01:09 01/01/2019

Cuba, bản trường ca của niềm hy vọng

Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 1/1/1959, cách mạng Cuba đã thành công với tuyên ngôn cách mạng của lãnh tụ Fidel Castro tại thành phố Santiago và cuộc tổng đình công toàn quốc lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista, đồng thời đập tan âm mưu ngoại bang thay thế chính quyền vừa sụp đổ bằng một chính phủ bù nhìn khác.

Chú thích ảnh
Hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro tại một trường học ở La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Cột mốc đó vừa đánh dấu kết thúc thắng lợi quá trình đấu tranh vũ trang và chính trị khởi nguồn từ ngày 26/7/1953 với cuộc tấn công anh dũng vào Trại lính Moncada, vừa là sự khởi đầu một chặng đường mới của Cuba, chặng đường độc lập, tự chủ, chủ nghĩa xã hội mà dân tộc nhỏ bé nhưng anh hùng đã bền bỉ, cương quyết theo đuổi suốt 6 thập niên qua với không ít những chông gai, thử thách, cũng không thiếu những vinh quang và kỳ tích.

Ngay sau tuyên bố lịch sử đêm 1/1/1959, lãnh tụ Fidel và nhiều đồng chí của mình bắt đầu một hành trình mang tính lịch sử khác, cuộc Tuần hành Tự do kéo dài gần 7 ngày từ Santiago tới La Habana. Tại hàng chục điểm dừng trên dọc chiều dài đất nước, mục tiêu tối thượng của vị Tổng tư lệnh cách mạng là tái khẳng định bản chất vì nhân dân của cuộc cách mạng và củng cố cơ sở cho chính quyền cách mạng sau này. Trong các bài diễn văn trước đám đông quần chúng, ông luôn nhấn mạnh 3 điểm chính: lực lượng cách mạng không thể giành được chiến thắng nếu không có sự ủng hộ của nhân dân; thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng thuộc về toàn thể nhân dân; những thử thách còn cam go hơn vẫn ở phía trước mà để vượt qua, sự đồng lòng của nhân dân là yếu tố thiết yếu nhất.

Có thể nói những luận điểm được nêu trong cuộc Tuần hành Tự do đó chính là cốt lõi của phương thức cầm quyền xuyên suốt cho tới ngày nay của Chính phủ cách mạng Cuba, đó là “với toàn thể nhân dân, do toàn thể nhân dân và vì toàn thể nhân dân”. Đây cũng là điểm then chốt để lý giải tính chất “khác thường” của Cuba cách mạng, một quốc gia đang phát triển, nhỏ bé về quy mô và tiềm lực, không những có thể kiên cường kháng cự sức ép của bao vây cấm vận, mà còn từng bước xây dựng được một xã hội mới, một con người mới trong mỗi người dân của mình cả về thể chất, tinh thần lẫn diện mạo.

Khó có thể liệt kê hết những thử thách mà nhân dân Cuba đã đương đầu trong 60 năm qua, từ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính phi lý và ngặt nghèo với nhiều đợt siết chặt trong suốt hơn 50 năm qua - một “kỷ lục” trong lịch sử thế giới, cuộc tấn công quân sự trực tiếp trong 72 giờ tại bãi biển Girón, cho tới những chính sách và chiến dịch “kín đáo” hơn như đánh tháo chất xám, các tài năng thể thao và nghệ thuật, chiến dịch Mangosta nhằm phá hoại các trung tâm kinh tế của Cuba, nhiều hoạt động chiến tranh sinh học đánh vào cây trồng, vật nuôi chủ chốt, thậm chí là hàng loạt âm mưu và hành động ám sát nhắm vào các nhà lãnh đạo và thường dân Cuba, trong đó chỉ riêng lãnh tụ Fidel đã trải qua hơn 600 vụ mưu sát bất thành – một “kỷ lục” thế giới khác. Còn phải kể tới những hành động can thiệp nội bộ, cô lập về quốc tế và bôi nhọ, xuyên tạc thực tiễn liên tục mà các lực lượng hữu khuynh nước ngoài muốn bóp nghẹt và ngăn cản sức lan tỏa của ngọn lửa cách mạng Cuba, thực hiện.

