08:18 15/08/2022

Cụ bà nhập viện cấp cứu khi dùng thuốc dân gian 'truyền miệng'

Sau một tuần bỏ thuốc điều trị đái tháo đường do bác sĩ kê toa để chuyển sang dùng bài thuốc dân gian người quen giới thiệu, bà N.T.M.T (61 tuổi) liên tục nôn ói, lả mệt nên người nhà phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 15/8, bác sĩ CKII Lê Hồng Hải, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhân nữ N.T.M.T. (61 tuổi) với kết quả biến chứng cấp tính nghiêm trọng của đái đáo đường là nhiễm toan ceton với tiền sử là bỏ thuốc điều trị đái tháo đường 7 ngày trước khi nhập viện.

Chú thích ảnh
Bà T được các bác sĩ khám bệnh và lên phác đồ điều trị lâu dài. Ảnh: BV

Qua khai thác bệnh sử, cách đây một năm, bà M.T phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị đều đặn tại một bệnh viện gần nhà. Tuy nhiên, gần đây, qua lời người quen giới thiệu, bà T đã ngưng sử dụng thuốc bác sĩ kê toa và tự chuyển sang bài thuốc dân gian. Sau một tuần bỏ thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, bà T mệt lả, bụng đau râm ran nên người nhà đưa bà đến phòng khám gần nhà điều trị nhưng các triệu chứng không giảm. Sau đó, bà T đã được đưa cấp cứu tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.

Bác sĩ Lê Hồng Hải cho biết, kết quả xét nghiệm máu, định lượng ceton, urê, siêu âm ổ bụng ghi nhận chỉ số HbA1C (phản ánh tình trạng glucose) của bệnh nhân M.T rất cao, đến 13,7% (bình thường 4% - 6%). Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ Lê Hồng Hải nhận định, bệnh nhân M.T đã không kiểm soát tốt đường huyết trong vòng 3 tháng nay và việc bỏ thuốc trong 7 ngày qua dẫn đến nhiều hệ lụy như bị suy giảm chức năng thận, giảm natri máu và viêm ruột do không kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, người bệnh còn nhiễm toan ceton, là một biến chứng cấp tính nghiêm trọng của đái tháo đường.

“Bệnh nhân được dùng thuốc chống nôn, truyền insulin, bù dịch… Sau điều trị, tình trạng thận suy cải thiện, natri máu bình thường trở lại, không còn viêm ruột. Người bệnh tiếp tục được bác sĩ khoa Cấp cứu phối hợp với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường lên phác đồ điều trị lâu dài. Khi đường huyết đã cải thiện, bà T được tiếp tục tiêm insulin dưới da, sau đó dùng thuốc uống, theo dõi sức khỏe tổng thể”, bác sĩ Lê Hồng Hải cho biết thêm.

Theo bác sĩ Lê Hồng Hải, một trong những biến chứng đáng sợ của đái tháo đường là nhiễm toan ceton. Biến chứng này xảy ra khi cơ thể không đủ insulin để chuyển hóa glucose theo con đường yếm khí tạo ra ceton gây ceton máu. Tình trạng này thường gặp ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 do tuyến tụy không tạo ra bất kỳ insulin nào. Còn ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, nhiễm toan ceton xảy ra khi không điều trị, điều trị không đúng theo chỉ định của bác sĩ, không điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp trong thời gian dài.

“Các triệu chứng của nhiễm toan ceton rất nguy hiểm, có nguy cơ cao bị đau bụng, hôn mê, phù não, rối loạn tri giác, mất ý thức… thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng cũng suy giảm chức năng thần kinh. Do đó, ngay khi thấy các triệu chứng nhiễm toan ceton như khô miệng, da khô, đau bụng, đau đầu, nôn mửa, lơ mơ, hơi thở có mùi táo chín… người bệnh đái tháo đường nên khẩn trương đến bệnh viện để được điều trị tích cực”, bác sĩ Lê Hồng Hải nhấn mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa nhiễm toan ceton, người bệnh đái tháo đường cần được điều trị liên tục với thuốc theo chỉ định của bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc hay chữa bệnh theo các cách của dân gian. Việc tự ý bỏ dùng thuốc, đổi thuốc, điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cấp tính (nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu) cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm như suy thận cấp, viêm ruột, viêm dạ dày, phù não…

Đan Phương/Báo Tin tức