01:16 05/01/2021

Croatia ban bố tình trạng thảm họa tại các khu vực chịu ảnh hưởng động đất

Ngày 4/1, Croatia đã ban bố tình trạng thảm họa đối với khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi trận động đất kinh hoàng xảy ra cuối tháng 12 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau trận động đất ở thị trấn Petrinja, cách thủ đô Zagreb, Croatia khoảng 50km về phía Đông Nam, ngày 29/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong phiên họp chính phủ, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết Chính phủ đã đưa ra quyết định trên sau khi có đầy đủ thông tin về khu vực bị thiệt hại do trận động đất gây ra. Theo đó, tình trạng thảm họa được ban bố tại hạt Sisak-Moslavina, cũng là khu vực tâm trận động đất, và hai hạt lân cận. Ông Plenkovic nêu rõ: "Trận động đất đã gây ra những thiệt hại nặng nề. Mặt đất vẫn đang rung lắc. Nhiều dư chấn được ghi nhận. Chúng ta không nên lo sợ nhưng phải hết sức cẩn thận".

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Plenkovic cho biết đang thảo luận với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm khẩn trương giải ngân hơn 122 triệu USD theo cơ chế Khung tài chính đa phương dành cho hoạt động tái thiết. Ngoài ra, Chính phủ Croatia cũng đã thiết lập một văn phòng đặc biệt do Phó Thủ tướng Tomo Medved đứng đầu, có nhiệm vụ điều phối công tác tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng do trận động đất.  

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Croatia Davor Bozinovic đánh giá quân đội và lực lượng dân sự đã phát huy vai trò trong ứng phó thiệt hại do động đất, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần giải quyết. Cũng theo ông Bozinovic, Hội Chữ thập đỏ Croatia đã phân phối 120 tấn lương thực và 150.000 lít nước uống cho khu vực thảm họa. Chính phủ cũng đã triển khai hơn 800 lính cứu hỏa tới làm công tác cứu hộ tại khu vực bị ảnh hưởng, giải cứu được 30 người bị mắc kẹt trong những đống đổ nát.

Trận động đất có độ lớn 6,4 xảy ra ngày 29/12/2020 tại khu vực gần thị trấn Petrinja, cách thủ đô Zagreb 50 km về phía Đông Nam, khiến 7 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Do ảnh hưởng của dư chấn mạnh, một số nước láng giềng như Serbia, Bosnia - Herzegovina và Slovenia đều cảm nhận được các rung lắc. 

Văn Phong (TTXVN)