07:06 08/07/2013

Cuộc cách mạng mới trong chiến tranh

Mark Twain nổi tiếng với câu nói “lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại chính nó nhưng tất cả đều có chung vần điệu”. Vần điệu ấy được thể hiện qua các công nghệ quân sự khác nhau trong các thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng lại có thể tạo ra những ảnh hưởng giống nhau.

Kỳ I: Những vần điệu trùng lặp


Mark Twain nổi tiếng với câu nói “lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại chính nó nhưng tất cả đều có chung vần điệu”. Vần điệu ấy được thể hiện qua các công nghệ quân sự khác nhau trong các thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng lại có thể tạo ra những ảnh hưởng giống nhau. Có những nét tương đồng đáng kinh ngạc giữa súng máy một thế kỷ trước và máy bay không người lái ngày nay. Các máy bay không người lái Predator được triển khai ở Pakistan và Libya có thể so sánh được với các loại súng máy đời đầu trên nhiều phương diện và đó có thể là đầu mối, và lời cảnh báo, cho những gì sẽ diễn ra trong tương lai.

 

Kỳ I: Những vần điệu trùng lặp

 

Súng máy và máy bay không người lái đều là hiện thân của công nghệ tân tiến trong từng thời kỳ lịch sử của chúng và cả hai đã chứng tỏ tính ưu việt trong các cuộc chiến tranh “thực dân” trước những “kẻ thù” không được trang bị vũ khí hiện đại. Chúng đánh dấu một bước tiến quan trọng tới kỷ nguyên cơ giới hóa chiến tranh và xa rời chiến thuật tác chiến trong đó con người là trung tâm. Nhưng trớ trêu thay, chúng lại không nhận được sự hoan nghênh xứng đáng với tầm ảnh hưởng của mình từ giới quân sự.


 

Súng máy Maxim.


Súng máy đã trở thành cỗ máy giết người “khét tiếng” trong trận Omdurman (Sudan) năm 1898 khi liên quân Anh-Ai Cập dưới sự chỉ huy của Tướng Herbert Kitchener đương đầu với một đội quân Dervish hùng hậu, gồm các tín đồ cuồng giáo Mahdi nổi tiếng táo tợn và hung tàn, đông gấp đôi quân của Tướng Kitchener.


Sáng 2/9, quân Dervish ồ ạt tấn công, tạo thành một cảnh tượng hùng tráng với hàng chục nghìn chiến binh trang bị giáo mác và súng trường tầng tầng lớp lớp tiến quân trong sắc cờ sặc sỡ rợp trời. Ở khoảng cách 2.550 m, các khẩu đội pháo của Tướng Kitchener bắt đầu khai hỏa, xé toạc hàng tuyến của đối phương nhưng không thể chế ngự thế như chẻ tre của quân Dervish. Tuy nhiên, khi đối phương tiến vào tầm bắn của súng máy Maxim của Anh thì đúng như một phóng viên chiến trường của Đức mô tả, “kẻ thù bắt đầu chết như ngả rạ”.


Trận Omdurman.


Súng Maxim do Hiram Maxim phát triển tại phân xưởng của ông ở Hatton Garden vào năm 1883, tức 15 năm trước khi nổ ra trận Omdurman. Loại súng máy hoàn toàn tự động này có tính sát thương cao hơn rất nhiều so với những kiểu súng quay tay trước đó như súng Gatling, và các đạo quân Dervish gục ngã trước khi có thể tiến vào tầm bắn hiệu quả của súng trường. Kết quả là hơn 10.000 tay súng Dervish bị tiêu diệt so với chỉ vẻn vẹn 47 binh sĩ của Kitchener thiệt mạng. Trong báo cáo chính thức của mình, vị tướng này đã tự hào tuyên bố: “Không thể có được kết quả nào mỹ mãn hơn với cái giá phải bỏ ra ít đến vậy”.


Ngày nay, các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái cũng diễn ra theo thế trận một chiều. Trong các cuộc xung đột hiện nay, các sĩ quan của Mỹ và Anh điều khiển máy bay không người lái ở cách xa hàng nghìn km thông qua kết nối vệ tinh. Họ xác định mục tiêu bằng các cảm biến camera, hồng ngoại và rađa với sự trợ giúp của các đặc vụ trên thực địa và thông qua việc thu thập các thông tin tình báo khác nhờ những biện pháp như chặn tín hiệu. Do đó, các mục tiêu hầu như không thể biết trước về một cuộc tấn công đang cận kề bằng máy bay không người lái.


Các nhân chứng trong một vụ đột kích bí mật của quân đội Mỹ hồi tháng 9/2008 cho hay: “Bốn chiếc xe đang di chuyển theo bốn hướng khác nhau trong thị trấn biên giới Angoor Ada (Nam Waziristan, Pakistan) thì những người trong xe nghe thấy tiếng ồn của một máy bay không người lái trên đầu. Họ cố gắng đổi hướng nhưng chỉ trong tích tắc, chiếc máy bay đã bắn một quả tên lửa Hellfire trúng một trong bốn chiếc xe và khiến ít nhất bốn người thiệt mạng”.


Trong vụ này, mục tiêu là các chỉ huy Taliban. Nhưng cũng giống quân Dervish, các thủ lĩnh phiến quân không hề có cơ hội phản đòn. Tên lửa Hellfire dẫn đường bằng laser có độ chính xác cực cao ngay cả đối với các phương tiện chuyển động và hầu như không bao giờ trật mục tiêu. Hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái thường gây tranh cãi vì số lượng dân thường bị thiệt mạng lớn (tổn thất ngoài dự kiến), bên cạnh các mục tiêu chủ đích. Loại vũ khí này đạt độ hiệu quả cao trong cuộc chiến chống Taliban nhưng những cái chết oan uổng của dân thường cũng có thể khiến dân chúng nổi giận và làm gia tăng sự ủng hộ đối với quân nổi dậy.


Bên cạnh đó, máy bay không người lái có thể bay trên các khu vực tranh chấp hay cứ địa của kẻ thù với hệ số an toàn khá cao, bởi do không có người điều khiển trong khoang lái nên khả năng phi công bị sát hại hay bắt giữ là không tồn tại. Phí tổn quân sự và chính trị cho một chiếc máy bay không người lái bị mất không cao hơn mấy so với việc bắn một tên lửa hành trình.


Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã biện minh cho chiến thuật sử dụng máy bay không người lái, coi đó là công cụ tự vệ “hợp pháp” và cực kỳ “hiệu quả”. Tuyên bố đó hàm ý nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục sử dụng máy bay không người lái như một quân át chủ bài trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Obama nhấn mạnh dù bị ám ảnh bởi số lượng thương vong của dân thường trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhưng cũng không thể không xem xét rủi ro đó trong tương quan mối đe dọa bắt nguồn từ các nhóm khủng bố chuyên tấn công dân thường. Theo nhà lãnh đạo này, “khoanh tay ngồi nhìn không phải là một lựa chọn”.

 


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ tới: Những cỗ máy sát thủ tự động