04:18 18/04/2019

Cục Trẻ em đề nghị xử lý nghiêm vụ dâm ô trẻ em trong thang máy tại TP Hồ Chí Minh

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKSND) thành phố Đà Nẵng – có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em đề nghị xử lý nghiêm và có kết luận cụ thể.

Chú thích ảnh
Đối tượng dâm ô trẻ em trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

Theo bà Nguyễn Thị Nga, đối với vụ việc đối tượng Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô trẻ em, Cục Trẻ em đánh giá rất cao Ban quản lý dự án của tòa chung cư cũng như bảo vệ khi trích xuất camera để khẳng định có sự việc xảy ra với gia đình có trẻ em bị hại.

Cục Trẻ em cũng nắm được thông tin đối tượng tiến hành thương lượng, hòa giải với gia đình, nhưng nhân viên bảo vệ và Ban quản lý của tòa nhà đó đã kiên quyết thông tin, đưa vụ việc ra công luận. Các cơ quan chức năng ở quận 4 cũng như cấp Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động và quyết liệt để chỉ đạo vào cuộc.

Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 thuộc Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cũng đã có những kết nối, hướng dẫn, tư vấn. Hiện nay, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan điều tra đang tiến hành theo quy trình thủ tục để xử lý đối tượng.

“Đây là một trong những vụ việc mà dư luận xã hội rất quan tâm, nên xử lý nghiêm. Tuy nhiên, một trong những bất cập trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các luật về xử lý hành vi dâm ô trẻ em. Chính vì vậy, phiên họp của Uỷ ban Tư pháp vào ngày 19/3, trong đó có các khối cơ quan tư pháp gồm Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan như Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ ngành khác có trách nhiệm báo cáo giải trình về tình hình 2 năm thực hiện kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp liên quan đến công tác phòng chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em. Cục Trẻ em rất mong thông qua những đợt giám sát này của Uỷ ban Tư pháp, những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cũng như các vụ việc lên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được xử lý”, bà Nga cho biết.

“Việc can thiệp, xử lý, hỗ trợ trẻ em và gia đình được các cơ quan liên quan và truyền thông quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý và thông tin cũng phải bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bảo vệ bí mật cá nhân của trẻ em để tránh cho các em không bị tổng hại một lần nữa”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
XM/Báo Tin tức