03:10 28/03/2018

Cuba trên con đường đã chọn

Cuba trở thành "ngọn hải đăng" của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh không bằng việc chinh phục các miền đất hay các nền kinh tế, mà bằng việc chinh phục trái tim của những con người khát khao độc lập, tự chủ, tự do chân chính và những giá trị nhân văn nhất.

Với diện tích, quy mô dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, Cuba chưa bao giờ được liệt vào hàng các cường quốc kinh tế hay sức mạnh vật chất nói chung tại Mỹ Latinh và Caribe. Thế nhưng, trong mọi phân tích tổng kết về khu vực này trong vài thập kỷ qua, dù là thiên về cảm tính hay mang tính lý luận khoa học và theo bất cứ quan điểm chính trị nào, thì đảo quốc Caribe này vẫn luôn là một tham chiếu không thể bỏ qua.


Cuba trở thành ngọn hải đăng của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh không bằng việc chinh phục các miền đất hay các nền kinh tế, mà bằng việc chinh phục trái tim của những con người khát khao độc lập, tự chủ, tự do chân chính và những giá trị nhân văn nhất. Sức lôi cuốn của Cách mạng Cuba không chỉ đến từ những hình ảnh hào hùng và lãng mạn của “những chàng râu xồm” (danh xưng thân mật để chỉ các nhà lãnh đạo của cuộc Cách mạng 1959 tại Cuba, khi đó đều còn khá trẻ và đa phần để râu quai nón) đã vùng lên và sau đó là kiên cường đối chọi với những thế lực giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần để bảo vệ quyền được tự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, mà còn từ những thành tựu vĩ đại mà chính con đường phát triển đó mang lại cho toàn bộ cũng như từng người dân "đảo quốc tự do".

Chăm sóc các em bé sơ sinh tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Những thành quả về giáo dục và y tế của Cuba vừa trải rộng vừa mang tính chiều sâu. Về giáo dục, chỉ trong vòng gần 3 năm, cách mạng đã xóa sổ hoàn toàn nạn mù chữ từng ảnh hưởng tới hơn nửa dân số Cuba trước cách mạng và sau đó mở rộng mạng lưới giáo dục cơ sở trên cả nước, đảm bảo quyền và nghĩa vụ đến trường của tất cả trẻ em, song song với đó là phát triển giáo dục bậc cao, đưa Cuba thuộc về các nước hàng đầu không chỉ tại Mỹ Latinh mà còn cả ở cấp độ toàn cầu về tỷ lệ học sinh tới trường (94%), tỷ lệ tốt nghiệp đại học hay có bằng thạc sĩ, tiến sĩ (11,1% dân số), với một số ngành có trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới, điển hình như công nghệ sinh học.


Tương tự, với chiến lược có tầm nhìn và những bước đi dứt khoát, Cuba đã xây dựng được một hệ thống y tế nhiều tầng, từ các phòng khám bác sĩ gia đình ở từng khu phố, ngôi làng, cho tới các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, nhờ đó đã đạt được những kỳ tích chăm sóc sức khỏe như mức trẻ sơ sinh tử vong thuộc hàng thấp nhất thế giới (dưới 0,4%), là nước đầu tiên trên thế giới xóa bỏ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (2015), là "nhà tiên phong" trong nhiều phương pháp và sản phẩm điều trị ung thư...


Khó có thể tóm tắt hết những thành tựu y tế và giáo dục của Cuba trong hơn 5 thập kỷ qua chỉ trong một bài viết, nhưng tựu chung lại, có thể nói rằng Cách mạng đã giúp người dân Cuba được hưởng những dịch vụ này với chất lượng tương đương với các nước phát triển tiên tiến, chỉ với một khác biệt “nho nhỏ”: mọi dịch vụ giáo dục và y tế của Cuba, từ học mẫu giáo cho tới cấp bậc tiến sĩ, từ việc tiêm chủng mở rộng cho tới các phẫu thuật phức tạp về tim, thận..., đều hoàn toàn miễn phí. Đó là chưa kể tới những thành tích cũng rực rỡ không kém trong phát triển văn hóa, nghệ thuật và thể thao (77 HCV trong 20 kỳ Olympics đã dự, trong đó 72 HCV từ năm 1972 tới nay). Tại một khu vực vẫn đang nhức nhối hàng ngày với chênh lệch giàu nghèo, bạo lực xã hội và buôn bán ma túy, Cách mạng Cuba – với cả những thắng lợi lẫn vấp váp của mình – vẫn luôn đảm bảo cho người dân nước mình quyền bình đẳng phát triển khả năng cá nhân trong một môi trường hoàn toàn bình yên, không có các băng đảng tội phạm, các “biệt đội tử thần”, các khu ổ chuột, các “vùng cấm an ninh” hay “lãnh địa của ma túy”. Đó chính là những quyền con người mà Cuba cách mạng theo đuổi.


