02:16 23/02/2012

“Cuộc chiến” bản quyền truyền hình bóng đá Chưa có hồi kết

Về phía người hâm mộ, không ít người đặt câu hỏi việc tranh cãi đến cùng vấn đề bản quyền truyền hình của các ông bầu VPF sẽ đưa mùa bóng 2012 đi đến đâu? Đáng ra đây phải là thời điểm họ cần chú trọng nhiều hơn vào công việc điều hành các giải đấu?

Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch(VH,TT&DL), cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty CP viễn thông & truyền thông An Viên (AVG) vẫn chưa kết thúc. Chỉ một ngày sau khi kết luận được công bố, VPF đã ngay lập tức gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ.

“Cuộc chiến” bản quyền truyền hình đang đẩy V.League 2012 vào ngõ cụt.


Theo kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL, việc ký kết hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và AVG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và được pháp luật thừa nhận.

Còn với VPF, việc Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã kết luận chỉ VFF mới có quyền sở hữu và toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức là chưa đúng với pháp luật hiện hành. Viện dẫn rất chi tiết từ Điều lệ của VFF, Luật Thể dục thể thao, Luật Dân sự, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, VPF tái khẳng định VFF không phải chủ sở hữu duy nhất và không có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như nội dung kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL. VPF khẳng định, việc VFF bán cả thương quyền các đội tuyển quốc gia là trái với pháp luật hiện hành về quản lý tài sản Nhà nước. VPF cũng chỉ ra việc bán bản quyền của VFF cho AVG với thời hạn 20 năm là bất hợp lý, dẫn đến những thiệt hại lớn cho bóng đá Việt Nam.

Ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL, VFF đã ký công văn yêu cầu VPF, các CLB, Ban tổ chức các địa phương, các đài truyền hình thực hiện nghiêm túc hợp đồng giữa VFF và AVG. Tại vòng đấu thứ 6 của V.League 2012, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, tất cả các trận đấu đã được truyền hình trực tiếp và có tới 40 đài truyền hình địa phương tiếp sóng các trận đấu phục vụ người hâm mộ.

Về phía người hâm mộ, không ít người đặt câu hỏi việc tranh cãi đến cùng vấn đề bản quyền truyền hình của các ông bầu VPF sẽ đưa mùa bóng 2012 đi đến đâu? Đáng ra đây phải là thời điểm họ cần chú trọng nhiều hơn vào công việc điều hành các giải đấu? Ngay trong nội bộ VPF cũng đã xuất hiện những quan điểm bất đồng khi 3 đại diện của VFF trong HĐQT VPF là ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Viễn - ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF, bà Đinh Thị Thu Trang - ủy viên Hội đồng quản trị VPF đã làm thông báo gửi đến ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF bày tỏ ý kiến tán thành với kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL và không đồng ý với việc VPF tiếp tục khiếu nại vấn đề này đến các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, kể từ khi bước lên lộ trình chuyên nghiệp (năm 2000), mới chỉ hơn 10 năm nhưng bóng đá Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn từ công tác quản lý, điều hành cùng việc đầu tư của các ông bầu nhằm cải thiện thành tích của đội bóng. Mùa giải 2012 này cũng có sự thay đổi lớn khi VPF ra đời để thay cho VFF điều hành các giải đấu chuyên nghiệp trong nước theo mô hình doanh nghiệp. Với VPF, đây là mùa giải đầu tiên đơn vị này đứng ra quản lý, điều hành các giải bóng đá trong nước, đương nhiên có quyền tiếp tục khiếu nại về vụ việc, nhưng trước khi có những kết luận khác, cần phải tuân thủ theo kết luận của Thanh tra Bộ VH,TT&DL. Bên cạnh đó, để điều hành tốt các giải bóng đá trong nước, VPF với tư cách thành viên của VFF cũng cần sớm hoàn thiện những thủ tục pháp lý cần thiết, trong đó có cả việc ký hợp đồng giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VFF giao cho VPF). Và nếu các giải bóng đá trong nước do VPF tổ chức có chất lượng chuyên môn được cải thiện, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, chắc chắn, giá trị bản quyền truyền hình sẽ được tăng lên, chứ không dừng ở mức hiện tại.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL khẳng định: "Việc bản hợp đồng này có thích hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam hay không, có thỏa mãn các thành viên trong VFF hay không thì phải do VFF, AVG và các CLB tự ngồi lại với nhau để giải quyết". Đó chính là điểm mấu chốt lớn nhất trong cuộc tranh chấp này - tìm ra tiếng nói chung giữa các bên liên quan vì sự phát triển chung của bóng đá nước nhà và quyền lợi của người hâm mộ.

Yến Nhi