08:18 29/08/2012

Cuộc chiến Apple-Samsung, chỉ người tiêu dùng là thiệt

Cuối tuần trước, cuộc chiến bản quyền giữa hai “ông lớn” của làng công nghệ thế giới là Apple và Samsung nhằm thống trị thị trường điện thoại di động thông minh, trị giá 219 tỷ USD theo ước tính của Bloomberg Industries, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhãn hiệu “Quả táo”.

Cuối tuần trước, cuộc chiến bản quyền giữa hai “ông lớn” của làng công nghệ thế giới là Apple và Samsung nhằm thống trị thị trường điện thoại di động thông minh (smartphone), trị giá 219 tỷ USD theo ước tính của Bloomberg Industries, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhãn hiệu “Quả táo”.

Cuộc chiến giữa hai “ông lớn”

Apple đã đệ đơn lên tòa án kiện Samsung vi phạm 7 bằng sáng chế trên điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad vào tháng 4/2011.

Trong đơn kiện của mình, Apple đòi Samsung phải bồi thường 2,5 tỷ USD, trong đó khoảng 2 tỷ USD là số tiền mà Apple yêu cầu Samsung chia phần trăm lợi nhuận từ các sản phẩm mà hãng chế tạo iPhone cho rằng đã vi phạm bằng sáng chế của hãng.

 

   



   
Không chịu đầu hàng trước “Quả táo”, Samsung đã phản pháo khi cáo buộc hãng di động Mỹ xâm phạm bản quyền của mình. Cuộc chiến đã lan rộng sang cả 4 châu lục, trong đó đã có hàng loạt đơn kiện giữa hai bên chuyển lên tòa án tại Mỹ, Anh, Ôxtrâylia và Hàn Quốc.

Hôm 23/8, một toà án của Hàn Quốc đã kết luận cả Samsung và Apple đều vi phạm bằng sáng chế của nhau. Tòa án nước này yêu cầu Samsung ngừng bán 10 mẫu sản phẩm, trong đó có Galaxy S II, trong khi Apple cũng bị cấm bán 4 dòng sản phẩm tại Hàn Quốc, trong đó có iPhone 4.

Tuy nhiên, bản án tại Mỹ - thị trường công nghệ lớn nhất và ảnh hưởng nhất thế giới - đã mang lại chiến thắng quan trọng nhất cho Apple.

Chỉ một ngày sau đó, tại phòng xử án ở San Jose (bang California, Mỹ), bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết khẳng định Samsung vi phạm 6 trong 7 bằng sáng chế di động của iPhone và iPad và buộc hãng điện tử Hàn Quốc phải bồi thường hơn 1,05 tỷ USD cho “Quả táo”.

Thừa thắng, ngày 27/8 Apple đã ra yêu cầu Samsung phải thu hồi 8 mẫu smartphone đang bán tại thị trường Mỹ, gồm Galaxy S 4G, Galaxy S2 AT&T, Galaxy S2 Skyrocket, Galaxy S2 T-Mobile, Galaxy S2 Epic 4G, Galaxy S Showcase, Droid Charge, Galaxy Prevail "để giải quyết một phần những thiệt hại không thể khắc phục được ngay lập tức đang khiến Apple phải thua thiệt".

Trong đơn khiếu nại, Apple không liệt kê Galaxy Tab 10.1, mẫu máy tính bảng của Samsung mà ban bồi thẩm phát hiện đã vi phạm ba bằng sáng chế về tính năng của Apple. Tuy nhiên, Apple cho biết họ vẫn muốn phiên bản 4G của mẫu máy tính bảng này bị đưa vào lệnh cấm.

Dường như chưa từ bỏ tham vọng “lật ngược thế cờ”, Samsung đang nuôi ý định sẽ kiện ngược Apple và quyết tâm sẽ theo đuổi tới cùng.

Bản tin nội bộ được ban quản trị Samsung gửi đến toàn thể nhân viên vừa bị rò rỉ viết: “Phán quyết của tòa án tại Mỹ đã đi ngược lại phán quyết của tòa án một số nước khác như Anh, Hà Lan, Đức và Hàn Quốc…, nơi tòa đã tuyên bố rằng sản phẩm của Samsung không sao chép kiểu dáng của Apple. Chúng tôi tin tưởng rằng người tiêu dùng và thị trường sẽ đứng về phía những người ưu tiên sự đổi mới, hơn là các vụ tranh chấp. Và chúng tôi sẽ chứng minh điều này và vượt qua mọi nghi ngờ”.

Chưa rõ Samsung sẽ quyết đấu với Apple như thế nào, nhưng trước mắt hãng đã thiệt hại thêm 12 tỷ USD do cổ phiếu rớt giá thê thảm sau thất bại trong vụ kiện lịch sử.

