mà không mang bất cứ dấu hiệu khả nghi nào”. Ở Calcutta, súng được buộc dưới các xe chở hàng đến Peshawar, rồi được người bản địa bí mật lấy ra trên đường vận chuyển. Trong khi đó, đạn được giấu kỹ trong các kiện hàng và chuyển qua khu vực Đèo Khyber.

 

Đèo Khyber năm 1910.


Đôi khi chính binh lính Anh cũng không cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền. Họ bán súng của mình cho các tay lái buôn và kiếm 25 bảng với một khẩu Martini Henry. Năm 1898, một binh nhì có tên Gilchrest thuộc trung đoàn Royal Scots Fusiliers của Quân đội Anh đã bị kết án 2 năm lao động khổ sai về tội bán súng cho một cảnh sát ngầm thuộc lực lượng biên phòng. Chính nhờ hoạt động buôn bán trái phép này mà một số lượng lớn vũ khí cũng được nhập khẩu qua Trung Đông.


Một phóng viên của tờ “London Times” nói: “Một số người cho rằng súng được nhập từ Birmingham hay Bỉ, rồi được chuyển qua Vịnh Persian đến biên giới Ấn Độ. Một số lại nghĩ rằng súng xuất đi từ xưởng của Quốc vương ở Cabul, và có người tin là vũ khí được đánh cắp ở Ấn Độ rồi bán sang bên kia biên giới với giá cắt cổ. Nhưng cho dù mua súng từ nguồn nào thì chắc chắn người Afridi nay đang sở hữu một lượng lớn súng Martini cùng với một kho đạn dường như là vô tận. Họ cũng có khá nhiều khẩu Snider, loại súng có thể gây ra những vết thương khủng khiếp. Trong những chiến dịch gần đây, họ còn thu được 40-50 khẩu Lee-Metfort và sử dụng chúng với hiệu quả bất ngờ”.


Khi Anh siết chặt kiểm soát dòng vũ khí bất hợp pháp từ bên trong Ấn Độ đến North-West Frontier, thì tuyến buôn lậu từ Trung Đông đóng vai trò quan trọng hơn. Tháng 4/1899, George Roos-Keppel, khi đó là Đại úy thuộc Lực lượng Đặc nhiệm ở Thung lũng Kurram (Tây Bắc Pakistan giáp giới với Afghanistan), nói với Chính phủ Ấn Độ rằng ông đã mua hai khẩu Carbine, một được sản xuất tại London và khẩu kia ở Birmingham, từ một thành viên bộ lạc người tuyên bố có thể cung cấp thêm nhiều khẩu nữa.


Những khẩu súng này không phải được đưa tới từ Ấn Độ mà theo một con đường dài hơn, gian nan hơn qua Vịnh Persian. Nhưng việc đó cũng bõ công sức bởi một vũ khí được mua tại cảng Muscat ở Oman có thể bán với giá cao hơn gấp nhiều lần khi nó đến được tay các thành viên bộ lạc Pathan.


Huy Lê


Đón đọc kỳ tới: Những thương vụ béo bở