06:08 06/06/2012

Cử tri kêu gọi tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Sáng 5/6, phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Sáng 5/6, phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

 

Xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho nông thôn


Cử tri Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ sự đồng tình cao với các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 5/6. Đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, được cả hệ thống chính trị quan tâm và tích cực ủng hộ. Đây là cơ hội lớn để cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong thời gian qua nhằm kiềm chế lạm phát đã đạt được nhiều kết quả lớn song cũng làm chậm tiến độ phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn so với kế hoạch phân kỳ hàng năm ở các địa phương. Cử tri Nguyễn Văn Vui kiến nghị trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như: giao thông, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, trường học, điện nông thôn… Chính phủ chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần có chính sách vĩ mô trong việc xuất gạo để các nhà khoa học, nông dân, địa phương có hướng chỉ đạo nông dân sản xuất lúa gạo đúng theo kế hoạch, dễ tiêu thụ, tránh điệp khúc “trúng mùa - mất giá” vì sản xuất lúa kém chất lượng như hiện nay.

 

Tránh đầu tư dàn trải


Cử tri Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch UBND xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị về việc làm thế nào để đầu tư công đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao nhất.


Ông Nguyễn Hữu Hiền khẳng định: “Tôi đồng ý với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ở̉ những vùng nông thôn nghèo, đầu tư công cho tam nông đã có nhiều tác động rất tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những bất cập lớn, nhất là trong việc xây dựng chính sách dẫn đến nhiều chính sách không khả thi. Ví dụ như quy định nông dân phải mua máy móc nông nghiệp sản xuất ở Việt Nam mới được hỗ trợ, xã An Nhơn không ai được hỗ trợ đồng nào vì nông dân không thể mua được máy. Nhà nước cần tập trung đầu tư đẩy mạnh xây dựng mô hình điểm cây trồng, vật nuôi và đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi vì đây là những vấn đề bức thiết nhất trong tam nông hiện nay. Đặc biệt cần tăng cường mức đầu tư công ở các vùng nông thôn nghèo vì dân còn khó khăn nên không có điều kiện đóng góp theo tỷ lệ trong xây dựng các công trình”.


Tăng hàm lượng công nghệ trong nông nghiệp


Là nhà khoa học gần 20 năm gắn liền với nông nghiệp, nông dân, PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên cho rằng còn có nhiều “khoảng mờ” trong đầu tư công cho tam nông như các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra trên diễn đàn Quốc hội. Theo ông Dương Tấn Nhựt, để đầu tư công cho tam nông đạt hiệu quả cao hơn cần hỗ trợ nông dân đầu tư trực tiếp để hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều sâu; tăng cường đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, gắn chặt gia tăng hiệu quả kinh tế, với bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân một cách bền vững. Trong đó, nâng cao hàm lượng công nghệ trong nông nghiệp là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu cùng với việc ưu tiên ứng dụng, phát triển các kỹ thuật đó rộng rãi trong tam nông. Cùng đó, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng về chính sách đầu tư, đào tạo, nâng cao năng lực toàn diện; quy hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển. Những vấn đề trên cần được triển khai, phát triển theo mô hình hợp tác, tương hỗ giữa tam nông với các khu vực khác của xã hội, mối gắn kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học phải được phát huy đến mức cao nhất.

 

Nhóm phóng viên (thực hiện)