11:21 06/11/2020

Cử tri đánh giá phiên chất vấn bám sát những vấn đề thực tế của đời sống xã hội 

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Qua theo dõi, nhiều cử tri ở Hải Phòng, Phú Yên và Vĩnh Phúc đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã phản ánh được những vấn đề "nóng" liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự của đất nước.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bám sát những vấn đề thực tế, bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội

Cử tri thành phố Hải Phòng đánh giá cao nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 6/11. Nội dung tại phiên chất vấn ngắn gọn, xúc tích, bám sát những vấn đề thực tế, bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân trước Quốc hội.

Về nội dung xét xử và thi hành án, ông Nguyễn Bình Doãn, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đạt hiệu quả cao đáng ghi nhận. Đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, đã đưa ra xét xử nhiều đại án, truy tố nhiều bị cáo có thân nhân là cán bộ cấp cao (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành phố...) tội tham nhũng, không có vùng cấm, không có sự hạ cánh an toàn. Qua đó đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, lấy lại niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan chức năng thi hành án còn chậm, hiệu quả thấp so với số tài sản bị thất thoát. Đề nghị làm rõ nguyên nhân và Quốc hội cần tập trung giám sát chặt chẽ công tác này.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên

Kỹ sư kinh tế Phan Đình Toán, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đạt kết quả tích cực, thiết thực; đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu. Đối với vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cần tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm hiệu quả việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai. Việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương cũng như địa phương phải bảo đảm đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ phê duyệt; Kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư vi phạm quy hoạch, chậm tiến độ. Đồng thời, rà soát toàn bộ tiền sử dụng đất, xây dựng kế hoạch, điều chỉnh giá đất bảo đảm theo đúng quy định.

Là địa phương thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của lũ lụt nên cử tri Phú Yên rất quan tâm đến phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà về vấn đề bảo vệ rừng để phòng tránh thiên tai. Cử tri Huỳnh Kim Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Khu phố trưởng Khu phố Nguyễn Du, thành phố Tuy Hòa cho rằng: Trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường rất sát thực, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Việc rà soát, trồng bổ sung rừng có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều nơi rừng cần sớm được phục hồi và vấn đề này cần sự chủ động từ các địa phương. Quốc hội cần có chuyên đề giám sát trên diện rộng đối với vấn đề bảo vệ, phát triển rừng.

Có chung quan tâm đến vấn đề trên, cử tri Nguyễn Ngọc Khố, cán bộ hưu trí Phường 7, thành phố Tuy Hòa nêu ý kiến: Cần phải đánh giá một cách khoa học, chi tiết ảnh hưởng của việc xây dựng thủy điện đối với phát triển rừng. Các dự án khi triển khai thực hiện nếu có liên quan đến rừng cần phải có đánh giá tác động môi trường cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề trồng rừng thay thế cũng nên giám sát chặt chẽ.

Cử tri Nguyễn Hoài Nam, công tác tại phòng Nội vụ, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho rằng: Trước những vấn đề biến đổi khí hậu, mưa bão gây lũ lụt, sạt lở triền miên, đặc biệt là năm 2020 đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm bởi thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng con người... nhiều ý kiến đại biểu thẳng thắn làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt biệt là những yếu tố con người gây ra và cho rằng cần ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa và hãy trả lại màu xanh cho rừng. 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian phân tích những nguyên nhân chủ quan do con người, chất lượng rừng còn thấp do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá trong chiến tranh, trong quá trình khôi phục để phát triển kinh tế, chất lượng rừng trồng chưa đạt như rừng tự nhiên,... Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đặc biệt là tình trạng phá rừng lấy gỗ, xây nhà. Công tác trồng rừng thay thế tại các dự án lấy đất rừng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ. Cử tri Nguyễn Hoài Nam tâm đắc với phân tích của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và cho rằng cần quan tâm đầu tư nâng cao diện tích rừng và trả lại cho rừng màu xanh thực sự với những cây rừng bản địa có tầm vóc cao lớn như chính những đại biểu Quốc hội và đông đảo người dân mong đợi.

Các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích

Báo chí có vai trò rất lớn trong đời sống, xã hội, là người công tác trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Phú Yên đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng liên quan đến tôn chỉ, mục đích hoạt động báo chí. Việc xác định rõ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí là cần thiết và giúp cho cơ quan báo chí đó có điều kiện phản ánh vấn đề một cách sâu sắc trong lĩnh vực của mình. Đây cũng là cách để bản thân mỗi nhà báo thuận lợi trong tác nghiệp; có sự theo dõi, giám sát dễ dàng, chặt chẽ hơn.

Cử tri Triệu Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Vấn đề quản lý thông tin, quản lý báo chí đã được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khá thẳng thắn, đề cập các góc độ, nhiều khía cạnh, điều này cũng thể hiện xã hội đang rất quan tâm những vấn đề trên. Những năm gần đây, Internet và mạng xã hội bùng nổ khiến báo chí rơi vào vòng xoáy của cuộc đua thông tin. Phóng viên chạy theo cuộc đua, xử lý thông tin một cách nhanh nhất, các cơ quan báo chí sẽ đối mặt với nguy cơ để lọt thông tin không chính xác hay còn gọi là tin giả, tin xấu, tin độc hại... do thiếu kiểm chứng kỹ, gây ra những hậu quả tiêu cực...   

Các đại biểu đề cập tới tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân; còn có những bài báo, phóng viên cơ quan báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã và đang xảy ra, đòi hỏi người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời, có các giải pháp xử lý... là rất đúng, trúng, nêu bật được vấn đề nhiều người dân quan tâm, bức xúc nhất trong xã hội hiện nay.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời thẳng những nội dung các đại biểu chất vấn và nêu các giải pháp để quản lý thông tin, quản lý báo chí... Theo Bộ trưởng, năm 2017, có thời điểm mỗi tuần có đến hàng chục vụ được phát hiện, đây là hành vi sai trái. Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban định kỳ, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp nên hiện tượng này đã giảm đáng kể. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017, số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 là tăng 8 lần so với năm 2017, số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với 2017.

Theo cử tri Triệu Thị Thanh Bình, những năm qua, số vụ vi phạm các quy định của Luật báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp của các cơ quan báo chí, nhà báo giảm nhiều theo từng năm. Điều này thể hiện các giải pháp, biện pháp, các quy định áp dụng trong công tác quản lý thông tin, quản lý báo... nói chung có hiệu quả và sát với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông. Tuy vậy, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành quản lý báo chí cũng cần xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí để đảm bảo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động đúng luật; cần có các quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn để các cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động hiệu quả, phản ảnh thông tin kịp thời, chính xác, khách quan hơn nữa; đồng thời xử phạm nghiêm, đúng pháp luật những cơ quan báo chí, nhà báo cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần những quy định của pháp luật về báo chí...

PV TTXVN tại các địa phương (TTXVN)