02:18 07/02/2023

Cùng hành động vì môi trường internet toàn cầu an toàn hơn

Ngày 7/2 được thế giới chọn là “Ngày Internet an toàn hơn 2023-Safer Internet Day 2023”.

Với mục tiêu cùng nhau vì một môi trường internet tốt hơn,  chủ đề của Ngày an toàn Internet quốc tế mỗi năm thay đổi theo những vấn đề của người dùng internet. Năm 2023, chủ đề được lựa chọn là 'Want to talk about it? Making space for conversations about life online' (tạm dịch là: Muốn nói về an toàn internet? Tạo không gian để trò chuyện về cuộc sống trên mạng).

Chú thích ảnh
Trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội ngày càng nhiều. 

Theo thống kê, trên thế giới, có đến hơn 175.000 trẻ em truy cập mạng internet mỗi ngày. Thêm vào đó, ngày càng nhiều trẻ em sẽ trải nghiệm cả những lợi ích và rủi ro khi sử dụng mạng internet. Thống kê của Tổ chức Common Sense Media, trẻ em từ 8 tuổi là nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Việc trang bị kiến thức an toàn thông tin khi sử dụng internet cho trẻ em là vấn đề được các nước quan tâm. Do đó, trong nhiều năm qua, Ngày Internet an toàn hơn được lựa chọn hướng tới việc thúc đẩy sử dụng công nghệ số an toàn và có những ảnh hưởng tích cực đối với trẻ nhỏ và thanh niên. Thông điệp chung được đưa ra là người trẻ, các bậc phụ huynh, giáo viên, cảnh sát và công ty công nghệ cùng đưa ra các sáng kiến để tạo ra một môi trường internet an toàn.

Chia sẻ về vấn đề an toàn trên không gian mạng internet, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, Việt Nam có khoảng 100 triệu người dân thì tất cả đều có nhu cầu sử dụng môi trường internet an toàn. Mỗi phụ huynh đều có nhu cầu quản lý truy cập internet an toàn cho con em, mỗi lãnh đạo đều quan tâm đến an toàn internet cho nhân viên. Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 11.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học. Đây là thị trường lớn của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, họ thấu hiểu người dùng và phải đưa ra các giải pháp về đảm bảo an toàn an ninh mạng internet.

Năm 2022, tại Việt Nam ngành công nghiệp công nghệ số đạt tổng doanh thu khoảng 148 tỷ USD. Khoảng 60% trong tổng số hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số ở nước ta đã chuyển trọng tâm từ gia công sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm. Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng năm 2022 đạt khoảng 4.850 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với năm 2021. Các doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước đã làm chủ được trên 95% sản phẩm, giải pháp về an toàn thông tin.

Hiện nay, nhiều công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, công nghệ thực tế ảo (AR, VR)… đã được ứng dụng trong sản phẩm an toàn thông tin "Make in Việt Nam". Nhờ hiểu rõ nhu cầu của người dùng  Việt Nam, đặc điểm văn hóa của doanh nghiệp Việt nên sản phẩm công nghệ Việt đang có lợi thế trên sân nhà.

Ông Hà Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho biết, lợi thế của các sản phẩm an toàn thông tin "Make in Việt Nam" là đội ngũ kỹ sư hỗ trợ công nghệ luôn sẵn sàng đồng hành cùng với người dùng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư thấp, sản phẩm phần mềm tốt, giá rẻ hơn so với nhiều sản phẩm phần mềm nước ngoài.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, không một đơn vị đơn lẻ nào có thể làm được hết khối lượng công việc để bảo đảm an toàn trên không gian mạng internet. Cục An toàn Thông tin đã đề nghị các đơn vị chuyên trách, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh là triển khai đầy đủ biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Các đơn vị cần quan tâm, bố trí nguồn lực, kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về an toàn thông tin hướng tới mục tiêu đáp ứng được chuẩn kỹ năng về nhân lực an toàn thông tin.

Đồng thời, để phổ biến sản phẩm an toàn thông tin, làm chủ công nghệ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa những chuyên gia an ninh mạng có trình độ cao. An toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số an toàn.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS cho rằng, cần tăng cường quảng bá về các chiến dịch an toàn số bằng nhiều hình thức sinh động như clip ngắn, inforgraphic (đồ họa) để giới thiệu kiến thức, kỹ năng an toàn số đến công chúng, hướng dẫn về an toàn mạng cho mọi người dân.“Đào tạo tốt hơn về mặt kỹ năng số cho công dân thì dần dần tình hình an toàn internet sẽ có chuyển biến và Việt Nam sẽ có một không gian mạng an toàn, lành mạnh và hữu ích”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.

Sáng kiến "Ngày Internet an toàn hơn" trên thế giới được khởi động từ năm 1999. Đến năm 2004, nhiều quốc gia đã tham gia vào sáng kiến này nhằm nâng cao ý thức cho mọi người về các mối đe dọa trên môi trường mạng. Đây cũng là ngày thế giới chung sức, chống lại mối đe dọa từ internet, mang lại cho người dân môi trường mạng an toàn hơn trên toàn cầu.

Ngọc Bích (TTXVN)