09:08 14/09/2017

Cuba, tấm gương phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả - Kỳ cuối

Ngay từ thời điểm đầu, một Đội xung kích đặc biệt – trong đó các thành viên mặc đồng phục và được cấp thẻ hoạt động riêng – được thành lập với nhiệm vụ tiên phong trong việc khoanh vùng và kiểm soát các ổ dịch.

KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH: HUY ĐỘNG SỨC MẠNH QUẦN CHÚNG

Để trả lời câu hỏi của người viết về cách thức tổ chức và vận đối phó trong trường hợp bùng phát dịch, Tiến sĩ Roberto E. Capote-Mir, Bộ Y tế Cuba, đã trích dẫn bài viết tổng kết của cố Giáo sư dịch tễ học León Columbie về chiến dịch đối phó dịch sốt xuất huyết tại thủ đô La Habana từ 8/1 tới 27/3 năm 2002 (lần gần nhất dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng tại Cuba):

Công tác kiểm tra vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên.

“Bên cạnh các lực lượng sẵn có của Bộ Y tế, như bác sĩ và y tá gia đình (với mức trung bình là 1 tổ bác sĩ gia đình/120 hộ dân, đội ngũ của các Trung tâm Vệ sinh dịch tễ của tất cả các tỉnh thành được điều động về thủ đô, các Viện nghiên cứu các bệnh nhiệt đới Pedro Kourí (IPK), Viện Vệ sinh dịch tễ và vi sinh học quốc gia (INHEM), đợt bổ sung đầu tiên gồm những người thuộc ngành nghề khác từng được đào tạo thực hành qua các chiến dịch chống vật chủ truyền nhiễm trước đây (trên toàn quốc theo thống kê chính thức có 22.221 người thuộc diện này), trong đó có cả những người có nhiều kinh nghiệm và từng tham dự các chiến dịch đối phó dịch sốt xuất huyết từ năm 1981.

Đợt động viên thứ 2, với vai trò nổi bật và tạo ra thay đổi mạnh mẽ hoạt động dập dịch, gồm có học viên các Trường Đào tạo Cán bộ hoạt động xã hội Cojímar, Trường Đào tạo Y tá cấp tốc Cotorro và các lực lượng thanh niên sản xuất thuộc quân đội. Một nhóm bổ sung thứ 3 với gần 11.000 người – được trù bị ngay từ những ngày đầu lên kế hoạch nhưng được động viên sau về thứ tự - gồm các Đảng viên, Đoàn viên, thành viên Tổng Liên đoàn lao động, các Ủy ban bảo vệ cách mạng và các tổ chức quần chúng khác, tiến hành các nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với người dân và kiểm tra với ghi chép chính xác sự tồn tại hay không của các ổ muỗi, đặc biệt là ổ bọ gậy, tại mỗi địa phương của thủ đô. Tổng cộng đã có 24.221 người được huy động tham gia chiến dịch này, với phân chia nhiệm vụ cụ thể gồm có 221 đoàn trưởng, 311 nhà sinh học, 884 thanh tra, 3297 tổ trưởng, 18.556 nhân viên chiến dịch, 78 chuyên viên vệ sinh, 434 kỹ thuật viên chuyên ngành liên quan khác, 310 lái xe, 130 thợ cơ khí.

Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa phát các chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống sốt xuất huyết và diệt trừ muỗi, xử lý các tình huống phát sinh liên quan tới dịch, hướng dẫn người dân mỗi khi có triệu chứng bệnh có thể tới được cơ sở chăm sóc khẩn cấp gần nơi mình ở nhất, cũng như cập nhật liên tục diễn biến dịch và tình hình triển khai chiến dịch.

Các lãnh đạo điều hành chiến dịch cũng đã chuẩn bị các điều kiện để đối với biến chứng sốt xuất huyết ác tính, thiết lập quy tắc hành động chuẩn mực cho tất cả những người tham gia chiến dịch nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người. Ngay từ thời điểm đầu, một Đội xung kích đặc biệt – trong đó các thành viên mặc đồng phục và được cấp thẻ hoạt động riêng – được thành lập với nhiệm vụ tiên phong trong việc khoanh vùng và kiểm soát các ổ dịch.

Phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ở các khu phố bằng xe đặc chủng.

Ngày 11/1, chỉ 3 ngày sau khi dịch bùng phát diện rộng, Hội đồng Nhà nước Cuba đã họp khẩn cấp và quyết định thành lập Ban chỉ huy liên ngành chiến dịch đối phó dịch sốt xuất huyết sau khi xác định công tác đối phó dịch bệnh này đã vượt ra ngoài khả năng của riêng Bộ Y tế và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị nhà nước cho tới khi kiểm soát được dịch bệnh. Hội đồng Nhà nước cũng chỉ định nữ bác sĩ Elia Rosa Lemus đứng đầu Ban Chỉ huy này, bao gồm lãnh đạo địa phương và hầu hết các ngành để có thể huy động mọi nguồn lực cần thiết và là cơ quan tối cao trong điều phối các ban ngành khác nhau và duy nhất có thẩm quyền đưa ra các quyết định nhằm đối phó dịch bệnh.

Với quyết tâm chính trị cao độ này, Ban Chỉ huy đã triển khai nhiều hoạt động quy mô lớn làm sạch toàn bộ địa bàn thủ đô, trong đó các nhiệm vụ chính là thu gom rác thải, loại bỏ các điểm sinh sôi của muỗi, tiến hành phun thuốc muỗi theo nhiều cấp độ, xử lý các ổ bọ gậy, kết hợp với các nhà chức trách cần thiết để mở và xử lý vệ sinh toàn bộ những ngôi nhà bị khóa cửa, kiểm soát chất lượng công việc và đánh giá thường xuyên diễn biến dịch bệnh.

Việc vận động sự tham gia tích cực các tổ chức quần chúng, được điều phối trong một Ban Chỉ huy duy nhất, kết hợp với một chiến dịch tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về vệ sinh và y tế hiệu quả, chính là nhân tố dẫn tới thành công của chiến dịch này”.

Chia sẻ quan điểm trên, bác sĩ – tiến sĩ Rosa Duran García nhận định: “việc kiểm soát phòng ngừa và can thiệp khi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết, bùng phát thành dịch là một hoạt động được trang trải hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước Cuba chi trả và do vậy mang đặc tính do chính phủ điều phối, đồng thời cũng mang đặc tính cộng đồng thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng. Mô hình này chính là sự đóng góp lớn nhất của Cuba trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh sốt xuất huyết này và ngày càng giúp ích cho việc hoàn thiện một giải pháp đối phó toàn diện với vấn đề y tế nghiêm trọng này”.

Chắc hẳn hệ thống phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung và sốt xuất huyết nói riêng của Cuba vẫn còn những hạn chế và khiếm khuyết nào đó, nhưng những thành tích của “hòn đảo tự do” đã được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế và chắc chắn việc tham khảo mô hình này sẽ là có ích cho các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với hiểm họa y tế này.

Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)