04:10 25/04/2011

Của trời cho”

Không ai có thể tưởng tượng bà lão 70 tuổi như bộ xương khô nằm trong viện dưỡng lão kia đã từng là cô gái đẹp mê hồn.

Không ai có thể tưởng tượng bà lão 70 tuổi như bộ xương khô nằm trong viện dưỡng lão kia đã từng là cô gái đẹp mê hồn.


Một đồn mười, mười đồn trăm, các anh bộ đội không đi qua cung đường đơn vị bà Ngà phụ trách chỉ nghe kể về vẻ đẹp của cô Ngà là ngẩn ngơ tiếc rẻ.


Bà Ngà yêu một anh lính tăng. Gặp nhau có vài lần mà đã yêu nhau tha thiết. Lần ấy, ông khoe với bà là đã gửi thư về nhà kể chuyện người yêu, khi nào hết chiến tranh sẽ cưới...


Vậy mà chuyến đi ấy ông đã đi, đi mãi không bao giờ trở lại. Bà Ngà cứ chờ đợi trong hy vọng và cả lo lắng cồn cào.


Đất nước thống nhất, bà Ngà trở về quê khi bước sang tuổi 33. Trên đường về, bà nhặt được một bé trai còn chưa cắt rốn bị vứt bỏ bên bờ mương, bà mừng quá gọi đó là của Trời cho, yêu nó như con mình rứt ruột đẻ ra, ẵm ngay về quê.


Bà đâu có ngờ, bà đi trước, tiếng xấu đi sau. Bà vừa về đến nhà, cả làng đã đồn ầm lên là bà chửa hoang bị đuổi. Bà thanh minh hết hơi nhưng bố mẹ không tin, họ đau khổ và nhục nhã với xóm giềng nên đay nghiến, rủa xả bà như rứt từng miếng thịt.


Ngày ấy, con gái chưa chồng đã khó lấy chồng, tuy bà Ngà vẫn còn rất đẹp nhưng ở tuổi 33 lại có một đứa trẻ ở bên thì cuộc đời coi như chẳng còn gì để hy vọng.


Nhìn sắc mặt bố mẹ, bà Ngà biết mẹ con bà là cái dằm trong trái tim bố mẹ nên khăn gói ôm con bỏ làng đi đến quê cô bạn thân khai hoang.


Cô thanh niên xung phong chẳng có gì là không làm được, chẳng cái khổ nào mà không vượt qua.


Bà Ngà làm quần quật từ trời còn tối đen cho đến đêm khuya cứ như người bị đầy khổ sai, nhưng bù lại, bên bà lúc nào cũng có tiếng đứa trẻ ê a ấm lòng.


Của Trời cho được bà Ngà đặt tên là Hiếu, bà mong sao sau này con hiếu thuận với mẹ. Có lẽ ông Trời cũng thương cho số phận hẩm hiu của bà nên cu Hiếu rất dễ nuôi, càng lớn nó càng đẹp trai, càng thông minh. Bà Ngà chỉ ngắm con mà bao nỗi nhọc nhằn bay biến.


Con nhà nghèo nhưng Hiếu không phải làm việc gì, mẹ bảo: Chỉ cần học cho giỏi là báo hiếu mẹ rồi...


Hiếu vào đại học thực sự là gánh nặng của bà Ngà. Những ngày vất vả với bom đạn ở chiến trường, những ngày ăn đói, mặc rách, vắt kiệt sức để kiếm tiền nuôi con đã để lại trong bà bao nhiêu mầm bệnh, ở cái tuổi ngoài 50, sức khỏe của bà Ngà suy kiệt thật nhanh, bà chẳng thể quần quật kiếm tiền như xưa, vậy mà chi tiêu của Hiếu ngày càng nhiều.


Bà Ngà giật gấu vá vai, vay nợ tứ tung mà cũng chỉ kham được 2 năm học cho con, bà đành bán dần mảnh đất thấm máu bàn tay bà để cho con ăn học tới cùng.


Đến năm thứ ba, Hiếu khoe đã có người yêu, cô người yêu là bạn cùng lớp. Bố cô là Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu hàng may mặc. Hiếu còn khoe: Học xong sẽ về công ty ấy làm việc, không phải lo kiếm việc làm...


Bà Ngà mừng chảy nước mắt, khoe khắp làng cái may mắn của mình. Càng ngày, Hiếu càng cần nhiều tiền hơn, bà Ngà lo tiền cho con đến cháy lòng, miếng đất cuối cùng cũng đã phải bán đi, chỉ còn lại ngôi nhà và mảnh vườn để mẹ con trú thân.


Thế rồi cũng đến ngày Hiếu tốt nghiệp, đi làm. Hiếu bàn với mẹ bán nhà lấy tiền mua nhà ở Hà Nội để mẹ con sống chung.


Mấy năm nay, nhờ có khu công nghiệp mở bên cạnh, nhà bà ra mặt đường nên mảnh đất của bà có giá, nhiều người đã đánh tiếng hỏi mua để xây khách sạn. Giờ nghe con bàn, bà cũng thấy có lý, con đâu mẹ đấy...


Mảnh đất quê cả nghìn mét vuông với bao nhiêu cây ăn quả đổi được một ngôi nhà hơn trăm mét vuông, bà Ngà tiếc đứt ruột, nhưng con bà thích là được.


Đến ngày bà Ngà khăn gói lên Hà Nội để ở với con thì Hiếu lại dẫn bà đến một ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, Hiếu bảo: “Mẹ ở tạm nhà này một thời gian, con cưới vợ xong thì sẽ đón mẹ đến ở chung.”


Thì ra Hiếu xấu hổ với thân phận con bị bỏ rơi của mình, nên đã nói dối mọi người là bố mẹ đang làm ăn ở nước ngoài. Cậu bảo ngôi nhà mới mua là quà mừng cưới của bố mẹ cậu tặng hai vợ chồng. Cậu còn nói dối là bố đang bệnh nên hai người không về được, nhờ bác lo liệu hết cho.


Hiếu khóc lóc van xin bà Ngà giữ kín vì Hiếu không muốn người yêu khinh rẻ mình và càng không muốn mất người yêu.


Bà Ngà suy sụp, nằm bẹp mấy ngày trời rồi bà chép miệng: Nó cũng có cái sĩ của nó...


Trong nỗi đau đớn, thất vọng, bà Ngà vẫn bấu víu vào một tia hy vọng mong manh sẽ có ngày hai mẹ con đoàn tụ.


Vốn là người năng động, bà Ngà chẳng thể ăn không ngồi rồi chờ ngày đoàn viên nên bà nấu thúng xôi đem bán, kiếm tiền. May sao, bà bán nước bên kia đường nhà Hiếu cũng là thanh niên xung phong nên để bà Ngà ngồi bán chung.


Được vài tháng thì Hiếu phát hiện ra, nó đến nhà trọ mắng bà té tát là bôi tro trát trấu vào mặt nó, cấm bà lai vãng đến gần nhà nó. Lần này thì nó chẳng còn mẹ con gì nữa, cứ bà với tôi mà gầm rú.


Đêm ấy, bà Ngà khóc hết nước mắt rồi quyết định về quê. Nhưng ra đến bến xe thì bà chẳng biết đâu là quê của mình để mua vé... Bà cứ lay lắt, vạ vật ở bến xe mười mấy năm trời.