07:00 23/07/2022

Cúm A có thể gây nguy hiểm như thế nào?

Khi mắc cúm A, những ai dễ gặp biến chứng nặng và có thể bị ảnh hưởng đến phổi như thế nào?

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch bệnh viện Thanh Nhàn cảnh báo về bệnh cúm A:

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, với người mắc cúm A, hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi, đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như COVID-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đặc biệt, hiện cúm mùa đã có vaccine phòng bệnh, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa, vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

 

Tin, clip: Tạ Nguyên/Báo Tin tức