04:13 20/04/2021

Cuộc chạy đua vũ trang đang nóng lên giữa hai miền Triều Tiên

Từ lâu, Triều Tiên và Hàn Quốc đã lao vào các trận chiến tuyên truyền nảy lửa cũng như cạnh tranh nhiều lĩnh vực, thậm chí cả việc nước nào có thể xây cột cờ cao hơn trên biên giới của họ.

Giờ đây, hai đối thủ đang lao vào một cuộc cạnh tranh mới với tính chất nguy hiểm cao hơn: chạy đua vũ trang. Mới đây, giấc mơ chế tạo máy bay chiến đấu siêu thanh của Hàn Quốc đã thành hiện thực khi nước này trình làng chiếc KF-21, được phát triển trong dự án trị giá 7,8 tỷ USD. 

Hàn Quốc cũng vừa tiết lộ kế hoạch mua hàng chục trực thăng chiến đấu mới của Mỹ. Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in khi đến thăm Cơ quan Phát triển Quốc phòng của Bộ Quốc phòng năm 2020 đã tuyên bố nước này phát triển một tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể mang một trong những đầu đạn lớn nhất trên thế giới.

Chú thích ảnh
Triều Tiên và Hàn Quốc đã sa vào một cuộc chạy đua vũ trang kéo dài. Ảnh minh họa - Reuters

Tờ New York Times đưa tin, khác Triều Tiên, Hàn Quốc không có kho vũ khí hạt nhân. Nhưng trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã gia tăng chi tiêu quân sự, mua sắm máy bay phản lực tàng hình của Mỹ và gia tăng sức mạnh cho các tên lửa thông thường có khả năng nhắm tới các cơ sở tên lửa và boongke của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã coi những động thái trên của Seoul làm lý do cho việc mở rộng kho vũ khí riêng, đồng thời đe dọa sẽ trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa tầm ngắn để khó bị đánh chặn hơn.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước này đang gây nguy hiểm cho nền hòa bình mong manh trên Bán đảo Triều Tiên. Nhà phân tích Jang Cheol-wun làm việc tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Khi cả hai bên hành động và phản ứng thông qua việc xây dựng kho vũ khí nhân danh bảo vệ quốc gia, nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn mà cuối cùng sẽ phá hoại khả năng phòng thủ và làm tồi tệ thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh của họ”.

Hai miền Triều Tiên đã bị kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang liên miên. Năng lực hạt nhân ngày càng tăng của Bình Nhưỡng, cùng với nỗi sợ hãi về việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã làm gia tăng những căng thẳng đó.

Nhà nghiên cứu Yoon Suk-joon của Viện Quân sự Hàn Quốc cho biết kể từ khi nắm quyền, Tổng thống Moon Jae-in đã tăng chi tiêu quân sự của Hàn Quốc lên mức trung bình 7%/năm, so với mức trung bình 4,1%/năm của người tiền nhiệm. Sau khi thất bại trong việc sử dụng biện pháp ngoại giao thất để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, ông Moon đã trấn an người dân Hàn Quốc rằng đất nước của họ không hề ở thế yếu hoặc dễ bị tấn công. 

Ngay sau chuyến thăm của ông Moon tới Cơ quan Phát triển Quốc phòng, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin rằng vũ khí mà ông nói đến là Hyunmoo-4, một loại tên lửa đã được thử nghiệm vào năm ngoái. Theo các chuyên gia tên lửa, tên lửa Hyunmoo-4 có thể bay 497 dặm (khoảng 800km), đủ để nhắm tất cả các mục tiêu tất trên lãnh thổ Triều Tiên.

Với khả năng mang đầu đạn nặng tới 2 tấn - lớn bất thường đối với một tên lửa tầm ngắn - tên lửa này có thể phá hủy các căn cứ tên lửa ngầm của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tên lửa, Hàn Quốc có thể sẽ cần vũ khí hạt nhân xuyên đất từ Mỹ để phá hủy các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất như vậy.

