06:15 13/06/2015

Cử tri hài lòng với trả lời chất vấn của PTT Nguyễn Xuân Phúc

Phần trả lời chất vấn quốc hội của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Phóng viên TTXVN tại một số địa phương đã phản ánh ý kiến cử tri về phần này.

Phần trả lời chất vấn quốc hội của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Phóng viên TTXVN tại một số địa phương đã phản ánh ý kiến cử tri về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/6. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



"Phó Thủ tướng trả lời khá thẳng thắn, không né tránh, giải đáp nhiều câu hỏi tâm huyết của đại biểu quốc hội" - Đó là ý kiến của đông đảo cử tri Hà Nội về phần đăng đàn trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào sáng ngày 13/6.

Đặc biệt quan tâm đến phần trả lời câu hỏi liên quan đến chủ trương sử dụng quỹ ngoại hối của chính phủ đang gây tranh luận trái chiều, cử tri Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại ATP (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Rất vui khi thấy Phó Thủ tướng trả lời rằng chính phủ chưa có chủ trương dùng quỹ này, tất cả mới chỉ là thảo luận. Nguồn dự trữ này sẽ không bị sử dụng tùy tiện".

Theo ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Hương, chính phủ nên hết sức cân nhắc việc dùng dự trữ ngoại hối quốc gia bởi rút tiền từ quỹ đó ra để tiêu là tín hiệu xấu. Việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối chỉ nên được coi là giải pháp cuối cùng,...

"Dù đã đạt mức kỷ lục trên 35 tỷ USD nhưng quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với bình quân trong khu vực. Nay nếu ta rút bớt ngoại tệ từ quỹ đó ra để chi tiêu, rủi ro sẽ tăng cao. Vì thế, mong chính phủ thực hiện đúng những nội dung, những cam kết trước Quốc hội và theo sát tình hình, điều hành chính sách linh hoạt, sát thực tế, đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức", cử tri Nguyễn Thị Hương bày tỏ.

Cũng theo cử tri Hương, năm 2015 khu vực ngân hàng dù bước đầu đã có sự tái cơ cấu, sáp nhập nhưng chưa tạo ra hệ thống ngân hàng mạnh. Vì vậy, cử tri mong muốn chính phủ rà soát lại, thắt chặt hơn nữa đầu tư công, có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, đưa kinh tế vượt qua những thách thức, đạt mức tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau.

Nhận xét phiên chất vấn, cử tri Nguyễn Thanh Huyền, tiến sỹ Luật Kinh tế, Đại học Lao động - Xã hội cho biết, các câu hỏi của các đại biểu rải rác ở nhiều vấn đề, từ đạo đức công vụ, chế độ công vụ, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu xa dân gần quan, tự đánh mất năng lực lắng nghe của không ít các "công bộc"; chính sách cho các hộ nghèo ở miền Tây Nam Bộ; vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế; cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa; chống buôn lậu; sử dụng quỹ ngoại hối; đến tình hình Biển Đông...

Cử tri Nguyễn Thanh Huyền cho rằng, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn giải trình nhanh, gọn các vấn đề trên, nhất là phần trả lời trước Quốc hội về việc cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

"Tôi tán thành chủ trương của chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cần có thêm các bài toán dự phòng trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này. Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa. Việc ép tiến độ cổ phần hóa có thể sẽ khiến cho kết quả cổ phần hóa của một số tập đoàn nhà nước không còn nhiều ý nghĩa", cử tri Huyền đưa ý kiến.

Đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp này, cử tri Nguyễn Thị Kính (cán bộ hưu trí ở khu phố 3, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Tuy lĩnh vực cần trả lời khá rộng nhưng Phó Thủ tướng đã trả lời khá đầy đủ, chi tiết thể hiện được sự sâu sát trong công việc chung của đất nước hiện nay.

"Tuy nhiên, trong phần trả lời còn thiếu các giải pháp cụ thể. Đối với các vấn đề quan trọng như hội nhập kinh tế quốc tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả, phòng chống tham nhũng... Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể hơn, thể hiện vai trò kết nối giữa các ngành, tránh sự chồng chéo trong công tác quản lý, triển khai các chính sách không thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương", cử chi Kính nhận định.