Và Cuba chinh phục trái tim của những con người tiến bộ thuộc nhiều thế hệ và tại nhiều quốc gia chính bởi vì đây là “một dân tộc không bao giờ e ngại mở ra trái tim mình”, như lời của ca khúc đang thịnh hành “Cuba es música vital” (Cuba, bản nhạc sống): đảo quốc nhỏ bé này là nhà vô địch thế giới về việc cử các đoàn cứu trợ y tế tới các nơi chịu thảm họa, thiên tai trên thế giới (đoàn y tế tình nguyện Henry Reeve của Cuba đã thực hiện hơn 200 chiến dịch quốc tế từ năm 1960 tới nay), từ sóng thần tại Chile, động đất tại Nepal tới dịch tả tại Haiti, dịch Ebola tại Tây Phi, nơi đâu các bác sĩ, y tá Cuba cũng sẵn sàng đứng lên tuyến đầu, đến với những người cần sự trợ giúp nhất; hay chỉ với riêng giáo trình xóa nạn mù chữ “Yo sí puedo” (Tôi có thể) – được UNICEF đánh giá rất cao – các giáo viên Cuba đã giúp cho hơn 10 triệu người học đọc học viết tại hơn 30 quốc gia, chủ yếu là tại các vùng rừng núi hẻo lánh, lạc hậu, nơi mà ngay cả các giáo viên bản địa nhiều khi cũng phải “ngán ngẩm”.

Khách du lịch tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể nói công trình kỳ vĩ nhất mà Cách mạng Cuba xây dựng nên chính là “con người cách mạng mới” mà Người du kích anh hùng “Che” Guevara từng mong mỏi lúc sinh thời. Đối với những người từng có thời gian sống và chia sẻ với người con của “hòn đảo tự do”, người dân nơi đây có một khí chất đặc biệt không thể nhầm lẫn cho dù có gặp lại nơi đâu trên thế giới: đó là sự tổng hòa của nhiệt huyết và nét tươi vui đặc trưng Mỹ Latinh, sự giản dị, tính thân thiện, khả năng sáng tạo, lòng hào hiệp trượng nghĩa cùng bản lĩnh và sự tự tin.


Người Cuba thường nói rằng họ có thể chịu đựng và vượt qua khó khăn vì họ biết gây cười ngay cả với chính khó khăn của mình. Những sinh viên nước ngoài tới học tập tại Cuba trong những ngày đầu thường ngạc nhiên trước lòng tốt tới “giật mình” của người dân Cuba: một người chỉ đường có thể đi thêm vài trăm mét để dẫn người hỏi tới đúng một địa chỉ khó vì sợ người kia bị lạc, một giáo viên sẵn sàng dành thêm vài giờ giảng riêng để một học sinh chưa thạo ngôn ngữ hiểu bài hơn, một người phụ nữ sẵn sàng giúp người mới quen công việc may vá, nội trợ; tất cả đều không bao giờ đỏi hỏi gì đổi lại. Nhưng lòng tốt của người Cuba không hề đồng nghĩa với sự dễ dãi, cũng như tính chân thật của họ không phải là do “ngốc nghếch”, mà xuất phát từ nền giáo dục và niềm tin vào những giá trị, nguyên tắc mà họ rất cương quyết bảo vệ khi cần. Tôi từng chứng kiến một nữ giáo sư nhỏ lệ khi bắt gặp một học sinh “cưng” của mình quay bài, nhưng vẫn kiên quyết báo cáo với hội đồng kỷ luật (tại Cuba, quay bài là tối kị và nếu bị phát hiện đồng nghĩa với việc đuổi khỏi hệ thống các trường đại học); hay ở một góc độ và môi trường khác: sau những cuộc tiếp xúc kín với các đại diện Cuba trong quá trình đàm phán mật 18 tháng trước khi đưa ra tuyên bố lịch sử tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương ngày 17/12/2014, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tây Bán Cầu của Mỹ khi đó Julisa Reynosso đã phải thốt lên trong một bức điện mật – sau này bị rò rỉ trong vụ Wikileaks – gửi Ngoại trưởng Hillary Clinton: “hoặc chúng ta chấp nhận đề xuất từ phía họ (Cuba) hoặc phải ngừng đàm phán về vấn đề này (trao đổi tù binh), vì những người Cuba sẽ không bao giờ lùi bước”.


