06:19 29/06/2020

Cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất - Bài 1:Tìm cách trong khó khăn

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ chịu ảnh hưởng nặng về kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội; trong đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông thủy sản, hàng may mặc, thực phẩm đang phải chịu nhiều áp lực.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ cũng như cả nước bị thiệt hại nặng nề về lĩnh vực kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội; trong đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông thủy sản, hàng may mặc, thực phẩm trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng hành, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, vực dậy nền kinh tế tăng trưởng mạnh là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo thành phố Cần Thơ quan tâm triển khai thực hiện. 

Bài 1: Tìm cách trong khó khăn

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ chịu ảnh hưởng nặng về kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội; trong đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông thủy sản, hàng may mặc, thực phẩm đang phải chịu nhiều áp lực.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra phile xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX). Ảnh: baocantho.com.vn

Theo ông Võ Đông Đức - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ Caseamex, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình nuôi thủy sản gặp khó khăn do tình hình khô hạn và xâm nhập mặn. Thêm vào đó, giá các loại thủy sản nước ngọt giảm liên tục gây khó khăn cho cả nông dân và doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, hầu hết các đơn hàng ký với nước ngoài đều dừng lại hoặc hủy, bị giãn; tiến độ giao hàng cũng như số lượng đơn hàng bị giảm...

Việc cấm cản của một số quốc gia trong giai đoạn dịch ở các nước châu Mỹ, châu Âu đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc lưu thông phân phối hàng xuất khẩu vào các quốc gia bị đọng, hạn chế, gây khó khăn lớn về tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị kẹt vốn, doanh nghiệp có hàng nhưng không vay được tiền khiến tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn. 

Ông Ngô Văn Chơn - Giám đốc Công cổ phần May Tây Đô chia sẻ, 95% sản phẩm của công ty là phục vụ xuất khẩu với thị trường chủ yếu là Mỹ và châu Âu nên bị ảnh hưởng rất nặng từ dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất của công ty chỉ đạt 70% kế hoạch, doanh thu trên 70%.

Do ngành may thực hiện gia công là chủ yếu; trong đó, tỷ trọng trả lương chiếm hơn 60%. Do đó, lợi nhuận 6 tháng bằng 0 và thậm chí âm vốn. Đây cũng là lần đầu tiên công ty phải vay tiền ngân hàng để trả lương công nhân vì bị khách hàng giữ tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải xoay xở, chưa cắt giảm lương của công nhân mà còn tăng thêm 5% theo quy định của nhà nước.

Mục tiêu năm 2020 của công ty là đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ khác cho người lao động. Tất cả chi phí đầu tư vào máy móc, thiết bị, sửa chữa đều được doanh nghiệp dừng lại để tập trung nguồn lực cho việc trả lương người lao động. Dự kiến, trong những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng của khách hàng hủy hoặc giảm đơn hàng, sản phẩm bị tồn kho, bị trả hàng hoặc chậm thanh toán...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, gạo xuất khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tiến độ xuất khẩu của các doanh nghiệp lại "vướng".  Do chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo đột ngột ngay thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát khiến các đơn hàng đã ký xuất khẩu gạo của doanh nghiệp đều bị giãn tiến độ, chậm tiến độ. Đồng thời, dòng vốn về doanh nghiệp bị chậm, hầu hết đều bị kẹt vốn để trả nợ ngân hàng.

Không chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gặp khó mà ngay cả nhóm sản xuất kinh doanh hàng hóa thực phẩm, thương nghiệp nội địa cũng chung cảnh ngộ. Ông Tăng Minh Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ cho biết, khi dịch bệnh, người dân có thói quen ít đến khu vực đông người; trong đó, có các chợ truyền thống. Khách hàng tiềm năng đến Cần Thơ cũng giảm mạnh; sức mua yếu do tình hình dịch bệnh tác động đến túi tiền của người dân.

Người dân chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày nhưng sức mua cũng giảm khoảng 20%; số lượng người đi chợ truyền thống giảm khoảng 35%, các mặt hàng thời trang, may mặc... rơi vào tình trạng ế ẩm. 

Theo ông Nguyễn Thực Hiện - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 6 tháng đầu năm của thành phố chỉ tăng 1,43% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch với tổng lượt khách đến thành phố giảm đến 69,7%, khách lưu trú giảm 70%, khách lữ hành nội địa giảm 77,2%...

Doanh thu ngành du lịch giảm 62% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 1,82%, hoạt động nội thương giảm 9%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 5,9%, hoạt động vận tải hàng hóa giảm 15,6%, vận chuyển hành khách giảm 8,36%...

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có chung kiến nghị đề xuất Chính phủ mở cửa nền kinh tế có kiểm soát đối với một số nước đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm kết nối với thế giới và chủ động tìm kiến thị trường mới.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông quốc gia vì đây là điểm nghẽn của thành phố Cần Thơ cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và nạo vét kênh Quan Chánh Bố... Điều này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao thương và phục hồi phát triển. Doanh nghiệp không trông chờ quá nhiều vào các gói hỗ trợ mà họ cần hạ tầng - điều mà doanh nghiệp không làm được thay nhà nước - ông Lam phân tích.

Riêng với thành phố Cần Thơ, các doanh nghiệp đề xuất đẩy nhanh việc sử dụng các nguồn quỹ như: Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhò và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; số tiền giãn thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần được nộp nhiều lần thay vì một lần như hiện nay. Mặt khác, thành phố cần tập trung đầu tư nhanh cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh ngành du lịch sau dịch; đồng thời tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, về lâu dài, Thành phố quyết liệt thực Nghị định 98 của Chính phủ về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo hướng bền vững. Cụ thể, từ năm 2020 đến hết năm 2021, thành phố cần phê duyệt các dự án cánh đồng liên kết trồng lúa tối thiểu đạt 50.000 ha lúa đạt chuẩn an toàn...

Còn theo ông Ngô Văn Chơn - Giám đốc Công Cổ phần May Tây Đô, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố hành động quyết liệt, mạnh mẽ; giảm các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến cuối năm để tập trung nguồn lực chi trả lương cho người lao động. Công ty không muốn sử dụng 1,8 triệu đồng do Chính phủ hỗ trợ cho công nhân mà quan trọng là duy trì, giữ ổn định người lao động. Hy vọng, các đơn hàng sẽ trở lại để phát triển tốt hơn cho những năm sau. 

Ông Tăng Minh Hồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ kiến nghị nên miễn giảm hẳn 5% thuế trên cổ tức cổ đông để các doanh nghiệp có động cơ tích cực hoạt động hiệu quả. Giai đoạn này, các chương trình kích cầu du lịch rất cần thiết nhất là thu hút khách du lịch nội địa.

Bài cuối: Thích nghi với tình hình mới

Ngọc Thiện (TTXVN)