12:13 21/12/2010

Cú hích cho du lịch Nam Trung Bộ?

Năm 2011, Phú Yên sẽ là tỉnh đăng cai sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ với chủ đề “Du lịch biển, đảo”. Đây cũng là sự kiện mở màn cho định hướng chiến lược lấy du lịch biển là trọng tâm phát triển du lịch trong 10 năm tới.

Năm 2011, Phú Yên sẽ là tỉnh đăng cai sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ với chủ đề “Du lịch biển, đảo”. Đây cũng là sự kiện mở màn cho định hướng chiến lược lấy du lịch biển là trọng tâm phát triển du lịch trong 10 năm tới. Năm du lịch đầu tiên được tổ chức tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển đảo này, nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm du lịch, phát huy được thế mạnh của du lịch biển đảo.

Phát triển du lịch chưa đồng đều…

Ông Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, với bãi biển trải dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, vùng biển Nam Trung bộ có nhiều bãi biển, vịnh đẹp nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác tương xứng để phát triển du lịch.

Du khách ngâm mình, tắm trong hồ bơi khoáng ấm phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết. Ảnh : Anh Tuấn – TTXVN


Dễ nhận thấy sự phát triển du lịch chưa đồng đều giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Với lợi thế khai thác từ sớm, hạ tầng thuận tiện, các điểm du lịch tại Đà Nẵng, Hội An - Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận đã trở thành thương hiệu du lịch có tiếng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong khi đó dù có tiềm năng lớn nhưng khai thác du lịch tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận vẫn còn hạn chế. Một mặt do điều kiện địa lý, nhưng mặt khác có thể thấy hạ tầng du lịch chưa phát triển cũng đang là một rào cản lớn.

Bà Huỳnh Thị Kim Hương, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Sao Việt (Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: “Dịp hè, khu du lịch sinh thái đạt công suất tới 70-80% số phòng, nhưng tháng vừa rồi do mưa bão nên công suất phòng giảm rất nhiều. Phải thừa nhận kinh doanh du lịch tại Phú Yên chưa phát triển do điều kiện địa lý (xa cách), điều kiện khách quan (kinh tế chưa phát triển). Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút khách đến với Phú Yên là hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, ví dụ như đường hàng không chỉ mới đón máy bay nhỏ nên gây khó khăn cho việc khai thác, thậm chí khiến chúng tôi bị thiệt hại. Dịp hè vừa rồi, chúng tôi có những đoàn khách khoảng 40-50 người đến từ Nga, Thụy Điển… nhưng khi không có đủ vé máy bay cho khách đi, họ chuyển hướng ra Nha Trang khiến chúng tôi mất nhiều khách.


Khách bay thẳng đến Nha Trang, rồi từ đó ra Phú Yên xa, hạ tầng đường bộ khó khăn nên khách ngại đến. Sắp tới chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia diễn ra tại Phú Yên cần cải thiện hạ tầng giao thông, trước mắt là khả năng đáp ứng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay Tuy Hòa, để đón những chuyến máy bay lớn. Doanh nghiệp du lịch Phú Yên rất mong chờ sự kiện du lịch quốc gia diễn ra năm 2011”.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng cần có sản phẩm đặc trưng để hấp dẫn khách. Anh Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty lữ hành Mai Phượng Vy chi nhánh Hà Nội cho rằng: Khi tổ chức tour cho khách quốc tế vào Việt Nam đi dọc miền Nam Trung bộ, Đà Nẵng sẽ là điểm trung chuyển khách, sau đó khách đến du lịch tại Hội An và Mỹ Sơn rồi di chuyển bằng đường bộ vào Nha Trang (Khánh Hoà), Mũi Né (Bình Thuận). Với quãng đường di chuyển dài như vậy, đơn vị lữ hành chỉ bố trí cho khách nghỉ qua đêm tại Quy Nhơn (Bình Định). Các đơn vị vẫn chưa đưa khách đến các điểm du lịch tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận bởi chất lượng dịch vụ còn yếu, điểm tham quan na ná nhau. Nếu muốn thu hút khách, các tỉnh này phải có sản phẩm đặc trưng khác để tạo lực hút!