Thiệt thòi cho người tiêu dùng

Theo một số chuyên gia phân tích, chiến thắng của Apple trước Samsung trong cuộc chiến bản quyền có thể coi là một thất bại đối với người tiêu dùng.

Chính Samsung tuyên bố: “Bản án không thể được coi là chiến thắng của Apple mà là sự mất mát đối với người tiêu dùng Mỹ. Phán quyết sẽ khiến người Mỹ ít có lựa chọn hơn, sản phẩm ít được cải tiến công nghệ hơn và có lẽ giá sẽ cao hơn".




Phó Giáo sư luật Brian Love từ trường Đại học Santa Clara nhận định: chiến thắng này một lần nữa đánh dấu sự thống trị của Apple trên thị trường điện tử toàn cầu.

Cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng ít đi vì gần như chỉ có khả năng mua các sản phẩm máy tính bảng và smartphone của Apple thay vì được lựa chọn thêm các dòng sản phẩm Galaxy của Samsung hay các sản phẩm khác của HTC.

Xét ở quy mô lớn hơn, ông Love tin rằng đây là vụ kiện hệ thống bằng sáng chế chống lại lợi ích xã hội.

Trên thực tế, các chuyên gia coi phán quyết của Tòa án Mỹ là đòn tấn công gián tiếp vào Google - nhà sản xuất Android, hệ điều hành chính trong các thiết bị của Samsung và được sử dụng nhiều nhất trên smartphone để cạnh tranh với iPhone của Apple.

Từ đây tương lai của Android có thể sẽ được định hình lại. Lúc sinh thời Giám đốc điều hành Steve Jobs, bạn một thuở của những người đồng sáng lập Google, đã coi bước lấn sân của Google là sự phản bội đáng phải báo thù. Ông cũng từng tuyên bố: “ Tôi sẽ phá hủy Android bởi đó là sản phẩm bị đánh cắp. Tôi sẵn sàng gây chiến với nó”.

Trong khi đó, dường như để trấn an các đối tác đang sử dụng nền tảng của mình, Google đã tuyên bố những bản quyền vi phạm của Samsung không “liên quan đến cốt lõi hệ điều hành Android”.

Ngoài ra, hàng triệu USD tiền án phí lẽ ra có thể được đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Hơn thế nữa, chính Apple có thể bị tổn hại bởi sự triệt hại đối thủ sẽ dẫn tới sự độc quyền, "bóp nghẹt" sức sáng tạo đối với sản phẩm và từ đó ảnh hưởng tới lợi ích của khách hàng dùng smartphone.

Nhưng dù sao, một cánh cửa cơ hội đang mở ra cho Microsoft, Nokia và RIM trong cuộc đua trên thị trường smartphone. Mặc dù đã có những hợp đồng hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại Android, trong đó có Samsung, nhưng gã khổng lồ phần mềm vẫn chưa thuyết phục được nhiều hãng di động sử dụng hệ điều hành Windows Phone của mình. Trong khi RIM cũng đang cố gắng đổi mới nền tảng di động của mình bằng phiên bản BlackBerry10 sẽ ra mắt vào đầu năm tới.

Nghịch lý

Theo tờ Le Monde, bên ngoài cuộc chiến này, Samsung và Apple lại là bạn hàng hàng đầu của nhau. Samsung là nhà sản xuất chip nhớ và màn hình tinh thể lỏng (LCD) lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều linh kiện quan trọng cho các sản phẩm bán chạy nhất của Apple.

Apple là khách hàng số một của Samsung, với các đơn đặt hàng trị giá 8,8% thu nhập của Samsung, với khoảng 7,5 tỷ USD đơn đặt hàng trong năm ngoái.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, năm nay Apple đã chi 7,5 tỷ USD mua chip xử lý Samsung trang bị cho các dòng điện thoại và máy tính bảng của mình, tăng 60% so với năm 2011.

Các phân tích về ngành cung ứng từ Bloomberg cũng cho thấy Apple là khách hàng lớn nhất của Samsung, 9% doanh thu của Samsung đến từ Apple. Trong quý II, hãng điện tử Samsung nắm giữ 35% thị trường smartphone toàn cầu, Apple theo sau với 18%. .

Theo nhiều nhà phân tích, Apple khó có thể thay thế ngay lập tức nhà cung cấp linh kiện, bởi vì nếu ngừng nhập hàng từ Samsung, thì Apple sẽ bị mất thị phần trong cuộc cạnh tranh điện thoại di động.

Trong khi đó, như một điều trớ trêu của lịch sử, chính các đơn đặt hàng của Apple lại giúp Samsung đầu tư ồ ạt vào thị trường smartphone mà hãng đang dẫn đầu.

Hiện tại, Samsung đứng đầu về điện thoại di động và smartphone, trong khi Apple nắm đến gần 70% thị phần máy tính bảng toàn cầu.


TTXVN/ Tin Tức