04:06 22/04/2022

Cùng hành động khẩn cấp bảo vệ Trái đất

Suốt 40 năm, bà Amissa Irakoze sống bình yên bên hồ Tanganyika ở Burundi, hồ nước ngọt lớn thứ hai của châu Phi. Tuy nhiên, vào tháng 4/2020, sau những đợt mưa lớn bất thường do tình trạng nóng lên của Trái Đất, một ngày, khi kết thúc công việc đồng áng và trở về nhà, bà Irakoze sững sờ thấy ngôi nhà của mình chìm trong biển nước và 10 đứa con mất tích.

Rất may sau đó bà đã tìm thấy các con, song ngôi nhà thì không còn. Lũ lụt đã nhấn chìm tất cả - từ nhà cửa, trường học, vườn tược, đến hoa màu - biến cả một thị trấn rộng lớn thành thị trấn "ma". Hàng nghìn người, trong đó có bà Irakoze và gia đình, phải tới sống trong một khu trại tạm bợ phía sau thành phố Gatumba, gần hồ Tanganyika để tránh nước lũ, đồng nghĩa trẻ em không được đến trường còn người dân vốn sống dựa vào nông nghiệp không còn kế sinh nhai. Hai năm qua, nước hồ Tanganyika vẫn tiếp tục dâng lên ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên.

Chú thích ảnh
Hạn hán tại quận Bala Murghab, tỉnh Badghis, Afghanistan ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định 7 năm qua là quãng thời gian thế giới trải qua thời tiết nắng nóng nhất. Riêng năm 2021, nhiệt độ toàn cầu trung bình cao hơn khoảng 1,11 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiến gần mức giới hạn 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Trái Đất bị hâm nóng khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, như nhiệt độ kỷ lục gần 50 độ C ở Canada và Mỹ, lũ lụt nghiêm trọng ở châu Á và châu Âu, hạn hán ở châu Phi và Nam Mỹ cũng như cháy rừng ở khắp nơi trên thế giới, từ Australia cho tới Siberia. Thống kê của tổ chức Christian Aid cho thấy ít nhất 1.075 người thiệt mạng và hơn 1,3 triệu người phải sơ tán trong 10 trận thiên tai được coi là lớn nhất năm 2021. Thiệt hại vật chất ước tính 170 tỷ USD, cao hơn 20 tỷ USD so với năm 2020.

Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), tổng số người tử vong do nắng nóng bất thường, thời tiết khắc nghiệt và thiên tai ở nước này trong năm ngoái đã lên tới 688 người, gấp hơn 2 lần so với con số năm 2020. Canada cũng ghi nhận hàng trăm người tử vong trong năm 2021 vì tình trạng nắng nóng kỷ lục. Không chỉ gây thiệt hại về người (khoảng 240 người), các trận lũ lụt xảy ra ở nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ hồi tháng 7/2021 còn gây tổn thất tới 43 tỷ USD. Ở châu Á, số liệu của công ty tái bảo hiểm Swiss Re Institute (Thụy Sĩ) cho thấy riêng Trung Quốc thiệt hại khoảng 25 tỷ USD do lũ lụt, cao thứ hai trên thế giới trong năm ngoái, chỉ sau châu Âu.

Tại châu Phi, khu vực góp phần ít nhất vào quá trình nóng lên toàn cầu, đợt mưa lũ lớn nhất trong 60 năm xảy ra cuối tuần qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 440 người và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nam Phi. Báo cáo của LHQ cho thấy hàng triệu người ở “Lục địa đen” phải đối mặt với khủng hoảng lương thực do hạn hán, lũ quét gây mất mùa. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo lũ lụt thường xuyên, các bệnh liên quan nguồn nước và côn trùng, động vật mang virus gây bệnh đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng y tế, mà hiện nay là đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy rừng tại Varybobi, Acharnes, Hy Lạp, ngày 3/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao và gây khô hạn trên khắp thế giới, tạo điều kiện lý tưởng cho các đám cháy rừng dữ dội hơn và kéo dài hơn. Mỗi năm, Trái Đất mất đi khoảng 4,7 triệu ha rừng, rộng hơn cả diện tích đất nước Đan Mạch, khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Theo Cơ quan Giám sát khí quyển Corpenicus, các vụ cháy rừng trong năm 2021 đã tạo ra tổng cộng 1,76 tỷ tấn khí carbon, tương đương hơn 25% lượng khí thải hằng năm của Mỹ - một trong những quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới. Nghiên cứu của Viện Khoa học sức khỏe và y tế Australia (AAHMS) còn cho thấy sức khỏe con người cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các vụ cháy rừng, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

Thực tế trên đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đã rất gần và ngày càng trầm trọng, không chỉ là tình trạng tăng nhiệt độ Trái Đất mà còn là vấn đề y tế khẩn cấp. WMO khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu và các hiểm họa liên quan đến thời tiết đã làm thay đổi đời sống và thậm chí mang tính tàn phá đối với các cộng đồng trên mọi lục địa. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn mà nhân loại đang đối mặt. Các nhà khoa học cũng cho rằng Trái Đất đang có nguy cơ hứng chịu đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu nếu thiếu những nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược tình trạng tàn phá hệ sinh thái.

Với chủ đề “Hãy đầu tư vào hành tinh của chúng ta” nhân Ngày Trái Đất 22/4/2022, LHQ đã kêu gọi hợp tác vì hành tinh, theo đó mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân trên thế giới đều phải có trách nhiệm, hành động một cách táo bạo, đổi mới trên diện rộng và thực hiện một cách công bằng các giải pháp vì khí hậu. Theo LHQ, đây là thời điểm để thay đổi tất cả, môi trường kinh doanh, môi trường chính trị và cách thức con người hành động đối với khí hậu nhằm bảo vệ sức khỏe, gia đình và kế sinh nhai. Thế giới cũng cần tăng cường đầu tư để phục hồi thiên nhiên và xây dựng một hành tinh trong lành cho các thế hệ tương lai. Để đạt được điều này, ngay từ bây giờ, thế giới cần chuyển sang một nền kinh tế bền vững hơn, có lợi cho cả con người và hành tinh.  

Mạng lưới Ngày Trái Đất (EarthDay.org) đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, yếu tố gây ra phần lớn lượng khí nhà kính, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, Chủ tịch EarthDay.org, bà Kathleen Rogers, cho rằng các chính phủ cần triển khai các biện pháp khuyến khích và chính sách hỗ trợ những giải pháp sáng tạo, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, thay vì ủng hộ các ngành công nghiệp cũ, gây ô nhiễm. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, bà Rogers kêu gọi mỗi cá nhân nên lựa chọn các sản phẩm bền vững, từ bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, để thúc đẩy “nguồn cung xanh” từ các doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia về việc đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tháng 4/2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

Biến đổi khí hậu, những thay đổi do con người gây ra đối với thiên nhiên cũng như các hành động phá vỡ đa dạng sinh học, có thể đẩy nhanh tốc độ hủy diệt hành tinh. Nếu không kịp thời hành động để chữa lành những vết thương của Trái Đất, thế giới có thể đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp hơn tình trạng biến đổi khí hậu. Hơn bao giờ hết, Trái Đất cần những hành động khẩn cấp. Sự phối hợp chặt chẽ của “bộ ba” chính phủ, doanh nghiệp và người dân để cùng hành độnh khẩn cấp chính là yếu tố tiên quyết giúp khôi phục môi trường tự nhiên vốn có của hành tinh xanh bởi hệ sinh thái càng khỏe mạnh thì hành tinh, trong đó có con người, càng khỏe mạnh.

Trần Quyên (TTXVN)