Bên cạnh đó cử tri Nguyễn Thị Kính nhấn mạnh, đối với các vấn đề thời sự nóng như vụ chặt cây xanh, vấn đề lấn sông Đồng Nai, tai nạn giao thông, người dân mong muốn phải có giải pháp, quyết định mạnh mẽ, dứt khoát để người dân yên tâm.

Mặt khác, trong xử lý, giải quyết các vấn đề phải giao trách nhiệm và quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương để tránh đùn đẩy, chồng chéo trách nhiệm.

Tán thành với phần giải trình bổ sung của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, cử tri Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có tiến chuyển hơn trước.

Đại biểu chất vấn và Phó Thủ tướng trả lời chất vấn đã nêu ra được các vấn đề được cử tri quan tâm hiện nay. Cho rằng những vấn đề được nêu ra, nhất là những nội dung được tập trung chất vấn lần này như nợ công, cải cách nền công vụ,... đã được phản ánh rất nhiều trong các cuộc họp Quốc hội, chính phủ và nhiều hội nghị chuyên ngành liên quan khác.

Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra để khắc phục vẫn còn khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ nào. Cụ thể như vấn đề chống tham nhũng, các giải pháp mà Phó Thủ tướng đưa ra chủ yếu vẫn là các giải pháp có sẵn từ trước đó.

Theo cử tri Đặng Văn Khoa, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chính phủ, bộ ngành cần tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác điều hành, giải quyết các vấn đề của đất nước, trong đó phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ quyết liệt hơn, có những chương trình hành động cụ thể, hiệu quả, có tác động hạn chế thấp nhất những hậu quả, tránh tình trạng cơ quan chức năng phải chạy theo sau, đi giải quyết hậu quả như câu chuyện về chặt cây xanh ở Hà Nội, giải quyết hàng nông sản bị ứ đọng, một quả trứng mà có tới 14 loại phí, lấp sông Đồng Nai....

Nhiều cử tri của tỉnh Kiên Giang bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, thắn thắn của Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 13/6,

Cử tri Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ một triệu tấn thóc quy gạo cho nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là hết sức đúng đắn.

Qua đó, không còn “điệp khúc” được mùa, mất giá như trước đây khi mà đến thời điểm thu hoạch lúa rộ thì luôn bị tư thương ép giá dẫn đến tình trạng nông dân trồng lúa không có lãi.

Cử tri Huỳnh Văn Gành mong muốn chính phủ tiếp tục thực hiện để người nông dân làm ra hạt lúa an tâm sản xuất, góp phần ổn định nguồn lương thực.

Cử tri Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tâm đắc nhất với vấn đề làm thế nào để khai khác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường bền vững.

Theo cử tri Quảng Trọng Thao, tài nguyên hải sản biển được hình thành trong nhiều triệu năm, thế nhưng những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ giảm dần. Sự khai thác quá mức làm thay đổi lớn đến môi trường sống và nguồn tài nguyên biển.

Số lượng tàu thuyền đánh cá tăng lên không ngừng, tập trung ở nhóm tàu có công suất thấp, hoạt động ở vùng nước gần bờ. Bên cạnh đó, một số nơi còn khai thác áp dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt và ngư cụ không chọn lọc dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng...

Trước tình hình trên, cử tri mong muốn chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp điều chỉnh giảm áp lực khai thác và giảm thiểu tác động đến môi trường sống của các loài hải sản.

Cần phải xác định khu vực, thời điểm hay mùa vụ khai thác nhằm tránh việc khai thác khi các loài hải sản sinh sản, còn non chưa trưởng thành; ngăn chặn các phương pháp đánh bắt có hại; nghiên cứu áp dụng ngư cụ mang tính chọn lọc; bảo vệ hệ sinh thái vùng gần bờ.

Hiện nay, các đội tàu khai thác gần bờ đã vượt quá mức cho phép cần phải có sự điều chỉnh hợp lý số lượng tàu thuyền tham gia khai thác vùng này bằng hình thức chuyển đổi ngành nghề hoặc nâng cấp, cải hoán tàu để các phương tiện này có đủ khả năng đánh bắt xa bờ.

Cử tri cũng mong muốn chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ đã được Quốc hội phê duyệt cần được đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn trong thực tế.
TTXVN/Tin tức