Sẽ là không thực tế nếu nói về Cuba mà không nhắc tới những khó khăn to lớn của nền kinh tế hay những thiếu thốn mà người dân đảo quốc Caribe này phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, từ cái ăn cái mặc cho tới lạc hậu về công nghệ hay các mặt hàng xa xỉ. Nhưng sẽ càng phiến diện và lệch lạc hơn nếu nói tới những khó khăn, thiếu thốn đó mà bỏ qua thực tiễn của cuộc bao vây, cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính phi lý và ngặt nghèo mà Mỹ đã áp đặt lên Cuba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, một kỷ lục trong lịch sử thế giới đương đại. Hiểu được những khó khăn và thiếu thốn đó, ta sẽ thấy lòng hào hiệp của dân tộc Cuba càng đáng khâm phục hơn, đúng như tinh thần mà lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã tổng kết: “Cuba không cho đi những gì mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những gì mình có”.

Người dân Cuba tham gia diễu hành tôn vinh lãnh tụ Fidel Castro ngày 3/12/2016. Ảnh: Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)

2018 là năm có nhiều thách thức với Cuba trong bối cảnh quốc tế ít thuận lợi hơn khi nhiều chính phủ cánh tả thân thiện trong khu vực đang đối diện khó khăn nội bộ và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo chiều chính sách phá băng quan hệ của người tiền nhiệm Barack Obama, và với nhiều nhiệm vụ của công cuộc Cập nhật mô hình phát triển kinh tế - xã hội còn dang dở: từ tiến hành những điều chỉnh lập pháp phù hợp với thực tiễn mới, mở rộng phân cấp quản lý hành chính, giải quyết vấn đề năng suất– lương và giải phóng sức lao động, nâng cấp hệ thống dịch vụ xã hội cho tới thống nhất hai đồng tiền, định hình hành lang pháp lý cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy nhanh tốc độ thông qua các dự án đầu tư nước ngoài… Đồng thời, đây cũng là năm dự kiến có sự thay đổi một số cương vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trong đợt bầu chọn các thành viên Hội đồng Nhà nước vào phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa VIII vào tháng 4 tới, do quy luật tự nhiên tất yếu đối với thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959. Nhưng trước mỗi khó khăn thách thức, người Cuba sẽ luôn thể hiện được tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của mình, đơn cử như khi đối mặt với siêu bão Irma trong tháng 9 vừa qua: trong số 1,7 triệu người phải di tản do cơn bão tác động tới 12/15 tỉnh thành của Cuba này, có tới gần 80% đã cư trú tạm thời tại nhà riêng những người thân, bạn bè hay láng giềng tình nguyện tiếp đón (dù Nhà nước vẫn đảm bảo đủ cơ sở di tản) mà không có bất cứ làn sóng bạo lực hay tệ nạn nào diễn ra; và chỉ trong 2 tuần Cuba đã đưa hoạt động xã hội trở về mức bình thường, đa phần là nhờ các hoạt động lao động tình nguyện của người dân.


Mô hình Cuba chưa phải là hoàn hảo, nhưng không ai có thể nghi ngờ những giá trị nhân văn to lớn mà nó mang lại, và càng không thể nghi ngờ rằng chỉ có chính những người Cuba mới có quyền điều chỉnh và hoàn thiện mô hình đó, quyền mà họ đã giành được và kiên cường bảo vệ trong suốt hơn 5 thập kỷ qua. Và chắc chắn rằng những thế hệ kế tiếp của Cuba, với trí tuệ được người anh hùng dân tộc José Martí soi sáng, bản lĩnh được lãnh tụ Fidel Castro tôi luyện và nụ cười trên môi, sẽ tự tin tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà "đảo quốc tự do" đã lựa chọn.


Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)