Liên kết vùng để đa dạng sản phẩm

Để thu hút khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách, cần thúc đẩy việc liên kết tạo ra sản phẩm mang tính liên vùng để hỗ trợ nhau phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại địa phương cũng cần đưa ra những sản phẩm mới, độc đáo. Ông Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận: Với bờ biển kéo dài, nhiều vịnh, đầm thì sản phẩm du lịch chính của Phú Yên là du lịch biển, đảo. Do phát triển sau, nên các bãi biển còn khá hoang sơ, vì vậy, tỉnh Phú Yên đã xác định, để phát triển bền vững, môi trường sẽ được đặc biệt chú ý. Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch và tuân thủ theo quy hoạch phát triển du lịch biển.

Còn với từng sản phẩm du lịch cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch sẽ chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để tạo sản phẩm cụ thể để lôi kéo khách; trước mắt có thể liên kết theo từng cụm như sản phẩm du lịch kéo khách từ Nha Trang ra Phú Yên, Bình Định; với Quảng Ngãi kéo khách từ Quảng Nam vào… Ông Hồ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam cho rằng, để kéo du khách quốc tế ra khỏi điểm tham quan truyền thống là phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn, một số doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra sản phẩm khá độc đáo như: Đánh cá, chèo thuyền, lắc thúng, trồng rau… Một sản phẩm tưởng đơn giản nhưng khi liên kết với nông dân đã tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị về công việc nhà nông, ngư dân. Du lịch cộng đồng đang là thế mạnh tại nhiều vùng nông thôn, làng chài ven biển, vấn đề là sự đầu tư, hướng dẫn của doanh nghiệp du lịch; cơ chế hỗ trợ của địa phương mới mong tạo một sản phẩm đặc trưng của sản phẩm mỗi vùng, mỗi tỉnh.

Ông Lê Kim Anh khẳng định, sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ diễn ra tại Phú Yên năm 2011 hy vọng sẽ là cú huých cho du lịch của tỉnh tăng trưởng vào các năm tiếp theo. Các hoạt động trong Năm du lịch 2011 sẽ là dịp quảng bá mạnh mẽ du lịch biển đảo của tỉnh, của vùng; và cũng là bước đi đầu tiên nhằm gây dựng thương hiệu du lịch biển đảo gắn với môi trường sạch đẹp; thu hút các nhà đầu tư đến với những vùng biển nhiều tiềm năng tạo ra những dịch vụ, sản phẩm du lịch mới thu hút khách.


Ý kiến

Anh Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour: Để thu hút khách đến với khu vực, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trước hết cần cùng nhau tiến hành quảng bá, xúc tiến điểm đến cả khu vực, trong đó cần nêu bật đặc thù của biển miền Trung với những bãi biển đẹp, thời tiết ấm áp, quảng bá đường bay mới, dịch vụ mới… Đây mới là hình thức liên kết hợp tác có tính thực tế và mang hiệu quả giữa các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

 

Anh Trần Quới, phóng viên báo Phú Yên: Ngoại trừ Nha Trang (Khánh Hòa) có điểm du lịch Vinperland có điểm vui chơi giải trí, còn các tỉnh khác, dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu, yếu nên mới chỉ khai thác ở mức độ khách đến tham quan. Các dịch vụ gia tăng trong du lịch hầu như không có, nên khách chi tiêu thấp, lưu trú ngắn. Nếu chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng thuần túy thì sẽ rất khó liên kết sản phẩm du lịch giữa các tỉnh bởi na ná nhau.

 

Ông Trần Vĩnh Bình, Tổng Giám đốc khu du lịch Longbeach (Phú Yên): Nói tới du lịch biển đảo phải khai thác loại hình du lịch tàu biển. Nếu để doanh nghiệp du lịch tự làm sẽ không đủ sức nên cần có cơ chế, hỗ trợ của Nhà nước. Loại hình du lịch tàu biển sẽ cho ra những sản phẩm tour liên kết từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đây là phương tiện rẻ, đi lại thuận tiện, nhất là trong lúc còn khó khăn, bất cập về đường không, đường bộ.



Xuân Cường