05:17 21/05/2011

Cử tri gửi gắm niềm tin vào các ứng cử viên

Ngày 22/5/2011 là ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Ngày 22/5/2011 là ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đây thực sự là ngày hội của toàn dân, thông qua lá phiếu bầu, người dân sẽ gửi gắm niềm tin vào các ứng cử viên và chọn ra những người có đủ đức đủ tài để bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương đã hoàn tất, một số nơi đã tổ chức bầu cử sớm.

Cử tri huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bỏ phiếu sớm bầu ĐBQH và ĐBHĐND các cấp (ngày 15/5/2011).
Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN

Năm nay, tại các cuộc tiếp xúc của ứng cử viên, đa số cử tri đều nhất trí với chương trình hành động và cho rằng các ứng cử viên đều đủ năng lực, phẩm chất để làm người đại biểu của nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Cử tri cũng gửi gắm nhiều tâm tư nguyện vọng đối với người ứng cử nếu đắc cử cần thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để đề ra các giải pháp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và các địa phương...

Trong chương trình hành động, các ứng viên đều bày tỏ trên cương vị công tác sẽ đem hết tài năng, tâm huyết của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp giải quyết hoặc tham mưu cho các cấp chính quyền để đưa ra những quyết sách phù hợp với tình hình của các địa phương nhằm chăm lo tốt cho cuộc sống của nhân dân.

Tại các địa phương, vào những ngày này dễ nhận thấy trên các con đường lớn từ trung tâm thành phố đến các huyện, xã, đâu đâu cũng treo những khẩu hiệu, băng rôn… để chào mừng cho ngày hội lớn của toàn dân tộc. Tại các điểm bầu cử, danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã được niêm yết nhằm giúp cử tri tìm hiểu thông tin đối với mỗi ứng cử viên.

Đặc biệt, tại một số điểm bầu cử thuộc các xã vùng cao như hai xã Hang Kia và Pà Cò Mai Châu (Hòa Bình), có trên 98% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên không biết chữ và tiếng phổ thông còn khá cao, Ủy ban bầu cử địa phương đã chọn những cán bộ có nhiều kinh nghiệm, thông thạo địa bàn, hiểu biết về đời sống, sinh hoạt của bà con tuyên truyền những thông tin cần thiết về Luật Bầu cử bằng tiếng dân tộc giúp người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử.

Được phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Trung ương, đến nay đã có ba đơn vị tổ chức bầu cử sớm là huyện đảo Trường Sa; cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên 59 điểm, đảo, nhà giàn và ngư dân đánh bắt hải sản trên các ghe tàu tại vùng biển DK1, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đúng 7 giờ sáng ngày 15/5, tại huyện Mường Tè, hơn 8.000 cử tri thuộc 4 xã Mường Mô, Ka Lăng, Tà Tổng, Mù Cả, thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu. Theo tổng hợp của Ban Bầu cử huyện Mường Tè, 100% số cử tri của 4 xã đi bỏ phiếu đúng giờ theo quy định. Cùng thời điểm này, tại huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cử tri của 21 điểm bỏ phiếu thuộc thị trấn Trường Sa và hai xã Sinh Tồn, Song Tử Tây đã bỏ những lá phiếu đầu tiên để bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Chiều 16/5, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên 59 điểm, đảo, nhà giàn và ngư dân đánh bắt hải sản trên các ghe tàu tại vùng biển DK1 thuộc khu vực bỏ phiếu số 9, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã hoàn thành việc bầu cử sớm theo quy định.

Thành Hiển
(tổng hợp)