09:16 05/09/2020

Cuộc chạy đua giải mã bí ẩn cái chết của hàng loạt con voi ở Nam Phi

Các nhà khoa học đang đau đầu tìm lời giải về cái chết bí ẩn của hàng trăm con vật tại Bostwana và những trường hợp tử vong mới vừa được phát hiện tại quốc gia láng giềng Zimbabwe.

Chú thích ảnh
Một con voi tử vong Seronga, thuộc vùng đồng bằng Okavango, Botswana. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), đã có hơn 350 con voi chết bí ẩn tại vùng đồng bằng Okavango ở Botswana trong năm nay. Những cá thể này bao gồm mọi lứa tuổi, giới tính. Trong đó, nhiều con trước khi chết xuất hiện triệu chứng đi vòng tròn và gục xuống đất. Sự việc này được các nhà khoa học ví như một “thảm họa bảo tồn động vật hoang dã”. 

Ba tháng sau, hầu hết những con voi còn sống đã bỏ đi. Tuần trước, một chiếc máy bay đã bay qua khu vực Okavango, đã phát hiện chỉ còn 8 con voi ở đó, trong khi thông thường có tới hàng trăm con voi sinh sống tại đây.

“Điều đó có thể dễ hiểu. Tôi chắc chắc bạn sẽ bỏ đi nếu tất cả bạn bè và người thân của chúng ta không còn tồn tại, và đó cũng là những gì loài voi đã làm”, Tiến sĩ Niall McCann, Giám đốc Quỹ bảo tồn Tổ chức Cứu hộ Công viên Quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết.

Nhiều con voi ở nước láng giềng Zimbabwe cũng đang chết dần với triệu chứng tương tự. Tính đến nay, ít nhất 22 con voi đã chết và số lượng dự kiến sẽ tăng. Tiến sĩ Roy Bengis, bác sĩ thú y của vườn quốc gia Kruger, cho rằng việc xét nghiệm xác voi ở Zimbabwe có thể tìm hiểu những gì đã xảy ra ở Botswana, dù không rõ liệu có mối liên hệ giữa hai vụ việc hay không. 

Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân cái chết của những con voi ở Botswana. Xung đột giữa người và voi diễn ra phổ biến ở đồng bằng Okavango, một vùng nông nghiệp có đến 15.000 cá thể voi và 16.000 dân cùng sinh sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã loại trừ khả năng voi bị đầu độc, nhiễm độc xyanua và nạn săn trộm. 

Các nhà nghiên cứu chưa thể đến hiện trường ở Botswana và hầu hết các mẫu vật thu được đều lấy từ xác động vật bắt đầu phân hủy. Thông thường, các mẫu cần được bảo quản trong các điều kiện đặc biệt và nhanh chóng được vận chuyển đến các phòng thí nghiệm quốc tế để xét nghiệm. Tuy nhiên, điều này đã không được thực hiện, dẫn đến việc xuất hiện nhiều suy đoán về các nguyên nhân cái chết của voi. Sau nhiều tháng làm việc, các nhà khoa học đã rút ra hai giả thuyết hàng đầu có thể gây ra hiện tượng voi chết hàng loạt. Đó là những con voi có thể đã bị nhiễm chất độc thần kinh có trong một loại tảo nở hoa, hoặc nhiễm một loại virus ở loài gặm nhấm được gọi là EMC (viêm cơ tim).

Nhiễm độc thần kinh từ tảo nở hoa

Nguồn tin địa phương ước tính rằng 70% voi ở vùng Okavango, Botswana đã tử vong gần những hố nước. Trong đó, nhiều hố nước này chứa một loại tảo màu xanh nở hoa. Độc tố từ tảo ban đầu đã được loại trừ là nguyên nhân tiềm ẩn, vì voi là loài duy nhất tử vong, ngoại trừ một con ngựa. Tuy nhiên,  các chuyên gia nghĩ rằng những con voi có thể dễ nhiễm độc từ loại tảo nở hoa vì chúng dành nhiều thời gian để tắm và và nô đùa dưới nước. 

Chú thích ảnh
Nhiều con voi đã chết một cách bí ẩn tại vùng đồng bằng Okavango ở Botswana. Ảnh: Getty Images

Phần vòi dài của chúng cũng có một số lượng lớn các thụ thể khứu giác và chúng có thể uống hàng trăm lít nước mỗi ngày. Có khả năng, chúng tiếp xúc với nhiều chất độc hơn các loài vật khác. 
Giáo sư Christine Gosden tại Đại học Liverpool, cho rằng chúng có thể nhiễm một loại độc tố vi khuẩn được phát hiện gần đây được tạo ra bởi tảo có tên là BMAA (beta-methylamino-L-alanine).

Bà cho rằng có những điểm tương đồng giữa hành vi của cá voi, cá heo bị sa lưới trước khi chết với triệu chứng những con voi đi vòng tròn trước khi ngã gục xuống. Xét nghiệm sau đó cũng phát hiện độc tố BMAA có trong cá voi và cá heo. 

