12:23 11/12/2012

Cuộc “cách mạng” xe buýt ở Ulan Bato

Trên các đường phố của thủ đô Ulan Bato (Mông Cổ), người dân vùng thảo nguyên nổi tiếng với tài cưỡi ngựa ngày ngày đang phải đối mặt với những dòng xe hơi ùn tắc với đủ loại thương hiệu như Hummer, Land Cruiser hay Range Rover.

Trên các đường phố của thủ đô Ulan Bato (Mông Cổ), người dân vùng thảo nguyên nổi tiếng với tài cưỡi ngựa ngày ngày đang phải đối mặt với những dòng xe hơi ùn tắc với đủ loại thương hiệu như Hummer, Land Cruiser hay Range Rover. Và xe buýt đường ưu tiên là một trong những giải pháp mới mẻ mà Ulan Bato đang tính đến.

 

Phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Ulan Bato vẫn là những chiếc xe điện cũ kỹ từ thời Liên Xô.

Nhưng hệ thống xe buýt hiện tại ở Mông Cổ đang là nỗi... cực hình cho người sử dụng. Mỗi sáng, chị Batsukh Gerelmaa lại khăn áo co ro trong cái rét âm độ, bước lên chuyến xe điện cà tàng để từ khu vực rìa phía nam của thành phố tới các quận phía tây bắc, chỉ cách có 6 km nhưng mất tới một tiếng di chuyển do đường phố thường xuyên tắc nghẽn. Không có cách nào khác để vượt qua hành trình lạnh giá và bất tiện này, bởi “giá taxi quá đắt và cũng chậm như rùa”. Nữ kế toán viên cho một nhà phân phối giày này cho biết: “Ngồi trên xe buýt lạnh đến nỗi khi đến chỗ làm, người tôi gần như bị đông cứng. Lẽ ra không phải mất quá nhiều thời gian cho quãng đường đó, nhưng việc đi lại buổi sáng luôn thật tồi tệ”.


Vào mùa đông, những màn sương khói xám xịt thường bao phủ dày đặc thành phố trong nhiều ngày liền. Các nhà máy nhiệt điện cộng với việc người dân đốt than để sưởi ấm trong mùa đông khắc nghiệt là thủ phạm lớn nhất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học quốc gia Mông Cổ, khói từ xe ô tô cũng đóng góp từ 8 - 10% vào vấn nạn này.


Những thảo nguyên và sa mạc mênh mông của Mông Cổ trải dài hàng trăm kilômét và quốc gia này có mật độ dân số thấp hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. Nhưng nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, dựa trên nền tảng là ngành khai khoáng đang bùng nổ, đã khiến Ulan Bato trở thành thành phố ô nhiễm thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ahvaz của Iran. Nhà chức trách thành phố đang hy vọng làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí và ách tắc giao thông bằng dự án hệ thống xe buýt đường ưu tiên (BRT), với hy vọng người dân sẽ từ bỏ bớt thói quen dùng ô tô riêng.


Dự án xe buýt BRT được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với khoản vay 217 triệu USD. Những chiếc xe buýt chạy độc lập trên một làn đường dài 14 km vào trung tâm của hành lang bắc - nam ở Ulan Bato, vì vậy chúng sẽ không mắc kẹt trong dòng xe con, xe tải và xe buýt địa phương. Đây chỉ là đoạn đầu tiên trong tổng hệ thống sẽ được mở rộng lên 64,5 km.


Xe buýt BRT là một bước nhảy vọt trong các lựa chọn phương tiện giao thông công cộng hiện nay ở Mông Cổ, nơi vẫn sử dụng bộ sưu tập các xe buýt cổ lỗ sĩ từ thời Liên Xô. Xe buýt BRT sẽ được trang bị hệ thống sưởi trong mùa đông và giúp giảm 2/3 thời gian hành trình so với bình thường. Về chi phí hoạt động, hệ thống xe buýt BRT có thể xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ vài năm so với thời gian hơn 10 năm để xây dựng một tuyến đường sắt và chi phí lại thấp hơn gần 20 lần.
Trong khi đó, Thị trưởng Ulan Bato, Bat - Uul Erdene cũng đã tìm các giải pháp khác để kiểm soát nạn tắc nghẽn giao thông, như giới hạn số giấy phép đăng ký xe trong một năm, hay cấm xe vào những ngày nhất định, chẳng hạn, kể từ tháng 9/2012, những xe có biển số có “đuôi” 1 và 5 đã bị cấm vào thứ hai hàng tuần, “đuôi” 2 và 6 bị cấm vào thứ ba...


Damdin Amgalanbaatar, một cựu chiến binh 62 tuổi, làm nghề lái taxi cũng ủng hộ giải pháp của thị trưởng ngay cả khi ông bị nghỉ việc mỗi tuần một ngày. “Biển số xe của tôi đuôi 4, nên không được ra đường vào thứ năm, nhưng với tôi vẫn không sao. Trước đây tôi chỉ đón được ít khách vì hầu hết thời gian là chờ dài cổ trong những đám tắc đường”.


Thu Hằng