Cũng trong 60 năm qua, khó thống kê hết những thành tựu sâu rộng và đáng tự hào mà “hòn đảo tự do” đã đạt được trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội với chính sách phát triển lấy con người làm trọng tâm. Nền giáo dục và hệ thống y tế toàn dân, miễn phí có chất lượng, chiến lược xây dựng nền văn hóa mới vừa dựa trên những tinh hoa dân tộc vừa rất cởi mở với những giá trị toàn cầu, chương trình phát triển khoa học – kỹ thuật bài bản với chọn lựa điểm nhấn phù hợp…

Sức lôi cuốn của cách mạng Cuba đặc biệt mạnh mẽ tại Mỹ Latinh. Sẽ không quá khi nói rằng nếu không có tấm gương tinh thần của Cuba vươn lên trong những nghịch cảnh khó khăn, thì các phong trào quần chúng tiến bộ tại khu vực này khó có thể đạt những bước tiến sớm và mạnh mẽ tới vậy. Các nhà phân tích cho rằng Cuba đã mở ra, về mặt tinh thần, con đường giải phóng Mỹ Latinh khỏi sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế, và hơn thế nữa, còn làm vậy tới hai lần: ngay sau khi cách mạng thành công với làn sóng nổi dậy của các lực lượng quần chúng khắp Mỹ Latinh theo hình thức đấu tranh vũ trang, và lần thứ hai, sau khi khối chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu tan rã những năm 1990.

Ý chí bền bỉ và khả năng ứng biến linh hoạt của Cuba khi đó, với việc bắt đầu mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy các ngành kinh tế khác ngoài mía đường, không chỉ giúp Cuba từng bước thoát khỏi khủng hoảng, mà còn là cảm hứng để các lực lượng tiến bộ Mỹ Latinh thay đổi phương thức đấu tranh sang mặt trận chính trị và từ đó, là làn sóng các chính phủ cánh tả lên cầm quyền tại khu vực thông qua bầu cử. Khi tình thế tưởng chừng như tuyệt vọng, Cuba vẫn không đầu hàng. Đó chính là sức mạnh của một sự nghiệp chính nghĩa được nhân dân đồng lòng ủng hộ.

Năm 2019, Cuba sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục công cuộc Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, cũng chưa phải lần cuối, Cuba đương đầu với khó khăn, và như từng được chứng minh trong suốt con đường cách mạng, Cuba sẽ tìm ra cách vượt qua sóng gió, từ trí tuệ và sự đoàn kết của nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản.

Chú thích ảnh
Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Cuba ở thủ đô La Habana ngày 21/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều đó phần nào đã được chứng minh qua cuộc thăm dò ý kiến quần chúng cho dự thảo Hiến pháp mới vừa qua: 8,9 triệu lượt người dân tham gia các cuộc họp với hơn 1,7 triệu ý kiến đóng góp, dựa vào những ý kiến này, Ban soạn thảo Hiến pháp mới đã tiến hành tới 760 thay đổi cho một văn bản vốn được soạn thảo một cách công phu và chuyên nghiệp. Những con số ấy còn cho thấy một sự thật khác: Đảng và nhân dân Cuba ý thức rất rõ về những khiếm khuyết và tồn tại của tiến trình cách mạng, cũng ý thức rất rõ rằng chỉ họ mới có quyền đưa ra những thay đổi cho vận mệnh đất nước. Cuba phải thay đổi và Cuba sẽ thay đổi, nhưng không phải để từ bỏ mà để tiếp nối con đường được khơi nguồn từ Moncada ngày 26/7/1953 và bắt đầu từ Santiago ngày 1/1/1959, theo đúng tinh thần mà lãnh tụ Fidel đã đề ra: “Cách mạng là sự cảm nhận thời khắc lịch sử, là thay đổi tất cả những gì cần thay đổi”.

Chừng nào còn có sự đoàn kết đó, dân tộc Cuba, với tính thông minh, bản lĩnh, quả cảm và ý chí kiên cường, sẽ còn viết tiếp bản trường ca anh hùng của mình để tìm tới bến bờ của bình yên, hạnh phúc và phát triển – chủ nghĩa xã hội. Và đó cũng là bản trường ca thắp lên niềm tin và hy vọng cho những con người luôn theo đuổi tự do chân chính trên khắp thế giới.

Lê Hà (TTXVN)