“Chúng đều là những loài động vật có vú lớn và chúng đang thể hiện cùng một kiểu hành vi. Rõ ràng chúng đang bị mất phương hướng,” bà nói và mô tả sự liên đới này là một “manh mối khổng lồ”.

Trong khi đó, độc tố BMAA cũng đã được tìm thấy trong mô não của những người bị sa sút trí tuệ. 
Độc tố BMAA chủ yếu được phát hiện ở môi trường biển. Nhiều nhà nghiên cứu nghi vấn rằng liệu nó có liều lượng đủ cao để giết một con voi hay không. Tiến sĩ James Metcalf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Hóa học não, một viện nghiên cứu phi lợi nhuận ở thành phố Jackson, bang Wyoming của Mỹ, cho biết nó có thể là một phần của một loại độc tố. 

“Tôi sẽ không ngạc nhiên khi tìm thấy BMAA trong não của voi. Nó có thể là một yếu tố góp phần gây ra cái chết của voi, nhưng nếu không xét nghiệm thì điều đó rất khó khẳng định”, ông Metcalf nói.

Ngựa vằn, linh dương đầu bò, tê giác trắng và loài linh dương Impala đều đã chết vì ăn phải loại tảo độc này nhưng không có tài liệu nào nói về việc voi chết vì độc tố thần kinh trong tảo nở hoa. Điều này có thể là do các nhà nghiên cứu bệnh học và bác sĩ thú y ban đầu không xét nghiệm vi khuẩn lam, và một khi họ quyết định làm như vậy thì thường là quá muộn vì các mô đã xấu đi hoặc tảo đã nở.

Nhiệt độ tăng và các phương pháp canh tác thâm canh đang thúc đẩy sự gia tăng tảo nở hoa ở các con sông, hồ và biển trên khắp thế giới. Voi rất ngây thơ trước mối đe dọa tiềm tàng này khiến chúng dễ bị nhiễm độc. 

“Có rất nhiều bằng chứng thú vị đang dần hé lộ cho thấy việc tiếp xúc với chất độc thần kinh trong môi trường có nhiều tác động đến các loài hơn chúng ta nhận thấy”, ông nói.

Nhiễm virus từ loài gặm nhấm

Việc xác voi nằm gần các hố nước không có nghĩa là nước là nguồn gốc của chất độc. Sau nhiều năm hạn hán kéo dài, vụ mùa ngô và cao lương tại đồng bằng Okavango năm nay được bội thu do những trận mưa muộn vào năm 2020. Điều này có thể đã thu hút những con voi đến những khu đất trồng trọt tìm kiếm đồ ăn. Chúng phóng uế và đi tiểu trên các bụi cỏ khiến loài gặm nhấm sinh sôi. 

Chú thích ảnh
Đàn bò ăn cỏ cạnh xác một con voi đã chết. Ảnh: Handout

Hều hết các loài gặm cỏ đều chỉ ăn phần lá của cỏ, nhưng voi thường ăn cả búi cỏ, bao gồm phân của loài gặm nhấm khiến chúng dễ nhiễm virus EMC. Không giống như chất độc thần kinh, EMC là một mầm bệnh khá nổi tiếng thường ảnh hưởng đến voi trong các vườn thú nơi có nhiều chuột. Đã có một số trường hợp xảy ra ở các vườn thú ở Mỹ và một trường hợp ở Australia khiến 64 con voi tử vong trong vườn quốc gia Kruger từ năm 1993 đến năm 1994.

Giống như chất độc thần kinh có thể gây chết người trong vòng 20 phút, EMC gây ra cái chết nhanh chóng khiến voi gục xuống chân, mặc dù nó có thể ủ bệnh từ 5 đến 10 ngày, vì vậy voi có thể di chuyển quãng đường dài trong thời gian đó. Một số ngựa chết đơn lẻ cũng có thể  là manh mối - không phải một sự trùng hợp - vì ngựa cũng dễ bị EMC.

Tuy nhiên, chính phủ Botswanan đã loại trừ khả năng voi bị nhiễm khuẩn EMC vì không có tổn thương hay bất thường nào được phát hiện trên mô tim của động vật. Tuy nhiên, chưa rõ có bao nhiêu mẫu vật đã được xét nghiệm. 

Các nhà khoa học đang gấp rút tìm ra bí ẩn giúp giảm thiểu những cái chết trong tương lai ở các quần thể voi cô lập hơn, sức chịu đựng kém hơn, vốn không thể chịu đựng được sự mất mát của nhiều cá thể như vậy.

Nếu không có xét nghiệm phù hợp, các nhà nghiên cứu cũng không thể chắc chắn rằng đây không phải là nơi bùng phát dịch bệnh. Nhận thức về nguy cơ của các mầm bệnh mới nổi và tầm quan trọng của việc xét nghiệm dịch bệnh ở động vật hoang dã đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. 

“Nếu đây là một khu vực nhiễm độc, thì có khả năng nó sẽ lây lan sang người dân”, ông McCann nói. Họ đang nỗ lực kêu gọi các nhà chức trách xét nghiệm các mẫu vật sống từ Zimbabwe, cũng như phân của loài gặm nhấm và tảo nở hoa ở đồng bằng Okavango.

Hải Vân/Báo Tin tức