Ngược lại, phía Triều Tiên cũng phóng một tên lửa đạn đạo mới do chính nước này sản xuất và cho biết loại tên lửa này có tầm bay 372 dặm (khoảng 600km) với một đầu đạn nặng 2,5 tấn vào hôm 25/3. Vụ thử vũ khí của Triều Tiên khiến ông chủ Nhà Xanh ngay ngày hôm sau phải tuyên bố rằng Hàn Quốc có năng lực tên lửa tầm cỡ thế giới, đủ để tự vệ trong khi vẫn tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. (Xem video giới thiệu máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc tự sản xuất. Nguồn: Ariang News)

Mỹ đã cố gắng ngăn chặn phổ biến tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Theo bản hướng dẫn được cả Washington và Seoul chấp thuận vào năm 1979, Hàn Quốc bị cấm phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn hơn 300km và mang tải trọng khoảng 500kg. Sau khi Triều Tiên tấn công một hòn đảo của Hàn Quốc bằng tên lửa vào năm 2010, Hàn Quốc đã yêu cầu Washington nới lỏng các hạn chế để họ có thể chế tạo các tên lửa mạnh hơn.

Theo ông Chun Yung-woo, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc thời điểm đó, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng rằng chúng tôi có thể đơn phương hủy bỏ các qui định về tên lửa. Chúng tôi nói với phía Mỹ rằng nếu chúng tôi không giải quyết mối lo ngại về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên, ngày càng nhiều người Hàn Quốc kêu gọi chế tạo bom hạt nhân cho chính chúng tôi”.

Năm 2012, Washington đã đồng ý để cho Hàn Quốc triển khai tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 497 dặm (800 km), miễn là chấp nhận giới hạn khối lượng đầu đạn không vượt 1.100 pound (500 kg). Thỏa thuận trên với Mỹ cũng cho phép Hàn Quốc có thể vượt quá giới hạn trọng tải đầu đạn tới vài lần đối với tên lửa có tầm bắn ngắn hơn.

Hàn Quốc kể từ đó đã thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn ngày càng tăng và đầu đạn lớn hơn, bao gồm Hyunmoo-2A, Hyunmoo-2B và Hyunmoo-2C. Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên vào năm 2017, ông Trump đã dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn trọng tải, mở đường cho Hàn Quốc phát triển tên lửa Hyunmoo-4.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, Chủ tịch Kim Jong-un đã cố gắng chế tạo các ICBM có khả năng vươn tới Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng đe dọa sẽ lật ngược tình trạng cân bằng về tên lửa để chống lại Hàn Quốc.

Vào tháng 1 vừa qua, ông Kim cho biết Triều Tiên đã chế tạo tên lửa hạt nhân tầm ngắn nhằm vào Hàn Quốc và cam kết sẽ cải tiến chúng bằng cách làm cho các đầu đạn nhỏ hơn, nhẹ hơn.

Chiến lược ngăn chặn của Hàn Quốc dựa trên niềm tin rằng cơ hội tốt nhất mà họ có để chống lại Triều Tiên mà không có vũ khí hạt nhân là xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường và triển khai các loại vũ khí uy lực để phá hủy các boongke.

Khi Triều Tiên thử ICBM vào năm 2017, Mỹ và Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo của riêng mình để chứng tỏ khả năng “tấn công chính xác cao”.

Trong cuốn sách “Thịnh nộ” (Rage), nhà báo Bob Woodward đã miêu tả tên lửa của Mỹ có thể di chuyển một cách chính xác từ điểm phóng đến vị trí mà ông Kim Jong-un đang chỉ đạo vụ phóng ICBM của Triều Tiên.

Triều Tiên tạm dừng tất cả các vụ thử tên lửa vào năm 2018, thời gian diễn ra hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Sau khi các cuộc đàm phán với Washington sụp đổ, Bình Nhưỡng đã nối lại các cuộc thử nghiệm vào năm 2019, tung ra 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn được thiết kế để chống lại khả năng chống tên lửa của Mỹ và các đồng minh.

Đức Trí/Báo Tin tức